(QK7 Online) - Với thách thức đặt ra là đưa thương mại hóa kết quả các đề tài nghiên cứu đến người dân và để người dân tin tưởng, Thạc sĩ Công nghệ Sinh học Phạm Quang Thắng đã nỗ lực áp dụng thử nghiệm các kết quả nghiên cứu trên nhiều sản phẩm. Đến nay, Sâm Bố Chính là một trong sản phẩm mà anh đã chuyển giao thành công cho Công ty Cổ phần Công nghệ Quốc tế Sâm Tiến Vua và đây cũng là đề tài nghiên cứu mà anh tâm đắc nhất.
Thạc sĩ Phạm Quang Thắng nhận giải thưởng Lương Định Của.
Phạm Quang Thắng sinh năm 1993, hiện đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao trực thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM. Đây là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, trình diễn và chuyển giao các quy trình kỹ thuật tiên tiến, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho người dân thành phố và các tỉnh thành khác. Qua 17 năm xây dựng, phát triển, đơn vị đã triển khai thực hiện được 152 công trình nghiên cứu, 839 giống cây trồng, cung cấp hàng triệu cây, con giống.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, anh Thắng nói: “Chính niềm đam mê nghiên cứu đã đưa tôi đến với nghề. Tôi mong muốn có thể góp sức trẻ, sự nhiệt huyết của mình cho việc nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm chế biến có giá trị kinh tế cao giúp ích cho người dân. Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng thế hệ nhà nông trẻ tương lai hãy tiếp tục cống hiến hết sức mình, tích cực tiếp thu những tri thức của nhân loại, lao động, sáng tạo để phục vụ cho xã hội, tham gia giao lưu và hội nhập quốc tế”.
Thạc sĩ Phạm Quang Thắng với sản phẩm Sâm Tiến Vua.
Từ những suy nghĩ đó đã thôi thúc anh có nhiều sáng kiến táo bạo trong nghiên cứu khoa học cũng như biện pháp kỹ thuật trồng, xử lý các loại cây trồng, con giống. Một số sáng kiến của anh được công nhận cấp thành phố và áp dụng từ nhiều năm nay. Theo anh Thắng, “Quả ngọt” thành công mà anh “hái” được chính là đề tài nghiên cứu với sản phẩm Sâm Bố Chính.
Anh Thắng cho biết: “Từ lâu nay, Sâm Bố Chính được biết đến là một dược liệu quý, có giá trị dinh dưỡng cao nhằm tăng cường sức đề kháng, thể trạng và bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây hại. Nhằm tận dụng, khai thác tối đa các tinh chất quý hiếm có trong sâm, chúng tôi và Công ty Cổ phần Công nghệ Quốc tế Sâm Tiến Vua phối hợp nghiên cứu, phát triển các sản phẩm phù hợp từ loại cây này”.
Một trong những phương pháp hiệu quả trong đề tài nghiên cứu Sâm Bố Chính là chú trọng xây dựng quy trình canh tác với phương pháp trồng sâm theo hướng hữu cơ, đảm bảo đạt chất lượng, năng suất và hàm lượng dinh dưỡng cao. Do vậy, các sản phẩm từ Sâm Bố Chính của Công ty Cổ phần Công nghệ Quốc tế Sâm Tiến Vua khi đến tay người tiêu dùng đều được kiểm định các tiêu chuẩn trước khi đưa ra thị trường nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, an toàn, hướng tới sức khoẻ của người dân, nhất là sản phẩm "Nước Sâm Tiến Vua" đã thành công giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên, đảm bảo hàm lượng nguyên chất đến 90%.
Thạc sĩ Phạm Quang Thắng không ngừng nỗ lực nghiên cứu về nông nghiệp.
Ngoài đề tài nghiên cứu trên sản phẩm Sâm Bố Chính, Phạm Quang Thắng còn được đồng nghiệp đặt biệt danh là “Kho sáng kiến” với những thành tựu không nhỏ với nhiều sáng kiến được công nhận cấp thành phố như: Sáng kiến kỹ thuật trồng, xử lý, đóng gói rau bầu đất tía và sâm đất ba cạnh; “Phòng trừ bệnh đốm lá trên lan Dendrobium Sonia bằng nanochitosan”; Cải tiến về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE. Cải tiến đã được áp dụng ở Hợp tác xã Thuận Yến (ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM), qua đó đem lại hiệu quả cao cho người nông dân.
Với những nỗ không ngừng nghỉ, tháng 11/2022, anh vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVII. Đây là giải thưởng nhằm biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những thanh niên tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Chia sẻ niềm vui lớn này, anh Thắng nói: “Nhiệm vụ học tập khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế đòi hỏi lớp thanh niên hiện nay phải nhanh chóng trang bị cho mình năng lực hội nhập như bản lĩnh, kiến thức, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết văn hóa dân tộc, đất nước mình, đồng thời phải hiểu biết tình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa thế giới. Để thực hiện nhiệm vụ đó, mỗi thanh niên phải tự mình phát huy tinh thần học tập, rèn luyện. Trong đó, việc trau dồi các kiến thức tin học, ngoại ngữ yếu tố tiên quyết, nhất là tiếng Anh vì hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông nhất trên thế giới, thông thạo tiếng Anh sẽ là một lợi thế rất lớn cho việc xin việc làm cũng như nắm bắt được nhiều cơ hội khởi nghiệp từ sự hội nhập toàn cầu”.
M.K.T