(QK7 Online) - Một cuộc đời dành cho cách mạng, một cuộc đời dành cho nhau. Câu chuyện tình yêu trong mưa bom, bão đạn của ông Nguyễn Xuân Nấm - chiến sĩ mặt trận thông tin và bà Bùi Thị Hồng - nữ du kích vận chuyển vũ khí thể hiện nghĩa tình sắt son, bền chặt. Vì sự nghiệp cách mạng cả hai phải xa nhau, rồi khi đất nước hòa bình thống nhất cả hai viết tiếp câu chuyện gia đình, dù có thể thanh xuân, cơ thể đã một phần gửi lại chiến trường.
Hai vợ chồng ông Nấm và bà Hồng nâng niu, trân trọng những kỷ vật thời chiến.
Gặp nhau trong những ngày khói lửa đạn bom ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Xuân Nấm (Nguyễn Văn Thiều - quê Đức Hòa, Long An) và bà Bùi Thị Hồng (quê Củ Chi, TP.HCM) đã dệt nên câu chuyện tình đẹp. Ông Nấm nhập ngũ năm 1961, làm chiến sĩ thông tin. Năm 1964 khi tham gia chiến dịch Bình Giã, đơn vị ông Nấm đóng quân gần đơn vị bà Hồng. Tình yêu đôi lứa nảy sinh, hẹn ước một ngày đất nước thanh bình sẽ cùng nhau nên duyên chồng vợ. Thế nhưng, chẳng được bao lâu thì đến năm 1965, do thay đổi địa bàn chiến đấu nên ông bà đành chia xa, và mất liên lạc với nhau từ đó. Năm 1968, đơn vị ông Nấm bị phục kích, cánh tay phải của ông bị đạn bắn xuyên qua, một viên đạn khác găm vào chân phải. Sau đó ông bị bắt và phải cắt bỏ chân này. Trớ trêu thay, bà Hồng cũng bị tập kích trong một lần làm nhiệm vụ. Đạn pháo cũng khiến bà bị thương, khi tỉnh dậy thì chân phải cũng đã mất cảm giác và cắt bỏ sau đó.
Có mất mát, đau thương. Nhưng trái tim, tình cảm của họ luôn tràn đầy.
Mãi đến năm 1974, họ mới gặp lại nhau trong một hoàn cảnh khi cả hai đi làm chân giả. “Anh nhìn em - em nhìn anh, ngờ ngợ vì trông rất quen nhau”. Cả hai nấc nghẹn không nói thành lời. Giữ trọn lời hẹn ước, ông Nguyễn Xuân Nấm ngỏ lời cưới Bà Bùi Thị Hồng. “Tôi nói với ông Nấm là giờ cụt chân rồi kiếm người lành lặn giúp đỡ, chứ giờ hai người như vầy đến với nhau khổ lắm. Nhưng ông Nấm nói không ai hiểu mình bằng những người cùng cảnh ngộ, nên mọi khó khăn sẽ cùng nhau vượt qua hết”. Bà Hồng tâm sự. Lời hẹn ước còn nguyên, song một phần cơ thể của ông bà đã để lại nơi chiến trường.
Anh một chân, em một chân ráp lại cũng là một đôi.
Tình yêu đã giúp ông bà vượt qua những mặc cảm ban đầu. Sau khi đất nước thống nhất, hai thương binh cùng trở vùng quê Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng gia đình nhỏ, làm vườn, trồng cây ăn quả, viết tiếp cuộc đời còn lại bên nhau. Hiện ông bà đã có với nhau 3 người con, 8 người cháu cùng. Chiến tranh đi qua, chỉ còn tình yêu ở lại.
Ông Nguyễn Xuân Nấm bộc bạch: “Anh một chân, em một chân ráp lại cũng là một đôi, thành vợ thành chồng rồi sinh con là cả vấn đề khó khăn, nhưng hai vợ chồng vượt qua hết. Rất may mắn khi cả hai được gặp lại nhau, chứng kiến được cảnh hòa bình của đất nước, tôi luôn kể cho con cháu nghe về tình yêu đẹp trong khói lửa đạn bom và giáo dục con cháu phải nỗ lực không ngừng để đóng góp xây dựng quê hương”.
Hai vợ chồng ông Nấm và bà Hồng về thăm lại chiến trường xưa.
Ngày ra đi với hình hài nguyên vẹn, khi trở về mỗi người đều gửi lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Có mất mát, đau thương. Nhưng trái tim, tình cảm của họ luôn tràn đầy. Ở tuổi xưa nay hiếm, đôi bàn tay vẫn nắm chặt lấy nhau. Cùng nhau đi tiếp trên hành trình phía trước.
Bạch Thiết