Nguyễn Chấn (Trần Văn Trà) cậu học trò thông minh, hiếu học, có lòng hiếu thảo. Hai anh em học giỏi được thầy dạy đưa về nhà ghi điểm, kêu ngồi lại ăn cơm với thầy. Biết ơn thầy, mỗi sáng Chấn tranh thủ đến nhà thầy gánh hàng xén của vợ thầy đến hiên nhà hàng xóm, chiều lại gánh giúp bà về nhà. Những năm 1930-1931, ở quê nhà phong trào cách mạng rất mạnh, thường biểu tình chống Pháp, chống sưu cao thuế nặng, chống phu phen, tạp dịch. Cha Chấn tham gia đấu tranh bị bắt tù. Đang học trường huyện, Chấn nhìn cảnh lính Lê Dương, khố đỏ chặn đường, nổ súng bắn chết người biểu tình, ý thức cách mạng bất đầu từ đó. Chấn được các anh lớn hướng dẫn tham gia viết, rải truyền đơn chống Pháp.
Năm 1936, nhà nghèo không có khả năng học cao hơn, Nguyễn Chấn thi vào học trường Kỹ nghệ, tham gia phong trào học sinh của trường và thành phố Huế. Năm 1938, Chấn được chi bộ nhà trường kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Bọn mật thám đánh hơi, năm cuối thi đậu xong Chấn không được sắp xếp việc làm. Năm 1939, sau khi dự lớp huấn luyện do đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn giảng, Chấn được điều vào Sài Gòn hoạt động dưới sự chỉ đạo của Thành ủy. Chỉ 6 tháng sau, ở Huế có đảng viên bị bắt khai Chấn là thanh niên dân chủ nên thực dân Pháp bắt Chấn ra Huế tuyên án 6 tháng tù giam, điều về quản thúc tại Quảng Ngãi.
Ít lâu sau Chấn cùng em trai Việt Châu trốn lên xe lửa vào Nam tiếp tục hoạt động. (Việt Châu trở thành Bí thư Thành ủy Cần Thơ hy sinh năm Mậu Thân 1968). Lang thang bên bờ sông Sài Gòn tìm được tấm căn cước mang tên Trần Văn Trà, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, Chấn dùng căn cước này để hoạt động, bắt liên lạc được Kỳ bộ Việt Minh, được phân công phụ trách tờ báo Cờ Giải phóng. Chấn mang tên mới với tấm căn cước “Lê Văn Thắng”.
Năm 1944, bọn mật thám Sài Gòn - Chợ Lớn bao vây căn nhà trụ sở bí mật của Kỳ bộ Việt Minh Nam bộ, bắt “Thắng” cùng một số đảng viên, thu nhiều tài liệu của mặt trận, tờ Cờ Giải phóng có nội dung hiệu triệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Chúng cho “Thắng” là chủ chốt tra tấn nhiều lần chết đi sống lại, ông vẫn giữ vững khí tiết kiên cường của người cộng sản không khai báo điều gì buộc chúng chưa thể ban hành án. Năm 1945 được trả tự do, tên "Thắng" đã bị lộ, ông trở lại mang tên Trần Văn Trà bắt đầu bước vào con đường đấu tranh trên mặt trận quân sự.
Trước tình hình quân Pháp đánh chiếm thành phố Sài Gòn, bắt đầu lấn ra ngoại thành, Thường vụ Kỳ bộ được chỉ thị của Xứ ủy rút ông về Mỹ Tho làm Ủy viên Kỳ bộ nhưng ông xin ở lại tham gia chiến đấu cùng du kích ở mặt trận Cầu Bông, Bà Chiểu, Phú Nhuận. Ông cùng Tô Ký, Hoàng Dư Khương bàn với Tỉnh ủy Gia Định tổ chức đơn vị vũ trang đầu tiên do Đảng tổ chức và lãnh đạo. Giải phóng quân liên quân Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa ra đời do Tô Ký, Chỉ huy trưởng, Hoàng Dư Khương, sau Trần Văn Trà làm Chính trị viên.
Năm 1946 đồng chí Lê Duẩn trên đường ra Bắc gặp ông, bàn đưa một bộ phận lực lượng của liên quân tăng cường, củng cố, chấn chỉnh Khu 8. Năm 1947, ông trực tiếp chỉ huy trận đánh giao thông trên đường số 1 ở Guồng Dứa, Mỹ Tho, diệt toàn bộ đoàn xe vận tải quân sự của quân Pháp, phá hủy 14 xe, diệt trung đội hộ tống 80 tên, có tên đại tá Pháp chỉ huy, bắt nhiều tên, có một kỹ sư người Pháp và tên bộ trưởng của chính phủ “Nam kỳ tự trị”, thu nhiều vũ khí, ta hy sinh 1 chiến sĩ. Chiến thắng Giồng Dứa làm chấn động dư luận trong và ngoài nước, chính phủ Pháp ra lệnh để quốc tang 7 ngày. Ông tổ chúc tiểu đoàn chủ lực 307 đánh tập trung tiêu diệt lớn, tiêu biểu chiến thắng vang dội Mộc Hóa, La Bang.
Năm 1948, tình hình chiến trường Khu 8 và toàn Nam bộ đã ổn định và phát triển. Ông được chỉ định trưởng đoàn quân, dân, chính từ Đồng Tháp Mười ra Việt Bắc trực tiếp báo cáo tình hình miền Nam với Trung ương và Bác Hồ. Ông vinh dự được Bác Hồ trao thanh kiếm mang về cùng đồng bào, chiến sĩ miền Nam diệt giặc. Trở về miền Nam ông lần lượt được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Nam bộ, Chính ủy kiêm Tư lệnh Đặc khu Sài Gòn-Gia Định, Tư lệnh Quân khu 7, Tư lệnh phân liên khu miền Đông Nam bộ. Ông đã hoàn thành xuất sắc mọi cương vị.
Thực hiện âm mưu của đế quốc Mỹ biến miền Nam lệ thuộc Mỹ, chính quyền tay sai phá hoại hiệp định, không thi hành tổng tuyển cử cả nước. Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59, chính sách “tố cộng, diệt cộng” bắt bớ, tù đày, đưa máy chém giết hại cán bộ và đồng bào yêu nước, gây nhiều vụ thảm sát dã man, buộc nhân dân miền Nam đồng loạt nổi dậy dùng vũ khí chống lại. Trước tình hình mới, Đảng ta chủ trương toàn Đảng, toàn dân “Ra sức xây dựng miền Bắc, tăng cường chi viện cho cách mạng miền Nam”. Ông và Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh được Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức đường vận tải dọc Trường Sơn và đường biển chi viện vũ khí, khí tài cho lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày càng phát triển. Miền Nam yêu cầu súng trường để đánh du kích ông chỉ đạo chuyển cả vũ khí hạng nặng nhằm cung cấp cho sự hình thành các đơn vị chủ lực tập trung.
Cuối năm 1963, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy chỉ định Trần Văn Trà làm Tư lệnh, Nguyễn Chí Thanh làm Chính ủy Quân giải phóng trên chiến trường B2 (Cực Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên và Nam bộ).
Ông điều hai trung đoàn chủ lực về Chiến khu Đ tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy, tác chiến, mở đầu chiến dịch Bình Giã giành thắng lợi lớn, góp phần cùng quân dân miền Nam đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ ngụy, tiến lên đánh bại hơn 50 vạn quân viễn chinh Mỹ ồ ạt nhảy vào miền Nam, làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ. Tiến hành cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tập kích hầu hết đô thị lớn nhỏ ở miền Nam, làm lung lay ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ buộc chúng ngồi vào đàm phán hòa bình, rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.
Ông trực tiếp ra chiến trường chỉ huy mặt trận Bắc, Đông Bắc Sài Gòn trong cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Tư lệnh Chiến dịch Nguyễn Huệ, giải phóng huyện Lộc Ninh, tấn công, bao vây tiểu khu Bình Long buộc chúng phải rút chạy, mở rộng vùng giải phóng Bắc Sài Gòn. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975, ông là Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ sở chỉ huy chiến dịch ông xuống tận mặt trận Xuân Lộc đang gặp khó khăn bàn với ban chỉ huy, quyết định thay đổi cách tấn công buộc địch phải rút bỏ tuyến phòng ngự phía Đông Sài Gòn rồi chạy về Biên Hòa, mở toang cửa ngõ cho cánh quân phía Đông tiến vào Sài Gòn. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chi Minh quân dân ta đã tiêu diệt làm tan rã hoàn toàn đội quân ngụy và chính quyền ngụy, buộc Tổng thống ngụy phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Hòa bình lập lại ông làm Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn bảo đảm an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam chống bọn Pôn Pốt phản bội ông được điều về làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 và sau đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1982 nghỉ hưu, về đời thường ông được bầu Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lúc đang vận động nước ngoài xây dựng một bệnh viện hiện đại ở thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt điều trị bệnh tim mạch cho người lớn tuổi, cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, tái phát cơn đau tim, ông đột ngột qua đời để lại lòng thương tiếc vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ.