Gần đây, các trường hợp sốc phản vệ đã được báo cáo trong y văn của nhiều nước. Đặc biệt, ở một số điểm tiêm chủng của Việt Nam cũng xuất hiện trường hợp sốc phản vệ sau khi tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và đã có ca tử vong. Vì vậy, cần có những cập nhật thích hợp, hữu hiệu cho dự phòng và điều trị tối khẩn cấp các trường hợp phản vệ và sốc phản vệ xảy ra sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Sốc phản vệ là gì?
Sốc phản vệ là một phản ứng quá mẫn tức thì, do IgE (là các kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch) làm trung gian tạo ra một hội chứng lâm sàng nguy kịch với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Tỷ lệ mắc bệnh thay đổi tùy theo nghiên cứu, dao động từ 3,2 đến 7,6 trường hợp trên 100.000 dân mỗi năm.
Các thuật ngữ "phản vệ” (anaphylaxis) và "sốc phản vệ” (anaphylactic shock) thường được sử dụng trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu. Cả hai đều đề cập đến một phản ứng dị ứng nghiêm trọng và tiến triển rất nhanh, đe dọa tính mạng và có biểu hiện lâm sàng chồng lấn, đan xen nhau. Sốc phản vệ xuất hiện tiếp nối với phản vệ, khi có huyết áp động mạch tụt thấp, làm giảm tưới máu mô, các tế bào không được nhận đủ oxy, gây rối loạn chuyển hóa tế bào dẫn đến suy đa tạng.
Trong bài viết này chỉ dùng thuật ngữ “phản vệ” cho gọn và tập trung vào một nội dung là cách chuẩn bị một điểm tiêm vaccine để sẵn sàng phát hiện và xử trí phản vệ xảy ra tại chỗ, sau tiêm vaccine ngừa covid-19.
Lực lượng tuyến đầu chống dịch tại tỉnh Hải Dương được tư vấn và kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 (ảnh chụp tháng 3-2021).
Theo dõi sau tiêm vaccine ngừa Covid-19
Những người được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 bắt buộc lưu lại điểm tiêm một thời gian để theo dõi. Thời gian lưu lại theo dõi 30 phút: Cho những người đã có tiền sử dị ứng, đặc biệt là đã có dị ứng sau tiêm các loại vaccine trước đó, ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào. Người khác theo dõi trong khoảng 15 phút.
Người đã có tiền sử “sốc phản vệ” do bất kỳ nguyên nhân nào thì phải đến những điểm tiêm thuộc các cơ sở y tế Trung ương, nơi có đầy đủ đội ngũ nhân viên và phương tiện cấp cứu nâng cao. Ở những điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 chưa được trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu ngừng tim phổi thì không nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người có tiền sử dị ứng do bất kỳ nguyên nhân nào.
Các dấu hiệu ban đầu của phản vệ có thể giống như một phản ứng dị ứng nhẹ và thường rất khó tiên lượng tiến triển. Cần cảnh giác chúng, có thể rất nhanh chóng thành phản ứng phản vệ. Nên nhớ, không phải tất cả các triệu chứng liệt kê ở trên đều nhất thiết phải xuất hiện trong quá trình sốc phản vệ và không phải tất cả bệnh nhân đều có phản ứng trên da.
Các triệu chứng được coi là điển hình của phản vệ là có nổi mề đay trên da kết hợp với rối loạn chức năng một hoặc nhiều cơ quan hệ thống trong cơ thể (hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh). Nếu xuất hiện các triệu chứng điển hình, nên tiêm ngay lập tức epinephrine, càng sớm càng tốt, không được chần chừ do dự. Liên hệ với các dịch vụ y tế khẩn cấp và chuyển bệnh nhân lên tuyến chăm sóc y tế cao hơn.
Không lãng phí thời gian làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu bệnh nhân chỉ bị ngứa và sưng giới hạn tại chỗ tiêm, cần theo dõi chặt chẽ về sự phát triển của các triệu chứng điển hình (ngoài thời gian quan sát khuyến cáo đã nêu ở trên, nếu cần). Ngoài ra, bệnh nhân cần được hướng dẫn tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của phản ứng dị ứng sau khi đã hết thời gian theo dõi và khi đã rời khỏi điểm tiêm chủng. Điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 luôn có sẵn thuốc, phương tiện cấp cứu phản vệ.
Không có chống chỉ định sử dụng epinephrine để điều trị phản vệ cho người lớn tuổi. Mặc dù một vài tác dụng phụ trên tim, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim hoặc hội chứng mạch vành cấp, đã được báo cáo ở một vài bệnh nhân được dùng epinephrine để điều trị sốc phản vệ (nhất là ở người lớn tuổi bị tăng huyết áp và/hoặc vữa xơ động mạch), epinephrine vẫn là phương pháp điều trị đầu tay cho phản vệ.
Người có thai bị sốc phản vệ cần được xử trí giống như người không mang thai. Họ nên được theo dõi chặt chẽ để bảo đảm huyết áp và duy trì tưới máu đầy đủ cho thai nhi. Những bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 liều đầu, không được tiếp tục tiêm vaccine.
Trung tướng, PGS, TS Trần Duy Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Nguồn: qdnd.vn