Năm 1961, nhận thấy vai trò to lớn của phụ nữ trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Đảng ta, phong trào Đồng Khởi phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, ngày 08 tháng 3 năm 1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Với tiêu chí “đoàn kết tất cả các tầng lớp phụ nữ không phân biệt già trẻ, giai cấp, đảng phái, tôn giáo, xu hướng chính trị, kiên quyết đấu tranh chống mọi áp bức, bóc lột, khủng bố của Mỹ - Diệm, đòi cải thiện đời sống, đòi thực sự tự do bình đẳng với nam giới, đòi được giúp đỡ và bảo vệ khi đau ốm, sanh đẻ và nuôi con…”. Noi gương tiếp bước phụ nữ miền Nam, ở khu Đông Nam bộ đã hình thành, phát triển đội quân tóc dài hùng hậu gắn với những chiến công oanh liệt làm cho kẻ địch bao phen khiếp sợ. Nhiều chị em phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ được bố trí vào các cấp ủy, được cấp ủy phân công đảm bảo và tổ chức đường dây liên lạc giữa các cấp ủy Đảng từ Trung ương Cục đến các tỉnh, huyện và chi ủy địa phương, cổ vũ, động viên các tầng lớp phụ nữ phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần quật khởi tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bằng lợi thế của mình, phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ đã tổ chức lực lượng đấu tranh với nhiều phong trào tiêu biểu như chống gom dân, lập ấp chiến lược; chống bắn pháo, chống rải chất độc hóa học; khiêng xác, khiêng người dân bị thương về tỉnh, quận đấu tranh với địch. Có cuộc đấu tranh huy động hàng ngàn người tham gia như ở Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành (Tây Ninh); Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm... (Sài Gòn - Gia Định); Bến Cát, Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một); Phú Mỹ, Mỹ Hội, Bình Sơn, Long Thành, Long Khánh (Đồng Nai); Bình Ba, Hòa Long, Long Phước, Phước Hải, Long Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)… được sử sách ghi nhận. Nhiều tấm gương tiêu biểu như má Tư Nhâm (Long Khánh), má Mười Giá ở xã Hiệp Thạnh (Gò Dầu), má Tám Giờ, má Sáu Tranh ở An Tịnh (Trảng Bàng - Tây Ninh), má Tám Kiều ở Lộc Hưng (Bình Phước)… cùng hàng trăm tấm gương tiêu biểu góp phần tô thắm truyền thống phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Hội trưởng Hội phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ đầu tiên và đảm nhiệm cương vị này lâu nhất, những tấm gương phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ không quản ngại hi sinh gian khổ, ác liệt, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đất nước hòa bình thống nhất, các mẹ, các dì, các chị lại tiếp tục phát huy phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam, nêu gương sáng trong lao động, học tập và công tác xã hội, đóng góp nhiều công sức và kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Tại buổi gặp mặt, Thượng tá Trần Chí Tâm - Phó Chính ủy Sư đoàn 5 khẳng định, việc kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh tổ chức gặp mặt các đại biểu phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ tại Sư đoàn 5 mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây vừa là dịp cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể địa phương tiếp tục tôn vinh, tri ân các thế hệ cán bộ phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ trong đấu tranh cách mạng; đồng thời thông qua những câu chuyện về người phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ giáo dục thế hệ hôm nay - nhất là đội ngũ cán bộ, chiến sĩ là con em của nhân dân trên địa bàn đóng quân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ra sức huấn luyện, học tập, công tác, góp phần để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.