(QK7 Online) - Nhân dịp Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), Báo Quân khu Online đăng toàn văn Đề cương tuyên truyền về Đại thắng mùa xuân năm 1975 làm tài liệu để cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu học tập, nghiên cứu, nhìn lại chặng đường chiến đấu đã qua, tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc và Quân đội anh hùng.
I. NHỮNG CHIẾN CÔNG OANH LIỆT CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
1. Bối cảnh thế giới và trong nước
a) Thế giới:
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ nổi lên là quốc gia cầm đầu phe đế quốc, có tiềm lực rất mạnh, hiếu chiến và có âm mưu bá chủ thế giới. Để thực hiện ý đồ chiến lược đó, Mỹ từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương và nhảy vào miền Nam Việt Nam sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, hòng áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Thế giới lúc này đã phân chia thành hai hệ thống XHCN và TBCN đối đầu gay gắt bằng cuộc chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống xã hội chủ nghĩa, phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao. Việt Nam trở thành tiêu điểm hội tụ những mâu thuẫn của thời đại.
b) Trong nước:
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, thực dân Pháp rút về nước, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, hai năm sau sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ với ý đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, đã tận dụng cơ hội, gạt Pháp ra, nhảy vào tổ chức chỉ huy ngụy quân, ngụy quyền tay sai, viện trợ kinh tế quân sự, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài nước ta. Từ đây, cả nước ta lại bước vào cuộc chiến đấu chống quân xâm lược mới, nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc Việt Nam.
2. Những bước phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta trải qua gần 21 năm (từ tháng 7 năm 1954 đến 30/4/1975), là cuộc kháng chiến dài ngày nhất, ác liệt nhất và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Có thể phân kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thành 5 giai đoạn chiến lược, mỗi giai đoạn có những chuyển biến về tương quan lực lượng, cục diện chiến tranh để đến giai đoạn cuối tạo bước nhảy vọt, đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.
a) Giai đoạn thứ nhất: Từ tháng 7/1954 đến tháng 12/1960: Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của đế quốc Mỹ:
Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, lực lượng vũ trang ta rút ra miền Bắc tập kết. Trong khi đó quân ngụy tay sai rút vào miền Nam. Từ năm 1955, đế quốc Mỹ xây dựng cho chính quyền Ngô Đình Diệm một đội quân có 10 sư đoàn bộ binh, các tiểu đoàn pháo binh, thiết giáp chủ lực cùng 54.000 quân địa phương dưới sự điều khiển trực tiếp của Mỹ thông qua gần 700 cố vấn quân sự.
Mỹ - Diệm đã phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” đánh phá điên cuồng, giết hại cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước; chúng thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Chỉ trong 4 năm (1955-1958) nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt giết, tù đày, nhiều địa phương cấp huyện không còn cơ sở Đảng.
Trước hành động điên cuồng của Mỹ - Diệm, thời gian đầu ta chưa có biện pháp chống “chiến tranh đơn phương” của địch, dần dần đảng viên và quần chúng cách mạng tự thấy phải vũ trang chống lại kẻ thù, nếu không, cách mạng sẽ bị tiêu diệt. Từ năm 1957, hoạt động vũ trang của ta đã tăng lên, phối hợp với đấu tranh chính trị. Sang năm 1958 phong trào phát triển mạnh hơn.
Tháng 01/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định rõ con đường, mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam; mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền Nam – Bắc, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam. Ngay sau đó, Chính phủ cho thành lập Đoàn vận tải quân sự Trường Sơn (Đoàn 559), bắt đầu chi viện sức người, sức của cho miền Nam.
Cuối năm 1959, đầu năm 1960, phong trào “Đồng Khởi” nổi dậy diệt bọn tề điệp ác ôn, giải tán chính quyền cơ sở, diệt đồn, phá ách kìm kẹp của địch nổ ra rộng khắp các tỉnh Nam Bộ và vùng rừng núi Trung Trung Bộ.
b) Giai đoạn thứ hai: Từ tháng 01/1961 đến tháng 6/1965, khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ:
Thắng lợi của phong trào “Đồng Khởi” đã làm thất bại “cuộc chiến tranh một phía” của Ai-xen-hao, đẩy chính quyền Ngô Đình Diệm vào thời kỳ khủng hoảng triền miên. Cuối năm 1960, Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi công bố học thuyết chiến tranh mới, “chiến tranh đặc biệt” và chọn miền Nam Việt Nam làm nơi thí điểm.
Nội dung chủ yếu của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” là: Củng cố ngụy quyền, tăng cường khả năng chiến đấu của ngụy quân bằng chỉ huy, trang bị vũ khí, yểm trợ kỹ thuật của Mỹ, tăng cường phá hoại miền Bắc, chống miền Bắc thâm nhập, bình định, dồn dân vào “ấp chiến lược” để thực hiện “tát nước bắt cá”, cô lập đi đến tiêu diệt cách mạng miền Nam.
Trên đà thắng lợi, cách mạng miền Nam tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị để phá “chương trình bình định” của Mỹ-Diệm. Ngày 16/02/1962, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã cổ vũ động viên Nhân dân miền Nam bước vào giai đoạn cách mạng mới.
Trong năm 1962, quân dân miền Nam đã đánh bại hàng loạt cuộc càn quét lùa dân vào “ấp chiến lược”, “chương trình bình định” 18 tháng của Mỹ - Diệm thất bại.
Tháng 01/1963, trận Ấp Bắc (Cai Lậy – Mỹ Tho), địch dùng 2.000 quân, có máy bay, tàu chiến, pháo binh phối hợp, do 51 cố vấn Mỹ chỉ huy. Lực lượng ta chỉ có 01 tiểu đoàn tăng cường, bằng 1/10 lực lượng địch nhưng ta đã diệt 450 tên, đánh bại quân địch. Chiến thắng Ấp Bắc có ý nghĩa báo hiệu sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.
Chiến lược Bình Giã (Bà Rịa–Long Khánh), từ tháng 12/1964 đến tháng 1/1965 là chiến dịch đầu tiên phối hợp chủ lực Miền, chủ lực quân khu và lực lượng vũ trang địa phương tiến công địch, đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.700 tên địch… Những thắng lợi đó đã chứng tỏ sự lớn mạnh, trưởng thành của lực lượng vũ trang miền Nam, đủ sức đánh bại hoàn toàn quân ngụy dù có sự chỉ huy, hỗ trợ của quân Mỹ. Đến giữa năm 1965 chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ngụy bị sụp đổ.
c) Giai đoạn ba: Từ tháng 7/1965 đến tháng 12/1968, đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc:
Thí điểm cuộc “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, đế quốc Mỹ đã bị động, tiến hành cuộc “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. “Chiến tranh cục bộ” là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới nhưng sử dụng mức độ hạn chế quân Mỹ cùng với quân chư hầu trong khu vực và quân ngụy, trong đó quân Mỹ giữ vai trò tác chiến chủ yếu trên chiến trường.
Mục tiêu “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam là nhanh chóng tạo ra ưu thế binh lực, hỏa lực “tìm diệt” chủ lực ta, giành lại thế chủ động trên chiến trường, mở rộng và củng cố vùng kiểm soát, giành lại dân, đồng thời phá hoại miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, làm lung lay ý chí giải phóng miền Nam của Đảng và Nhân dân ta. Từ giữa năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam. Lúc cao nhất cuối năm 1968, quân Mỹ lên đến 536.000; quân các nước chư hầu trên 7 vạn và gần 1 triệu quân ngụy.
Trận Núi Thành của quân dân ta là trận mở đầu đánh Mỹ, trận Vạn Tường tháng 8/1965 ta đẩy lùi cuộc hành quân của Mỹ, diệt 900 tên đã chứng tỏ ta có khả năng diệt quân Mỹ. Sau đó phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt” dâng cao khắp miền Nam. Trên toàn miền Nam thời kỳ đó ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 15 vạn tên địch, trong đó có hàng chục nghìn tên Mỹ, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị thất bại một bước quan trọng.
Đêm 30, rạng sáng ngày 31/01/1968, quân dân ta mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân trên toàn miền Nam gây cho địch thiệt hại lớn. Chiến dịch Đường 9– Khe Sanh đã bồi thêm một đòn chí mạng vào Mỹ-Ngụy.
Ngày 04/8/1964, Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, loan báo tàu chiến Mỹ bị Hải quân Việt Nam tấn công ở hải phận quốc tế ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, lấy cớ để ngày 05/8/1964 gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân đối với miền Bắc nước ta. Quân dân miền Bắc quyết tâm vừa đánh thắng Mỹ vừa bảo đảm sản xuất, vừa tích cực chi viện cho miền Nam. Đến cuối năm 1968, quân dân miền Bắc đã bắn rơi, bắn cháy 3.234 máy bay các loại, diệt và bắt sống hàng nghìn giặc lái Mỹ; bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ-Ngụy.
Trước thất bại trên chiến trường, trước làn sóng quốc tế và ngay trong nước Mỹ phản đối sự xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam, Chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc và phải ngồi vào bàn thương lượng ở Hội nghị Pa-ri, rút quân Mỹ về nước. “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị phá sản.
d) Giai đoạn thứ tư: Từ tháng 01/1969 đến tháng 01/1973, đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ ở miền Bắc:
Thất bại thảm hại trong “Chiến tranh cục bộ”, nhưng đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược miền Nam. Nich-xơn triển khai thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, ra sức phát triển và hiện đại hóa quân Ngụy Sài Gòn để thay thế quân Mỹ rút dần về nước, đẩy mạnh chiến tranh bình định và mở rộng chiến tranh ra toàn Bán đảo Đông Dương.
Đầu năm 1971 quân Mỹ - Ngụy mở cuộc tiến công xâm lược Campuchia, đánh sang Đường 9–Nam Lào nhằm cắt đứt hành lang vận chuyển chiến lược Bắc–Nam của Việt Nam. Quân đội Việt Nam đã phối hợp cùng Quân đội cách mạng Campuchia và Lào mở cuộc phản công lớn đánh bại hoàn toàn quân địch.
Đầu năm 1972 ta đồng thời mở 3 chiến dịch đánh vào 3 hướng chiến lược: Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đánh phá bình định ở đồng bằng làm cho quân Ngụy khốn đốn. Mỹ phải cho hải quân, không quân trở lại tham chiến ở miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc.
Cuộc tập kích bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12/1972 đã trở thành trận “Điện Biên Phủ trên không” đối với đế quốc Mỹ.
Thất bại ở cả 2 miền Nam, Bắc, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam (27/01/1973), rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ” bị thất bại.
e) Giai đoạn thứ năm: Từ cuối năm 1973 đến 30/4/1975, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước:
Tuy rút hết quân đội nhưng Mỹ vẫn để lại 2 vạn cố vấn quân sự đội lốt dân sự và vũ khí, trang bị chiến tranh, tiếp tục viện trợ quân sự cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Quân Ngụy lúc này lên đến 1.100.000 tên và ra sức phá hoại Hiệp định Pa-ri. Quân dân miền Nam kiên quyết đánh bại các cuộc hành quân “Tràn ngập lãnh thổ” của địch, cả nước khẩn trương tạo thế, tạo lực để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.
* Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 đến 24/3/1975).
Từ cuối năm 1974, quân ta đã bí mật dàn thế trận cho chiến dịch Tây Nguyên, lấy Buôn Ma Thuột làm trận then chốt mở màn. Ngày 04/3/1975 quân ta tấn công cắt đường 19, 21 nối Tây Nguyên với đồng bằng khu 5. Ngày 09/3/1975, ta đánh chiếm Đức Lập-Núi Lửa, cô lập hoàn toàn Buôn Ma Thuột. Ngày 10/3/1975, bốn cánh quân ta tiến công Buôn Ma Thuột.
Sau hai ngày chiến đấu quân ta tiêu diệt hoàn toàn quân địch, làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột. Địch điều quân phản kích bị quân ta diệt gọn. Nắm bắt ý đồ của địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, ta bố trí đánh chặn và truy kích tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng này. Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng.
* Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21 đến 29/3/1975)
Vừa đánh địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, ngày 21/3/1975 quân ta thọc sâu bao vây Huế. Ngày 26/3/1975, quân ta tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch ở Huế, thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên được giải phóng. Quân ta tiếp tục tấn công Đà Nẵng, phối hợp với quần chúng nổi dậy. Ngày 29/3/1975 Đà Nẵng được giải phóng.
* Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26/4 đến 30/4/1975)
Trên cơ sở những thắng lợi quyết định, ngày 15/4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn-Gia Định và hoàn toàn miền Nam.
Lực lượng ta có: 4 quân đoàn (1,2,3,4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) cùng các đội đặc công biệt động, các quân chủng, binh chủng, bộ đội Khu 7, Khu 8, lực lượng vũ trang địa phương và Nhân dân trên địa bàn chiến dịch.
Lực lượng địch có: Quân đoàn 3 (gồm 4 sư đoàn bộ binh: 22,25,5,18), Sư đoàn thủy quân lục chiến, 2 lữ đoàn dù, 1 lữ đoàn kỵ binh thiết giáp, 3 liên đoàn biệt động quân, 19 tiểu đoàn pháo binh, 800 máy bay, 862 tàu hải quân…; tổ chức phòng thủ thành 3 tuyến: Vòng ngoài (cách trung tâm Sài Gòn 30-50km), ven đô và nội đô.
Từ ngày 26/4/1975, ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng: Hướng Tây Bắc-Quân đoàn 3; hướng Bắc-Quân đoàn 1; hướng Đông Nam-Quân đoàn 2; hướng Đông-Quân đoàn 4; hướng Tây và Tây Nam-Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Khu 8).
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.
Từ ngày 26 đến ngày 28/4/1975 ta đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng: Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, thị xã Bà Rịa… cắt đứt hoàn toàn đường 4 từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây; chế áp, làm tê liệt các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất.
Chiều ngày 28/4/1975, Tổng thống ngụy Trần Văn Hương từ chức, Dương Văn Minh lên thay. Cùng ngày, một biên đội máy bay A37 (phi đội Quyết thắng) của Quân chủng Không quân đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, làm quân địch càng thêm hoảng loạn, việc di tản bằng máy bay của chúng bị ngừng trệ.
Ngày 29/4/1975, quân ta tiến công tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch ở vòng ngoài và vùng ven, đánh chiếm các căn cứ Nước Trong, Long Bình, Thành Tuy Hạ, Đồng Dù, Thị xã Hậu Nghĩa… Các binh đoàn thọc sâu tiến vào cách trung tâm Thành phố Sài Gòn từ 10 đến 20 km. Đại sứ Mỹ và các nhân viên quân sự, binh lính cuối cùng của Mỹ lên máy bay trực thăng rút khỏi Sài Gòn.
Sáng sớm ngày 30/4/1975, quân ta mở đợt Tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha cảnh sát... Vào lúc 10 giờ 45 phút, phân đội xe tăng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của Chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Cùng với đòn tiến công quân sự, Nhân dân nội thành, ngoại thành Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ở 107 điểm. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Ở Nam Bộ Nhân dân nhất tề nổi dậy cùng lực lượng vũ trang địa phương giải phóng các tỉnh còn lại và các đảo ngoài khơi.
II. Ý NGHĨA, NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
1. Ý nghĩa thắng lợi
a) Đối với Việt Nam:
- Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản của cách mạng Việt Nam; mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu, tạo lập một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
- Qua cuộc chiến đấu và chiến thắng, Đảng ta, Nhân dân ta, Quân đội ta, cả dân tộc ta và mỗi người Việt Nam được rèn luyện cả về phẩm chất và tài năng, càng nhận thức sâu hơn, đúng đắn hơn vị trí, khả năng và sức mạnh của mình trong thời đại mới.
- Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã nâng vị thế chính trị của Việt Nam trên thế giới lên một tầm cao mới và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam trong thế kỷ XX và mai sau.
b) Đối với thế giới:
- Là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
- Đã đập tan cuộc phản công lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 của chủ nghĩa đế quốc vào ba trào lưu cách mạng của thời đại, mà mũi nhọn là phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.
- Làm sáng tỏ tính hiện thực, tính phổ biến của xu thế phát triển của loài người tiến bộ. Là biểu tượng mới về sức mạnh của cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, làm tiêu tan huyền thoại về sức mạnh vô địch của đế quốc Mỹ.
2. Nguyên nhân thắng lợi
a) Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam:
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đưa ra đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, kiên quyết chỉ đạo thực hiện bằng được mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Từ việc đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn cơ bản của Nhân dân ta, Đảng ta đã định rõ bước đi, đánh bại kẻ thù rất mạnh và vô cùng xảo quyệt.
b) Nhân dân và các lực lượng vũ trang đã phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì quyền sống của con người:
Đó là thắng lợi của cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngoan cường, bền bỉ và anh dũng; thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ của Nhân dân và các lực lượng vũ trang Nhân dân ta trong cả nước, của hàng chục triệu đồng bào yêu nước miền Nam đã nêu cao tấm gương kiên cường, bất khuất. Đồng bào, chiến sĩ miền Bắc luôn vì miền Nam, động viên con em lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lao động quên mình, tạo ra cơ sở vật chất xây dựng hậu phương lớn, chi viện toàn diện cho cuộc kháng chiến ở miền Nam và trực tiếp đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của địch, bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN. Các lực lượng vũ trang Nhân dân ta phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, mưu trí sáng tạo, dũng cảm chiến đấu, góp phần cùng toàn dân đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.
c) Cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược:
Sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng đã tạo nên sức mạnh lãnh đạo cách mạng, nâng cao lòng tin của toàn dân với Đảng và trở thành động lực xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Nhân dân ta đoàn kết trong chiến đấu, trong lao động, khắc phục khó khăn, thống nhất về chính trị, trên cơ sở tình cảm giai cấp, nghĩa đồng bào. Sự đoàn kết thống nhất, gắn bó giữa Quân đội với Nhân dân. Nhân dân sẵn sàng giúp đỡ bộ đội. Bộ đội chiến đấu quên mình vì Nhân dân tạo nên sự gắn bó máu thịt giữa quân với dân. Sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã trở thành nhân tố quan trọng, sức mạnh to lớn, góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
d) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh Mỹ và thắng Mỹ:
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta tăng cường đoàn kết quốc tế, coi đó là một bộ phận hợp thành của đường lối chống Mỹ, cứu nước và đặt hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao thành một mặt trận có tầm quan trọng chiến lược, góp phần tạo nên sự vượt trội về thế và lực của Nhân dân ta; tạo nên một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược; trong đó, các nước XHCN và phong trào cộng sản quốc tế là nòng cốt.
e) Đoàn kết, liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và Campuchia:
Phát huy truyền thống anh em gắn bó với nhau từ xa xưa, Đảng và Nhân dân ta đã chủ động đoàn kết, liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và Campuchia. Sự đoàn kết liên minh trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích của mỗi nước, cùng đoàn kết chống kẻ thù chung, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia cho cả ba dân tộc. Sự hiệp đồng chiến đấu của Quân đội ta với Quân đội Lào, Campuchia đã tạo ra thế chiến lược tiến công chung cho cả 3 nước, đánh bại từng kế hoạch, từng biện pháp chiến lược lớn của địch trên toàn Đông Dương.
3. Những bài học kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
a) Kiên định quyết tâm, quyết đánh, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược:
Quyết đánh, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược là quyết tâm lớn của Đảng, của toàn dân, toàn quân, của cả nước Việt Nam. Đó là một quyết tâm vĩ đại, luôn luôn kiên định trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quyết tâm ấy bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất, ý thức làm chủ vận mệnh đất nước của người Việt Nam, được hun đúc từ ngàn đời nay. Mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy, dân tộc ta triệu người như một, sẵn sàng đứng lên chống giặc, cứu nước.
b) Đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ:
Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của chiến lược giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ đó với nhau nhằm thực hiện một mục tiêu chung: Hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, Nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên XHCN.
Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước được thực hiện bằng hai lực lượng cơ bản: Lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; bằng hai hình thức: Đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự kết hợp chặt chẽ với nhau. Trên cơ sở nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, biết đánh thắng từng bước, đẩy lùi địch từng bước, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
c) Nghệ thuật tiến hành chiến tranh Nhân dân sáng tạo:
Nghệ thuật chiến tranh Nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được phát triển lên một trình độ cao, sáng tạo, nội dung và hình thức đấu tranh cực kỳ phong phú. Đó là nghệ thuật động viên, tổ chức toàn dân, cả nước tiến hành chiến tranh với hai lực lượng quân sự và chính trị, hai hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, chiến tranh cách mạng và khởi nghĩa của quần chúng, tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công trong đó đòn tiến công quân sự có ý nghĩa quyết định, làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ. Đó là nghệ thuật xây dựng thế trận chiến tranh Nhân dân, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang Nhân dân trên ba vùng chiến lược (nông thôn đồng bằng, rừng núi và đô thị). Đó là nghệ thuật tiến công kiên quyết, tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ ba mặt trận: Đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao với hình thức phong phú đa dạng. Kết hợp chiến đấu với sản xuất và ổn định đời sống Nhân dân trong chiến tranh. Nghệ thuật chiến tranh của ta đã mở đầu đúng, biết đánh lâu dài, giành thắng lợi từng bước, đến thắng lợi hoàn toàn.
d) Tổ chức lực lượng cả nước đánh giặc:
Một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đường lối và nghệ thuật tổ chức, xây dựng lực lượng, xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị, đủ sức chiến đấu, đủ năng lực lãnh đạo, xứng đáng là đội ngũ tiêu biểu cho trí tuệ cách mạng và khoa học của dân tộc và thời đại, thực sự là lực lượng tiên phong dẫn dắt toàn dân trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ. Đồng thời, xây dựng lực lượng cả nước đánh giặc lớn nhất trong lịch sử dân tộc ta. Chính lực lượng cả nước đánh giặc là cơ sở vững chắc của thế chiến lược tiến công ngày càng vững mạnh, sắc bén của chiến tranh Nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp đủ sức đánh thắng lực lượng và bộ máy chiến tranh đồ sộ và hiện đại của đế quốc Mỹ.
e) Xây dựng căn cứ địa cách mạng, hậu phương kháng chiến vững chắc, phát huy vai trò của hậu phương lớn và hậu phương tại chỗ:
Đảng ta chăm lo xây dựng và mở rộng những vùng căn cứ, vùng giải phóng ngay tại chiến trường làm hậu phương tại chỗ. Chú trọng xây dựng tuyến đường giao thông, vận chuyển chiến lược thông suốt, chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam cũng như đường vận chuyển chiến lược giữa Việt Nam, Lào, Campuchia. Tuyến vận tải 559 - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là biểu tượng ý chí và nghị lực lớn lao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
f) Phát huy sức mạnh đoàn kết chiến đấu của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia để cùng nhau đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược:
Phát huy truyền thống láng giềng anh em gắn bó về lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, quốc phòng và cùng kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Nhân dân Việt Nam đã chủ động đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào, nhân dân Campuchia chiến đấu, chiến thắng kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Một mặt, ta phải kiên trì, nhất quán quan điểm, nguyên tắc, đoàn kết với nhân dân hai nước, nhưng mặt khác phải biết lựa chọn những hình thức. Đoàn kết, liên minh chiến đấu với Lào, Campuchia đã góp phần đem lại thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung của ba nước Đông Dương để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
g) Đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh thời đại gắn với sức mạnh dân tộc:
Đảng ta ra sức tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy tối đa sức mạnh của thời đại, coi đó là một bộ phận hợp thành của đường lối chống Mỹ, cứu nước và đặt hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao thành một mặt trận có tầm quan trọng chiến lược. Dưới tác động của hoạt động đối ngoại và của cuộc kháng chiến của Nhân dân ta, một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược đã hình thành và phát triển. Đó là hệ thống các nước XHCN, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân, phong trào cách mạng, lực lượng hoà bình, dân chủ, tiến bộ trên toàn thế giới, kể cả đông đảo nhân dân Mỹ yêu chuộng hoà bình và công lý.
h) Bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người:
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xét cho cùng, là thắng lợi của nhân tố con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Bản sắc, văn hoá con người Việt Nam được tạo thành từ tố chất mới hoà quyện dân tộc và giai cấp, truyền thống và hiện đại, thừa kế gia sản vĩ đại của một dân tộc anh hùng, tiếp tục làm vẻ vang dân tộc, đưa dân tộc Việt Nam lên ngang tầm thời đại mới. Đảng ta đặt trọng tâm trước hết vào việc xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho con người; xác định lập trường kiên quyết kháng chiến, quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Từ đó, động viên được ý chí chiến đấu, năng lực sáng tạo và nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên chiến thắng - Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ RÚT RA VÀ ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN
1. Một số vấn đề rút ra
a) Khẳng định tên gọi "Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước"
Hiện nay, khi nói về tên gọi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do nhãn quan chính trị khác nhau, do sự hiểu biết khác nhau, đặc biệt là do ảnh hưởng của hệ thống tuyên truyền một chiều nên vẫn có những ý kiến trái chiều, có những luận điểm thiếu khách quan, không trung thực.
Có ý kiến cho rằng, gọi cuộc chiến tranh đó là “Chiến tranh Việt Nam”. Họ lập luận rằng, vì nó xảy ra ở Việt Nam. Nếu chỉ căn cứ vào địa điểm xảy ra chiến tranh mà gọi như thế là phi chính trị. Cách đây gần hai thế kỷ Clao-dơ-uýt đã cho rằng: “Chiến tranh chỉ là một sự tiếp tục của chính trị bằng những biện pháp khác (cụ thể bằng bạo lực) và Chiến tranh chẳng qua chỉ là chính trị từ đầu đến cuối”. Do đó, không thể gọi cuộc chiến tranh xâm lược đó là “Chiến tranh Việt Nam”.
Một số thế lực đã cho rằng, đây là một “cuộc nội chiến” giữa những người Cộng sản và không Cộng sản, hay là cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” giữa hai phe TBCN và CNXH. Thực tế cho thấy, từ năm 1965 Mỹ hoàn toàn tham gia chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, đến năm 1969 mới bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp “Việt Nam hóa chiến tranh” và trong suốt hơn 20 năm từ 1954 đến 1975 Mỹ hoàn toàn nắm quyền định đoạt các chiến lược chiến tranh do Mỹ đề ra thì sao có thể gọi đây là “cuộc nội chiến” giữa người miền Bắc với người miền Nam được. Mặt khác, vì sự chính nghĩa nên cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi về tinh thần, sự giúp đỡ to lớn về vật chất của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là của Liên Xô, Trung Quốc, cùng các nước xã hội chủ nghĩa khác. Việt Nam trân trọng cảm ơn và không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ đó. Tuy nhiên, cần phải khẳng định yếu tố quyết định, dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam chính là sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn thể dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam...
Những tên gọi như trên và còn nhiều tên gọi khác nữa xét đến cùng cũng chỉ là lẩn tránh, xuyên tạc sự thật, biện hộ cho các luận điệu của những kẻ đã và đang rắp tâm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại quá trình hòa hợp của người Việt Nam ở nước ngoài mà thôi. Do đó, một lần nữa chúng ta tiếp tục khẳng định tên gọi: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
b) Nhận thức đúng về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay:
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi cách đây 48 năm, nhưng nhận thức về mối quan hệ Việt Nam - Hoa kỳ trong tình hình mới vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Về cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đã tiến hành tại Việt Nam trong thế kỷ 20. Đối với Nhân dân Việt Nam, đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, giải phóng, thống nhất đất nước mình, không phải là chiến tranh để nhằm chống lại Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ mà càng không phải là để chống lại nhân dân Hoa Kỳ. Sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù phải chịu hậu quả rất nặng nề của chiến tranh, trong đó có 3 triệu người chết; 4 triệu người bị thương; 4,8 triệu người phơi nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin... Nhưng, với chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Việt Nam đã tích cực hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết những vấn đề hậu chiến. Đó là truyền thống hòa hiếu và mong muốn nhất quán của Việt Nam.
Cách đây 27 năm, bắt đầu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, có lẽ ít ai có thể hình dung được bằng cách nào mà hai nước Việt Nam - Hoa kỳ có thể vượt qua được nỗi đau của chiến tranh để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp như hiện nay. Mối quan hệ tốt đẹp đó đã được xây đắp trên cơ sở những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và hợp tác cùng có lợi. Đây là nhân tố quan trọng cho việc xây dựng lòng tin chính trị giữa hai nước.
Hiện nay, hai nước cùng phải nỗ lực không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ Đối tác toàn diện, tạo cơ sở nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, vì sự phát triển, phồn vinh của mỗi nước, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong thời gian tới hai nước có nhiều việc cần làm đưa quan hệ song phương tiến lên phía trước. Trước hết, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước phát triển ngày càng sâu rộng, bền vững. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trọng tâm, nền tảng và là động lực phát triển quan hệ song phương. Hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường... là điểm sáng và là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng. Hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh là yếu tố làm gia tăng sự tin cậy và giá trị chiến lược, cần được tăng cường với các bước đi phù hợp với lợi ích của hai nước...
Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cần lưu ý một số vấn đề có tính nhạy cảm như sau:
Một là, quá trình phát triển mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cần được đặt trong sự cân bằng quan hệ với các nước lớn, nhất là trong tam giác quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam - Trung Quốc. Nếu phát triển quan hệ quá nhanh, quá xa với một nước, rất có thể sẽ tạo ra lý do để nước kia gây sức ép đối với Việt Nam. Do đó, cần giải quyết tốt mối quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ trong khuôn khổ Đối tác toàn diện, tránh bị “mắc kẹt” trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hai là, về sự khác biệt ý thức hệ. Năm 2013, khi thiết lập mối quan hệ Đối tác toàn diện, trong Tuyên bố chung hai bên đã khẳng định sẽ tôn trọng chế độ chính trị của nhau. Hàm ý của Hoa Kỳ là không can thiệp vào hệ thống chính trị của Việt Nam và không lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng trên thực tế hiện nay, một số thế lực thù địch chống phá Việt Nam vẫn lén lút hoạt động, được các thế lực ở nước ngoài dung túng, bao che, tiếp tay tiến hành âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam. Trước sự chống phá đó, chúng ta cần nang cao cảnh giác, không mơ hồ, ảo tưởng.
Ba là, xác định đúng đối tác, đối tượng trong tình hình hiện nay. Đây là vấn đề “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế. Về vấn đề này, Đảng ta khẳng định: “Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”.
Từ quan điểm của Đảng về đối tác, đối tượng như trên, chúng ta vận dụng linh hoạt trong các mối quan hệ quốc tế, đồng thời là cơ sở để củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, góp phần phòng chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” làm thất bại âm mưu thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
2. Một số định hướng tuyên truyền
- Đẩy mạnh tuyên truyền, thông qua đó khẳng định vai trò, tầm vóc vĩ đại và giá trị to lớn của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết dân tộc là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ca ngợi truyền thống đấu tranh anh dũng, quật cường, mưu trí, sáng tạo và tinh thần chiến đấu quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta. Tôn vinh, tri ân và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu, đóng góp to lớn vì độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước.
- Tiếp tục khẳng định việc củng cố, tăng cường mối quan hệ “Đối tác toàn diện” Việt Nam - Hoa Kỳ là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta; một trong những thành tựu quan trọng thực hiện đường lối đối ngoại, mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời cũng là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và thiện chí của cả hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ kể từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là từ sau khi bình thường hóa qua hệ hai nước tới nay. Trong quá trình tuyên truyền, cần làm rõ những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay, khẳng định sách lược mềm dẻo, linh hoạt “dĩ bất biến”, “ứng vạn biến” của nước ta trong giải quyết các mối quan hệ quốc tế, nhất là đối với các nước lớn hiện nay.
- Tập trung đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, sai sự thật, xuyên tạc, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cứ mỗi dịp cả nước kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là những phần tử lưu vong phản quốc, bọn cơ hội, bất mãn chính trị lại xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam với những luận điệu sai trái. Chúng gọi ngày 30/4 hàng năm, ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông liền một dải là “ngày quốc hận”; chúng cho rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta là cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc; rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân ta là “hoàn toàn vô nghĩa, lẽ ra dân tộc Việt Nam đã có thể tránh được cuộc chiến tranh này nên không có gì đáng tự hào"…
Những luận điệu trên không có gì là lạ, chỉ có điều cứ đến những dịp Nhân dân ta kỷ niệm Chiến thắng 30-4 thì sự chống đối, xuyên tạc đó lại dồn dập hơn. Trong những ngày này, với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, họ tiếp tục ra rả những luận điệu chống phá, xuyên tạc với những chiêu thức mới, được tung lên các phương tiện thông tin, truyền thông, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Các thế lực thù địch bên ngoài liên kết với các đối tượng cơ hội chính trị, chống đối ở trong nước, “kẻ tung, người hứng”, ra sức truyên truyền chống phá để đánh lừa những người nhẹ dạ, cả tin, tác động mạnh mẽ, tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, thái độ của Nhân dân ta. Sự xuyên tạc đó dễ làm cho một số người trong các tầng lớp Nhân dân ta mất cảnh giác, rơi vào ngộ nhận, hiểu sai lệch về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và niềm tự hào chính đáng vào Đại thắng mùa Xuân 1975.
Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023) là một sự kiện chính trị quan trọng của Quân đội và đất nước. Đây cũng là dịp để toàn thể cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu nhìn lại chặng đường chiến đấu đã qua, tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc và Quân đội anh hùng. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào tinh thần yêu nước quật cường, bất khuất, trí thông minh, sáng tạo của Nhân dân ta, Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc Việt Nam.
Chúng ta tin tưởng rằng, với niềm tự hào dân tộc, truyền thống vẻ vang của LLVT Quân khu, toàn thể cán bộ, chiến sĩ tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng LLVT Quân khu ngày càng vững mạnh, thật sự làm nòng cốt cho toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Tùng Lâm