Lời hẹn tìm về nơi chào đời của người con kính yêu, Người là đấng cứu tinh của dân tộc Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra đời ngày 19/5/1890, thuở nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung. Điều trùng hợp kỳ lạ, ngày 2/9/1945, Người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Và Người cũng đã ra đi về “thế giới người hiền” vào ngày 2/9/1969.
Đường về Khu di tích Kim Liên, hương sen thơm ngát, những bước chân khắp mọi miền quê rạo rực nỗi nhớ Người, háo hức tìm về nơi ghi dấu những năm tháng tuổi thơ, nơi lưu giữ cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và nhận thức thế cuộc của Người thời trẻ. Nơi đây là chiếc nôi của nhiều nhân sỹ yêu nước: Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu, Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân... mà tư tưởng tiến bộ đã tác động, giúp Người sớm thấu hiểu thế nào là tình yêu quê hương, đất nước. Đó là điều kiện để nuôi dưỡng, hun đúc lòng yêu nước thương nòi, sớm hình thành trong Người khát vọng cứu nước, cứu dân.
Từ quê ngoại Làng Chùa, đến quê nội Làng Sen, những ngôi nhà tranh bình dị nương mình dưới bóng tre xanh, đến mỗi thứ đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt đã phủ màu thời gian… neo vào trái tim chúng tôi nhiều cảm xúc sâu sắc. Không ai nghĩ rằng, một vị lãnh tụ, một danh nhân văn hóa thế giới, lại sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà mộc mạc và sống một cuộc đời thanh đạm đến vậy. Hàng thế kỷ đi qua, những hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của Bác được lưu giữ như những miền ký ức hết sức đẹp đẽ, như tấm gương soi sáng cho người dân nước Việt mọi thế hệ. Bên trong những ngôi nhà vẫn vẹn nguyên bao kỷ niệm thời niên thiếu của cậu bé Cung; đâu đó còn vọng lại tiếng ru của bà, của mẹ; từng lời dạy bảo của cha. Đó là những yếu tố làm nên nhân cách Hồ Chí Minh sau này. Không chỉ là nơi ngưỡng vọng của Nhân dân trong nước, mà cả bạn bè quốc tế đều mong muốn được tới nơi đây, để tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác.
Năm 2023, kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật Bác, cũng là thời điểm đất nước ta tưởng nhớ Người sau gần 55 năm đi xa.
Dịp này, tôi lại về thăm quê Bác, khi giọng người hướng dẫn viên nghèn nghẹn, chúng tôi lại rưng rưng hai hàng lệ ứa. Những gương mặt chăm chú dõi theo từng hiện vật, và hiện vật càng đơn sơ thì xúc động càng trào dâng. Cả cuộc đời Người dấn bước trên con đường tranh đấu, quyết tìm tự do cho dân tộc giang sơn, dành trọn tình yêu thiêng liêng cho nước cho dân. Những dấu ấn cốt lõi, sâu xa nhất xuất phát từ nơi chôn rau cắt rốn, nơi giàu lòng yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm. Từ ông ngoại Hoàng Xuân Đường và phụ thân là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Là một nhà nho yêu nước, cụ Phó bảng vừa là người thầy đầu tiên của Nguyễn Sinh Cung, vừa dạy chữ, dạy đạo lý làm người và truyền cho con lòng yêu nước. Ông đặt nhiều hy vọng và yêu thương nhất là Nguyễn Sinh Cung. Đi đâu, cụ cũng cho cậu bé Cung đi cùng. Cụ còn định hướng cho con đến học với thầy Vương Thúc Quý, một nhà giáo có lòng yêu nước thương dân, có tư tưởng cấp tiến. Nhà thầy lại là nơi các sĩ phu yêu nước thường lui tới. Học trò Cung thường giúp thầy tiếp nước cho các vị khách, nhờ đó mà sớm hiểu được sự day dứt của cha chú trước cảnh nước mất nhà tan.
Bà Hoàng Thị Loan là người mẹ cẩn trọng. Bà luôn dạy dỗ, bồi đắp ý chí nam nhi cho các con trong những năm tháng tuổi thơ. Tôi đã hiểu điều này qua những câu hát quen thuộc, mà thân mẫu vừa kéo sợi vừa hát ru Người ngủ: “À ơi! Con ơi! Mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Cuộc đời đói sạch rách thơm/ Công danh phủi nhẹ nước non đáp đền”. Mắt chăm chú, tai lắng nghe, nhiều người không cầm được lòng, lệ rưng rưng nhìn chiếc võng gai, chiếc giường mộc, nơi thân mẫu đã sinh ra những người con trong ngôi nhà đơn sơ ấy. Đặc biệt, chiếc khung cửi đã đồng hành cùng mẹ, nuôi các con trưởng thành để giúp nước, giúp dân, đã gây ấn tượng mạnh cho chúng tôi cùng rất nhiều du khách.
Giữa những ngày tháng Năm lịch sử, cả dân tộc ta kỷ niệm 133 năm Ngày sinh nhật Bác, về với Khu di tích Kim Liên ta như tìm thấy hơi ấm tuổi thơ của Người và cuộc sống thanh đạm, bình dị của gia đình Cụ Phó bảng, Cụ Hoàng Xuân Đường. Những điều mắt thấy tai nghe khiến ta vừa xúc động, vừa tự hào về những năm tháng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quanh tôi, rộn rã bước chân du khách về với Hoàng Trù, với Làng Sen và ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh, bằng tình cảm của đồng bào cả nước dành cho Người, tri ân, kính yêu Người.