Đã ra quân là chiến thắng
Với khí thế quyết tâm thi đua diệt địch sôi nổi, Đoàn đã có nhiều trận đánh vang dội, tiêu biểu như trận đánh Đường Long (Bến Cát) ngày 31/12/1963; tập kích sân bay Tân Sơn Nhất; ba lần tập kích sân bay Biên Hòa, trong đó, nổi bật là trận tập kích lần thứ nhất vào đêm 31/10/1964 dưới sự chỉ huy của đồng chí Lương Văn Nho, Đoàn phó U80. Bằng lối đánh bí mật áp sát, táo bạo thọc sâu, bất ngờ, lui quân nhanh, chỉ sau hơn 1 giờ chiến đấu, Đoàn đã phá hủy 59 máy bay các loại, nổ 2 kho đạn pháo, tiêu hủy 18 căn lán trại, loại khỏi vòng chiến đấu 293 tên địch.
Năm 1969, Quân ủy – Bộ Tư lệnh Miền quyết định đổi phiên hiệu đơn vị thành Đoàn 75 và tặng danh hiệu “Đoàn Pháo binh Biên Hòa”, Đoàn trở thành lực lượng quan trọng trong các trận đánh hiệp đồng binh chủng của LLVT miền Đông Nam bộ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới Tây Nam và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 2/6/1976, Đoàn Pháo binh 75 Miền chuyển về xây dựng lực lượng Pháo binh ở Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, riêng Quân khu 7 được mang phiên hiệu Trung đoàn 75 (Lữ đoàn 75 hiện nay) và danh hiệu truyền thống của Đoàn Pháo binh Biên Hòa, lấy ngày 31/10/1964 là ngày truyền thống của đơn vị.
Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng
Bước vào giai đoạn mới, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Lữ đoàn tập trung xây dựng đơn vị theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo, xây dựng nghị quyết lãnh đạo theo tiêu chí ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Từ đặc thù huấn luyện binh chủng pháo binh, để phát huy tốt hỏa lực mặt đất chủ yếu trong các hình thức tác chiến, Lữ đoàn chú trọng huấn luyện phân đội theo hướng chuyên sâu, tập trung khắc phục những khâu yếu, mặt yếu. Trong đó, tổ chức huấn luyện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, huấn luyện sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn tác chiến và thực tế chiến đấu.
Lữ đoàn tăng cường huấn luyện, hợp luyện đại đội; huấn luyện chiến thuật, tập chiến thuật cấp phân đội. Các đơn vị trực thuộc kết hợp huấn luyện kỹ, chiến thuật pháo binh với chiến thuật binh chủng hợp thành; phối hợp hiệp đồng chiến đấu nhanh, chính xác giữa các số trong từng khẩu đội và các đơn vị, đồng thời huấn luyện ngụy trang, phòng tránh đánh trả sát tình huống chiến đấu khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Xác định cán bộ là khâu then chốt trong quá trình huấn luyện, vì vậy, Lữ đoàn làm tốt việc tập huấn cán bộ trực tiếp huấn luyện thông qua nhiều hình thức như: Bồi dưỡng tư duy quân sự xử lý tình huống tác chiến di chuyển, dịch chuyển; nội dung, phương pháp điều hành, tổ chức một buổi huấn luyện, kiểm tra theo phân cấp; các kỹ năng, kiến thức sử dụng sa bàn, bản đồ,…
Hằng năm, Lữ đoàn thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong LLVT Quân khu 7 tổ chức các đợt diễn tập tác chiến để nâng cao trình độ, năng lực, sức cơ động nhanh cho cán bộ, chiến sĩ và rút ra biện pháp chỉ đạo trong huấn luyện, rèn luyện theo tình huống, địa hình, thời tiết. Bên cạnh đó, đơn vị luôn chú trọng thực hiện tốt việc quản lý, khai thác VKTB, bảo đảm đồng bộ kỹ thuật xe, pháo, đạn phục vụ tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ.
Phát huy truyền thống “Xung kích, đánh giỏi, bắn trúng, toàn năng, khoa học, sáng tạo, tự lực, tự cường”, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn quyết tâm đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, thi đua huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, đạt nhiều thành tích trong huấn luyện, xây dựng đảng bộ TSVM, đơn vị vững mạnh toàn diện.