Tượng đài chiến thắng Phước Long. (ảnh: Tư liệu)
Chiến dịch Đường 14 – Phước Long diễn ra từ ngày 17/12/1974 đến 6/1/1975. Sau 26 ngày đêm chiến đấu liên tục, bộ đội chủ lực và quân dân Bình Phước đã tiêu diệt hoàn toàn các cụm cứ điểm chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài, Phước Bình, yếu khu Bù Na, điểm cao Bà Rá và thị xã Phước Long. Đến trưa ngày 6/1/1975, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng Phước Long và đến 19 giờ cùng ngày, tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng. Kết thúc chiến dịch, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, thu 5.000 súng các loại, 10.000 đạn đại bác và nhiều phương tiện chiến tranh, bắn rơi 5 máy bay, giải phóng hơn 50.000 thường dân.
Chiến thắng Đường 14 – Phước Long có ý nghĩa về nhiều mặt: Chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, tạo thế và xây dựng lực lượng ở chiến trường B2; là một thực tiễn lớn để đánh giá khả năng phản ứng của ngụy và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ, góp phần hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tại Hội nghị Tỉnh ủy Bình Phước mở rộng từ ngày 15 đến 17/3/1975 đã khẳng định: “Đây là thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử đối với tỉnh Bình Phước, là thắng lợi của 20 năm chiến đấu không ngừng mà quân dân Phước Long, nhất là công nhân đồn điền, dân tộc và Nhân dân các dinh điền, di dân cùng các tầng lớp lao động khác, là thắng lợi của sự kết hợp ba thứ quân”.
Tỉnh Phước Long, cùng với một vùng biên giới tỉnh Tây Ninh được giải phóng, đã mở ra một vùng căn cứ địa rộng lớn, tạo bàn đạp đứng chân cho các lực lượng lớn của ta áp sát Sài Gòn, mở ra vùng hậu phương trực tiếp tiếp tế cho cả chiến trường miền Nam. Chiến thắng Phước Long là ngọn cờ hiệu triệu cho phong trào cách mạng của nhân dân tỉnh Bình Phước cũng như cho cả miền Nam, là một đòn trinh sát chiến lược giúp Bộ Chính trị củng cố quyết tâm, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam.
Trong khí thế chiến thắng, ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết đánh giá, chiến thắng Phước Long mở ra khả năng giành thắng lợi theo phương án dự kiến 2 năm 1975 – 1976 và quyết tâm kết thúc chiến tranh sớm trong năm 1975 khi thời cơ đã đến. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định thời cơ giải phóng Sài Gòn – Gia Định đã chín muồi. Ta đã có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975, không thể để chậm. Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 có tầm vóc và ý nghĩa chiến lược với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đây là trận chiến đấu cuối cùng và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc cuộc chiến 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng về chiến thắng Đường 14 – Phước Long vẫn còn đó, chiến thắng Đường 14 – Phước Long sẽ mãi là niềm tự hào, tự tôn dân tộc Việt Nam nói chung và của các dân tộc anh em tỉnh Bình Phước nói riêng, khẳng định ý chí khát vọng chiến thắng, khát vọng hòa bình của dân tộc ta.
Lê Huy Chung