(QK7 Online) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng núi Bà Đen (06/01/2025-06/01/1975), chúng tôi có dịp theo chân đoàn cựu chiến binh Tiểu đoàn 47 (Bộ Tham mưu Quân khu 7) thăm lại chiến trường xưa.
Gần 90 cựu chiến binh thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại bia tưởng niệm chùa Hang (ngày 06/01/2025).
Núi Bà Đen, với độ cao 984m so với mực nước biển, là đỉnh núi cao nhất ở vùng Đông Nam Bộ, đóng vai trò chiến lược khi án ngữ cửa ngõ phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn. Ngay từ đầu chiến tranh, Mỹ - ngụy đã nhanh chóng nhìn thấy, chiếm giữ và thiết lập một căn cứ truyền tin trên đỉnh núi. Căn cứ này không chỉ là trung tâm tiếp phát sóng liên lạc và do thám, mà còn là điểm khởi nguồn cho các đợt hỏa lực bắn phá Chiến khu Dương Minh Châu, nhằm kiểm soát và chế áp Quân Giải phóng hoạt động trong vùng, khiến nó trở thành một vị trí trọng yếu trong chiến lược quân sự của địch. Trong suốt thời gian ấy, nơi đây được xem là mặt trận khốc liệt của những chiến sĩ quân giải phóng đã bám trụ kiên cường trong từng hang động, mỏm đá cheo leo đánh phá và trinh sát căn cứ của địch trên đỉnh núi.
Chiến sĩ tình báo "ba trong một"
Khi Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt, Bộ chỉ huy của Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào tháng 1 năm 1961, tại Chiến khu Dương Minh Châu. Địch đã nhanh chóng chiếm và biến đỉnh núi Bà Đen thành căn cứ quân sự tiếp sóng liên lạc và do thám hoạt động của ta. Chúng ồ ạt thực hiện các chiến dịch quân sự như Chiến dịch Sấm Rền (1962), Chiến dịch Quang Trung 5 (1963), Chiến dịch Bình Tây (1963), Chiến dịch Phượng Hoàng (1964),.. tấn công với dã tâm tiêu diệt Bộ chỉ huy tại chiến khu. Từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có những thông tin về hoạt động của địch từ núi Bà Đen.
Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại chùa Hang (núi Bà Đen, Tây Ninh).
Từ đầu năm 1962, một đơn vị trinh sát và thông tin (Liên đội 7) được cử lên núi Bà Đen hoạt động. Đội quân báo đóng quân sườn núi phía Bắc núi Phụng. Tại đây có hệ thống hang động phức tạp, nhiều hang động chạy quanh núi và vị trí quan sát thuận lợi ở độ cao khoảng 600 mét.
Tận dụng địa hình của núi, bộ đội đã biến hang động thành nơi cư trú và dự trữ lương thực, súng đạn. Hệ thống các ụ súng chiến đấu, chiến hào, khu vực sinh hoạt, các kho bãi,..được rải thành một căn cứ đá nhiều tầng lớp. Nơi đây, đã diễn ra hàng ngàn trận đánh dằn co từng gốc cây, mét đất giữa địch và ta, vừa chiến đấu bám trụ vừa hoạt động tình báo.
Sau này Liên đội 7 được bổ sung quân lực và mở rộng hoạt động tạo thành một đại đội chiến đấu lâu dài. Tình thế chồng chất khó khăn, khi chân núi bị địch bao vây cắt đứt mọi nguồn lực hậu cần. Cán bộ, chiến sĩ đã chia sẻ nhau từng cọng rau, giọt nước, tận dụng từng con thằn lằn, ốc núi làm lương thực để có sức tiếp tục chiến đấu. Thêm vào đó, mỗi ngày bộ đội ta còn phải hứng chịu hàng loạt đợt ném bom đánh phá ác liệt từ không quân Mỹ.
Vừa chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt, vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trinh sát và kịp thời báo cáo về bộ chỉ huy. Suốt 10 năm kiên cường, bao thế hệ đã anh dũng hy sinh, cuối năm 1972 Liên đội 7 trinh sát đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân.
31 ngày đêm quyết tâm giải phóng núi Bà Đen
Ngày 15/9/1974, sau khi được đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn Trinh sát 47 từ Tiểu đoàn Trinh sát 46. Tiểu đoàn được lệnh của Bộ Tư lệnh Miền quyết tâm tiêu diệt căn cứ của địch tại núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh nhắm bịt tai mắt của chúng, mở rộng địa bàn kiểm soát hướng Tây Bắc Sài Gòn, nghi binh đánh lạc hướng nhận định của địch để chủ lực tập thực hành đánh chiếm Phước Long.
Sau khi tổ chức lực lượng bí mật tiếp cận căn cứ địch trên núi Bà Đen, lúc 1 giờ sáng ngày 6/12/1974, Tiểu đoàn nổ súng tiến công cứ điểm truyền tin. Sau 4 giờ chiến đấu, có 2 mũi quân ta đột nhập vào được bên trong. Mũi bên ngoài bị địch phát hiện dùng hỏa lực bắn chặn. Gặp nhiều khó khăn trong tiến công ta vẫn tiếp tâm bám trụ, vây ép lực lượng địch bên trong căn cứ. Cuộc chiến đấu giành quyền kiểm soát cao điểm chiến lược này diễn ra vô cùng khốc liệt giữa các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trên chiến trường lúc bấy giờ.
Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Anh hùng LLVT Nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu 7 ôn lại kỷ niệm cùng đồng đội về những ngày ông đã đã ở và chiến đấu tại hang núi.
Phía Quân Giải phóng là Bộ đội trinh sát, Đặc công (gồm Tiểu đoàn Trinh sát 47, Liên đội 7 Trinh sát thuộc Phòng Quân báo Miền và 1 đại đội Đặc công Miền), phía Quân đội Sài Gòn là Liên đoàn 81 Biệt kích dù với sự yểm trợ tối đa của không quân, pháo binh. Bất chấp sự ác liệt, thương vong ta và địch giằng co quyết liệt từng mỏm đá, từng tấc đất, từng gốc cây trên núi.
Ngọn núi Bà Đen bị rung chuyển bởi hàng loạt bom, đạn đủ loại của kẻ thù dội xuống, với sức hủy diệt thảm khốc nhằm tiêu diệt, đè bẹp ý chí tiến công của quân ta. Ác liệt như vậy, nhưng chúng tôi vẫn không hề nao núng, các chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ, thoắt ẩn, thoắt hiện, liên tục tấn công, khiến quân địch mất dần trận địa. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khá, trầm ngâm sau câu nói.
31 ngày đêm chiến đấu anh dũng dưới mưa bom, bão đạn của địch, lực lượng của ta đã vây hãm và đánh thiệt hại nặng sinh lực của địch, khiến chúng hoang mang, không còn ý chí chiến đấu. Đến 1 giờ sáng ngày 6/1/1975, quân địch trong căn cứ dù được máy bay, phi pháo chi viện nhưng vẫn không chịu được trước sự công phá của ta nên cuối cùng phải bỏ căn cứ tháo chạy. Căn cứ truyền tin của Mỹ - Ngụy ở núi Bà Đen bị san phẳng, ta làm chủ căn cứ. Núi Bà Đen được giải phóng cùng ngày giải phóng Phước Long.
Mất căn cứ truyền tin quan trọng, địch tổ chức lực lượng dưới sự yểm trợ tối đa của không quân và pháo binh quyết tái chiếm lại căn cứ. Vừa thắng lợi bước đầu cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 47 cùng các lực lượng phối thuộc lại tiếp tục bước vào trận chiến mới.
Đôi mắt đượm buồn của người cựu chiến binh tình báo khi nhớ về đồng đội đã hy sinh.
Liên tục trong nhiều ngày, cao điểm nhất là từ ngày 23 đến 26/1/1975, sau những đợt ném bom, bắn phá dữ dội, địch nhảy dù, đổ quân xuống đỉnh núi kết hợp với bộ binh tiến công từ dưới chân núi lên tạo thế gọng kìm quyết chiếm lại căn cứ. Với tinh thần quyết tâm và khí thế chiến thắng, tinh thần của bộ đội rất kiên định và quyết không để địch chiếm lại căn cứ bẻ gãy các cuộc phản công của địch khiến chúng chùn bước và từ bỏ âm mưu tái chiếm căn cứ núi Bà Đen.
Lê Tiến