Đồng chí Trần Văn Trà, Tư lệnh Chiến dịch Nguyễn Huệ triển khai kế hoạch tác chiến ở Bình Long, năm 1972. Ảnh: Tư liệu
Thời điểm mở màn chiến dịch, quân đội Việt Nam Cộng hòa bố trí dày đặc trên địa bàn với 4 sư đoàn bộ binh (5, 18, 25 và 21), 1 lữ đoàn dù, 5 liên đoàn biệt động quân, 456 xe tăng, xe bọc thép, 396 khẩu pháo, 67 liên đội và 146 đại đội bảo an, 820 trung đội dân vệ. Thực hiện quyết tâm đánh lớn, đánh quỵ từng bộ phận chủ lực quân đội Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã huy động một lực lượng lớn, bao gồm 3 sư đoàn chủ lực (5, 7, 9); 3 trung đoàn bộ binh độc lập (24, 71, 205); 3 trung đoàn bộ binh địa phương (4, 16, 33); Trung đoàn đặc công 429; Trung đoàn 42 và Tiểu đoàn 28 (thuộc Đoàn pháo binh 75); 2 tiểu đoàn xe tăng và xe bọc thép; 4 tiểu đoàn pháo cao xạ và súng máy cao xạ. Đây là lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Nam Bộ tiến hành một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô tương đương cấp quân đoàn tăng cường.
Đúng 4 giờ sáng ngày 1/4/1972, chiến dịch mở màn với đòn tiến công vào đội hình phòng ngự của Chiến đoàn 49 ngụy ở hướng Thiện Ngôn – Xa Mát, buộc chúng phải điều quân đi chốt giữ các vị trí chiến lược trên tuyến đường 22. Đòn nghi binh này tạo điều kiện cho các đơn vị quân chủ lực nhanh chóng triển khai lực lượng từ các vị trí tập kết dọc biên giới xuống hướng chủ yếu (đường 13), chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công các trọng điểm: Sư đoàn 5 vây cụm cứ điểm Lộc Ninh. Sư đoàn 9 triển khai phía Bắc thị xã An Lộc. Sư đoàn 7 chốt chặn dọc Đường 13 trên khu vực: Cầu Cần Lê (ngã ba đường 17 phía bắc thị xã) và từ Nam thị xã đến Bắc Chơn Thành. Trong lúc quân ngụy đang thất bại nặng nề ở hướng nghi binh thì ngày 5/4, quân giải phóng với xe tăng yểm trợ, bất ngờ tiến công vào chi khu quân sự Lộc Ninh và làm chủ chi khu vào chiều ngày 7/4. Hay tin mất Lộc Ninh, quân ngụy bỏ Bù Đốp (tỉnh Phước Long) tháo chạy về thị xã Phước Bình. Chiến đoàn 52 địch cũng bỏ căn cứ Đồng Tâm (nam Lộc Ninh) rút chạy về phía Nam và lọt vào trận địa phục kích của ta ở cầu Cần Lê khiến thương vong nặng nề.
Lộc Ninh mất, thị xã An Lộc đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, chính quyền Sài Gòn tăng cường lực lượng tại đây lên đến 5 chiến đoàn cùng sự chi viện tối đa của hỏa lực pháo binh, không quân để giải tỏa, chốt giữ các khu vực xung quanh tỉnh Bình Long, bảo vệ thị xã An Lộc. Ngày 15/5/1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tiến công Đường số 13, mở rộng vùng giải phóng ở Bình Long và hình thành thế áp sát bao vây nội ô thị xã An Lộc. Từ ngày 19/5 đến 21/6/1972, ta đánh bại 2 cuộc hành quân mở đường lên thị xã ở Tàu Ô, gây cho địch nhiều thiệt hại, nhất là lực lượng của Sư đoàn 21, Chiến đoàn 15 Sư đoàn 9, Tiểu đoàn 46 Sư đoàn 25, bảo vệ an toàn căn cứ, tuyến hành lang và vùng giải phóng.
Từ ngày 1/10/1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương tiếp tục giữ vững tuyến Đường số 13 để thu hút chủ lực địch, đồng thời phát triển tiến công đánh phá “bình định” ở bắc Bình Dương, Củ Chi, đánh bại lực lượng địch phản kích giải tỏa và hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Đến cuối tháng 12/1972, địch dùng Sư đoàn 5 mở cuộc hành quân lấn chiếm ra khu vực Rạch Bắp – Dầu Tiếng, trên đường 14 và Long Nguyên – Minh Hòa và co cụm lại ở khu vực sở cao su Dầu Tiếng, Bến Tranh. Vào giữa tháng 1/1973, các trung đoàn 14 và 209 tổ chức thành nhiều hướng, tiến công vào lực lượng Chiến đoàn 8 quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Bến Tranh, buộc địch phải tháo chạy sau khi 478 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, khiến đối phương không còn đủ sức mở những cuộc hành quân tái chiếm Lộc Ninh và những vùng đã mất.
Trải qua hơn 10 tháng liên tục tiến công, ngày 19/1/1973, chiến dịch Nguyễn Huệ kết thúc thắng lợi. Quân dân miền Đông Nam Bộ đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 13.000 quân ngụy. Trong quá trình diễn ra chiến dịch, Quân giải phóng miền Nam đã 4 lần đánh phá tổng kho Thành Tuy Hạ, 5 kho lớn ở Biên Hòa, Long Bình, Tân Sơn Nhất, phá hủy 7 dàn ra-đa, 1.081 xe quân sự, bắn chìm 201 tàu, phá 96.000 tấn bom đạn, 5.000 tấn chất độc hóa học, 74 triệu lít xăng, dầu; bắn rơi, phá hủy 897 máy bay, thu 282 xe quân sự, 45 pháo, 6.837 súng các loại, 433 máy thông tin, 24 máy nổ, 13.746 đạn pháo, hơn 50.000 đạn cối, rốckét chống tăng.
Thành công của chiến dịch đã hình thành nên một khu vực giải phóng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu ở Tây Bắc Sài Gòn, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc tiến công chiến lược 1972.