Trung tướng Võ Minh Lương, UVTW Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 trao nhà cho các hộ dân tại điểm dân cư Bến Cừ (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh)
Dọn về sinh sống tại Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước từ tháng 1/2020, vợ chồng dân quân Nguyễn Trung Hiếu vô cùng vui mừng, phấn khởi. Hiếu là dân quân thường trực của xã Lộc Thiện, mới lấy vợ được một năm, được cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị xét, cấp nhà để ổn định cuộc sống. Hai vợ chồng Hiếu luôn chăm chỉ lao động, tổ chức tăng gia quanh bếp, quanh nhà, trồng các loại rau xanh, nuôi thêm gà vịt, cùng các hộ dân bên cạnh góp vốn nuôi bò để tăng thu nhập.
Ngoài diện tích nhà ở, mỗi hộ dân tại đây còn được địa phương giao 5.000 m2 đất sản xuất, hiện đang trồng và khai thác mủ cao su, do vậy cuộc sống của vợ chồng Hiếu cũng như các hộ dân khác đã “an cư lạc nghiệp”, yên tâm bám chốt giữ đường biên.
Với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” giai đoạn 2019-2025 tại 3 tỉnh Tây Ninh, Long An và Bình Phước.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 tặng quà cho các hộ dân tại điểm dân cư Bến Cừ (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh)
Đại tá Nguyễn Quốc Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước cho biết: “Từ 5 căn nhà đã được xây dựng tại mỗi điểm dân cư, Tỉnh ủy Bình Phước đã chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh khảo sát để mở rộng lên từ 10 đến 15 căn nhà, tăng dày số nhà tại các điểm dân cư; đồng thời tiếp tục tổ chức xây dựng thêm 6 điểm dân cư của giai đoạn 2. Chúng tôi nhận thấy rằng, người dân và các đối tượng thụ hưởng của Đề án rất vui mừng, phấn khởi, bởi chưa bao giờ người dân nhận được nhà và đất sản xuất có diện tích trên 5.000 m2. Chính vì vậy, hiệu quả của Đề án đã lan tỏa sâu rộng trong cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân các địa phương biên giới”.
Sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân
Bình Phước là địa phương đầu tiên hoàn thành giai đoạn 2 của Đề án. Điều đó cho thấy sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đẩy nhanh xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Ngoài kinh phí hỗ trợ của Quân khu, cấp ủy, chính quyền địa phương còn trích kinh phí từ ngân sách địa phương, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, nước sinh hoạt), cấp đất sản xuất nhằm bảo đảm cho các hộ dân an cư, lạc nghiệp. Ông Hoàng Nhật Tân, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước khẳng định: “Chúng tôi đã nhanh chóng thực hiện các cam kết với Quân khu 7, đó là đưa nước sạch và đường điện đến các hộ dân. Khi làm nhà là đã có nước. Khi dân đến ở là đã có điện. Khi hoàn thành xong căn nhà thì cơ sở hạ tầng cũng hoàn thiện. Một điều kiện rất tốt nữa, những điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới đều nằm dọc đường tuần tra biên giới, hiện đều được bê tông hóa, do vậy, việc giao thông giữa các hộ dân cư này với các điểm dân cư khác và với nội địa rất thuận lợi”.
Điểm dân cư Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Rạng Đông chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” của Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Từ các điểm dân cư này sẽ phát triển thành các ấp, xã, thị trấn biên giới trong tương lai. Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình sẽ là phên dậu vững chắc nơi biên giới. Chính vì vậy, tôi ủng hộ mạnh mẽ và tiếp tục ủng hộ Quân khu cho đến khi hoàn thành Đề án”.
Từ chủ trương sát đúng của Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cùng với sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, mô hình “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” đã tạo ra diện mạo mới của cuộc sống vùng biên. Nhân dân đồng hành cùng các lực lượng, trở thành phên dậu, bảo vệ vững chắc chủ quyền đường biên, mốc giới, bảo đảm tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.