Với chúng tôi, ông là một vị tướng bình dị, gần gũi, chan hòa. Một con người nhã nhặn, khiêm nhường, điềm đạm, luôn có nụ cười thân thiện và phong thái chỉnh chu.
Sống và làm việc cùng ông bao nhiêu năm tháng qua, nhưng cũng phải đến khi ông trải lòng vào những trang hồi ký “Con đường tôi đi” mới thấu hiểu phần nào chặng đường gian truân chinh chiến hơn 8 năm tại chiến trường Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và nước bạn Lào anh em; mới thấu hiểu mấy chục năm ròng ông gắn bó, công tác dưới mái Trường Sĩ quan Lục quân 2 - cái nôi đào tạo ra hàng vạn sĩ quan, bổ sung nguồn lực đáng kể cho Quân đội ta; mới thấu hiểu phần nào những trăn trở, chăm lo, góp công sức xây dựng làng quân nhân Lục quân 2 khá nổi bật tại địa bàn đóng quân và tiêu biểu cho một mô hình khu gia đình quân nhân văn hóa của toàn quân như hiện nay.
Những dòng hồi ký của ông đã tái hiện lại như vẹn nguyên cuộc đời và chiến trận. Từ làng quê nghèo xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, lớp thanh niên như ông hừng hực nhiệt huyết, bước vào quân ngũ với áo nâu, chân đất, đầu trần không một chút đắn đo, do dự. Ba lần vượt Trường Sơn nắng lửa, mưa nguồn, bão đạn không làm ông chùn bước.
Hành trình chiến đấu suốt 8 năm tại hầu hết địa bàn rừng núi trọng điểm chiến trường Lào, những cuộc hành quân gian khổ, những trận chiến đấu không cân sức, giành giật từng ụ súng, mô đất, bìa suối, cánh rừng giữa ta và địch, những lần luồn rừng truy kích; những cuộc giải cứu, chăm sóc, canh giữ thương binh, tử sĩ, bảo toàn lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao… mà người chiến sĩ trẻ như ông đã bền gan chịu đựng, vượt qua.
Không một khó khăn, gian khổ nào có thể khuất phục được ông và đồng đội. Hồi ký “Con đường tôi đi” tái hiện hình ảnh chân thực, gần gũi, đầy xúc động về tình bạn chiến đấu, về hậu phương, về mẹ, người yêu, vợ và những đứa con, về sự tàn khốc của chiến tranh.
Hồi ký “Con đường tôi đi” cũng rút ra và cho thấy những bài học xương máu về chiến thuật, nhất là chiến thuật cấp phân đội, về khả năng tác chiến của bộ đội ta, về yếu tố đảm bảo bí mật, bất ngờ, khôn khéo lừa dụ địch, tinh thần chiến đấu quả cảm và ý chí quyết tâm cao độ của cán bộ, chiến sĩ đơn vị ông. Những bài học đó sẽ được cảm nhận một cách đầy đủ, tự rút ra cho người đọc qua hồi ký “Con đường tôi đi”; đem vận dụng vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội ở cấp phân đội hiện nay rất thiết thực.
Ông có mặt tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 - Đại học Nguyễn Huệ ngay sau ngày miền Nam giải phóng. Hơn ba mươi năm gắn bó với sự nghiệp đào tạo sĩ quan là bấy nhiêu năm những kinh nghiệm tổ chức chỉ huy chiến đấu và tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị được áp dụng vào thực tế công tác sâu sắc, hiệu quả.
Hơn ba mươi năm ấy biết bao ân tình với mái trường thân yêu mà ông gắn bó, cùng với cấp ủy, người chỉ huy giải quyết hàng loạt yêu cầu ngày càng cao sự nghiệp giáo dục - đào tạo đội ngũ sĩ quan đặt ra. Những vấn đề chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách hậu phương Quân đội đều liên quan trực tiếp đến đường lối, quan điểm Đảng ta và cuộc sống của cán bộ, học viên, chiến sĩ, nhân viên nhà trường. Là cán bộ trưởng thành giữa hai thời kỳ chiến tranh và hòa bình, ông thấu hiểu bộ đội nghĩ gì và muốn gì trong lúc gian khổ, ác liệt, trong hoàn cảnh đất nước và Quân đội gặp khó khăn về kinh tế - xã hội, vấn đề “an cư lạc nghiệp”, hợp thức hóa gia đình, “giữ đội ngũ cán bộ, giảng viên”, rồi đến lo công ăn việc làm...
Phía sau ông là một hậu phương vững chắc với bà Bùi Thị Hợi, người bạn đời tâm giao từ thuở thiếu thời. Bà là người nông dân chất phác, sát cánh cùng chồng nuôi dạy con cái. Mẹ ông nay đã gần 100 tuổi sống ở quê nhà. Ngũ đại đồng đường cùng tồn tại giữa đời có hạnh phúc nào hơn!
Đọc hồi ký “Con đường tôi đi”, chúng tôi nhận thấy vị tướng nhân từ, đức độ, bao dung, một cán bộ Quân đội kiên trung...Tuy vậy, lòng ông còn trĩu nặng, đau đáu với những bạn bè, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, cuộc đời kém may mắn, nhất là những người vợ, người mẹ đến nay chưa tìm thấy hài cốt chồng, con mình. Hơn bốn mươi năm công tác trong quân ngũ, hơn mười năm về với đời thường, ông vẫn cần mẫn góp sức mình mong làm vơi phần nào cho những hoàn cảnh, thân phận như thế!