Nhận thấy việc trồng sầu riêng giống cũ, cà phê, điều dưới hình thức vườn tạp về lâu dài không ổn định bởi hiệu quả kinh tế không cao, năng suất, chất lượng thấp, năm 2017, cựu chiến binh Trần Công Thành (sinh năm 1960, xã Hà Lâm) quyết định cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng. Cùng với nguồn vốn tiết kiệm của gia đình, ông Thành vay thêm 70 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng hai loại giống sầu riêng chất lượng là Ri6 hạt lép và Mongthong. “Lãi suất thấp, thời hạn vay vốn dài, phù hợp với điều kiện, khả năng kinh tế của gia đình, là những lý do mà tôi quyết định vay vốn từ nguồn ngân hàng chính sách. Với số vốn này, gia đình có thêm tự tin để chuyển đổi sản xuất”, ông Thành chia sẻ. Ngoài ra, ông cũng mạnh dạn tìm hiểu, áp dụng công nghệ tưới tiêu tự động, trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ sinh học. Nhờ đó, đến nay, hơn 1,5 ha sầu riêng của gia đình ông phát triển tốt, dự kiến cho năng suất cao. Với việc chuyển đổi, trồng “gối đầu” sầu riêng giống mới, thu thập của gia đình cải thiện rõ, đạt 300 triệu đồng/năm, đời sống ngày càng ổn định.
Ông Thành là một trong nhiều hội viên CCB của huyện Đạ Huoai sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn vay ưu đãi, tự tin phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Đình Tuấn - Chủ tịch Hội CCB huyện Đạ Huoai cho biết, phát huy vai trò “cầu nối” giúp hội viên CCB tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, Hội CCB huyện cùng các Hội, đoàn thể huyện đã ký kết văn bản liên tịch với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đạ Huoai, cụ thể hóa các nội dung thực hiện việc nhận ủy thác cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở Hội ký hợp đồng ủy thác vốn vay theo quy định; triển khai các nội dung ủy thác và chuyển nguồn vốn vay đến hội viên có nhu cầu; việc bình xét cho vay được công khai, minh bạch, đúng nhu cầu, đúng đối tượng.
Theo ông Tuấn, nguồn vốn vay này chủ yếu được các hội viên CCB đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh. Để hội viên CCB sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích, Hội tích cực phối hợp Ngân hàng CSXH huyện tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nguồn vốn vay cho các tổ tiết kiệm và vay vốn; nắm rõ quy trình, thủ tục, hồ sơ cho vay vốn, bình xét công khai, đúng quy định. Đội ngũ cán bộ Hội làm nhiệm vụ ủy thác nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết; ngoài phát huy hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, các cấp Hội CCB cũng đã lồng ghép thông tin các chương trình vay vốn ưu đãi, tín dụng, chính sách trong các buổi họp, sinh hoạt, giúp hội viên nắm rõ những quy định, điều kiện cần khi có nhu cầu vay vốn.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc ủy thác cho vay cũng được hội triển khai nghiêm túc, chặt chẽ. Tại các cấp hội cơ sở, Hội CCB huyện phân công cán bộ chuyên trách đảm bảo quy trình cho vay, đúng đối tượng, đúng mục tích, đúng với nội dung ký nhận ủy thác; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hạn chế tối đa nợ quá hạn và trả lãi đúng hạn. Đặc biệt, hội còn thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân huyện tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các loại có giá trị kinh tế cao như trồng dâu, nuôi tằm, trồng sầu riêng, cây ăn trái…
Sau nhiều năm triển khai, “đến nay, hoạt động nhận ủy thác cho vay từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH của các cấp Hội CCB trên toàn huyện đã đi vào nền nếp và phát huy được hiệu quả, giúp đời sống của hội viên này càng đổi mới, phát triển”, ông Tuấn cho biết. Từ năm 2017 đến nay, hội đã nhận ủy thác hơn 26 tỷ đồng cho hơn 800 hộ vay; hiện hội có 26 Tổ tiết kiệm và Vay vốn, với tổng dư nợ hơn 44 tỷ đồng cho hơn 700 hộ vay; không có nợ quá hạn. Từ nguồn vốn vay, giúp hội viên CCB vượt khó khăn, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước làm giàu. Đến nay, Hội CCB huyện chỉ còn một hộ cận nghèo, không còn hội viên nghèo.