(QK7 Online) - Chiến khu Dương Minh Châu được xem là "nơi đầu sóng ngọn gió", đóng vai trò trung tâm trong việc chỉ huy, hậu cần và huấn luyện quân sự trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ nơi đây, đã khởi đầu bao trận đánh vang dội của quân và dân ta, chiến khu đã khẳng định vị trí quan trọng như một trong những “pháo đài” kiên cường, nơi hội tụ tinh thần yêu nước, khát vọng tự do và sự đoàn kết gắn bó máu thịt của dân tộc.
Cổng vào Khu di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu.
Sự ra đời “pháo đài” án ngữ vị trí chiến lược
Căn cứ Dương Minh Châu có vị trí địa thế chiến lược quan trọng, có thế liên hoàn ở phía sau, là một vùng rừng già rộng lớn giáp biên giới Campuchia, liên quan mật thiết với chiến khu Đ. Vùng rừng núi này đủ điều kiện “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thuận lợi xây dựng căn cứ kháng chiến và cả hệ thống căn cứ vệ tinh, xa, gần, tạo thế trận hậu phương chiến lược, vừa thuận lợi với việc chỉ huy, chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn miền Nam.
Chiến khu Dương Minh Châu được thành lập trong bối cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt. Tháng 5.1951, Tỉnh ủy Gia Định Ninh lấy vùng Đông Bắc tỉnh Tây Ninh thành lập căn cứ mới mang tên đồng chí Dương Minh Châu.
Một xưởng sản xuất vũ khí ở rừng miền Đông Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: Tư liệu.
Ông Dương Minh Châu sinh năm 1912 tại Tây Ninh và là một trong những lãnh đạo tiêu biểu của phong trào cách mạng miền Nam, giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Tây Ninh. Ông đã hy sinh trong trận càn của Pháp vào căn cứ bến Cây Chò (nay thuộc xóm Mía, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) ngày 7 tháng 2 năm 1947., Để khắc ghi công ơn và tưởng nhớ đồng chí, tỉnh ủy đã lấy tên Dương Minh Châu đặt tên cho căn cứ.
Cuộc sống ở chiến khu thiếu thốn về mọi mặt. Năm 1952, thời tiết khắc nghiệt mùa mưa đến sớm và lượng mưa kỷ lục dẫn đến lũ trên diện rộng, Tây Ninh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề. Lợi dụng lúc quân dân căn cứ Dương Minh Châu đang gồng mình chống đỡ và khắc phục hậu quả thiên tai, thực dân Pháp huy động 20 tiểu đoàn bộ binh thực hiện nhiều đợt tấn công vào căn cứ hòng tiêu diệt đầu não chỉ huy cách mạng miền Nam. Bằng ý chí, sự đồng lòng của quân và dân, lối đánh du kích và tận dụng rừng núi đã làm cho hàng loạt trận càn của địch bị thất bại.
Khu rừng rậm rạp tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Sức mạnh của tình quân dân
Chiến khu Dương Minh Châu là minh chứng sống động cho sự đoàn kết toàn dân. Trong những năm chiến tranh ác liệt, Nhân dân trong khu vực đã không quản nguy hiểm, cung cấp hậu cần và chiến đấu bảo vệ chiến khu. Nơi đây không chỉ ghi dấu những trang sử hào hùng, mà còn là minh chứng sống động cho sức mạnh to lớn của tình quân dân là một yếu tố quyết định trong mọi thắng lợi của cách mạng. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bộ đội và nhân dân đã làm nên một sức mạnh vững chắc đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trung tướng Nguyễn Bình thăm bộ đội Trung đoàn 311. Ảnh: Tư liệu
Tại đây, tình quân dân không chỉ đơn thuần là sự gắn bó giữa những người lính và Nhân dân địa phương, mà còn là một mối quan hệ máu thịt, đồng cam cộng khổ, cùng hướng tới lý tưởng giải phóng dân tộc. Vùng đất này, Xứ ủy Nam bộ (sau đó là Trung ương Cục miền Nam), Bộ tư lệnh Nam bộ, Bộ chỉ huy Phân liên khu miền Đông, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đứng chân để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chiến khu Dương Minh Châu còn là nơi thành lập hoặc dừng chân của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực Miền như Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Trung đoàn 311, Trung đoàn 16, Trung đoàn 304…
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trước tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng, địa bàn căn cứ Dương Minh Châu tiếp tục được mở rộng, vượt qua khỏi phạm vi cũ trong kháng chiến chống Pháp. Phát triển rộng về phía Tây Bắc và phía Bắc biên giới Campuchia. Sau chiến thắng Tua Hai (năm 1960) và nhiều nơi ở Tây Ninh, căn cứ Dương Minh Châu trở thành một hậu cứ liên hoàn với các căn cứ Bắc Tây Ninh, căn cứ Bời Lời, Bến Đình, căn cứ Rừng Nhum, căn cứ Hòa Hội, Bến Dược (Củ Chi), tạo thế vững chắc làm bàn đạp đánh địch có ý nghĩa với nhiều vùng chiến lược.
Tái hiện những lán trại, nơi sinh hoạt bộ đội trong căn cứ Dương Minh Châu.
Người dân ở vùng căn cứ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, đóng góp lương thực, thực phẩm và cả sức người để phục vụ chiến đấu. Những bữa cơm đạm bạc, những gánh gạo vượt đường mòn trong đêm tối rừng độc đã trở thành hình ảnh thân thương trong lòng từng chiến sĩ cách mạng đã từng chiến đấu nơi đây. Với sự thông thạo địa hình, người dân đã trở thành những "hướng dẫn viên" đặc biệt, giúp bộ đội hành quân an toàn qua những khu rừng rậm, địa đạo hay những lối mòn bí mật.
Căn cứ Dương Minh Châu như một “cái gai” đâm vào mắt đế quốc Mỹ. Địch dùng chiến thuật “bình định”, “tìm diệt” nhằm xóa sổ chiến khu còn quân và dân ta quyết tâm bảo vệ, giữ vững vùng “thủ đô” kháng chiến. Chiến khu vừa là vùng căn cứ liên hoàn, vừa là hậu phương, vừa là chiến trường nóng bỏng giằng co ác liệt giữa ta và địch suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ chiến tranh đặc biệt (1960 – 1965), đến chiến tranh cục bộ (1966 – 1968), Việt Nam hóa chiến tranh (1969 – 1973) địch không từ thủ đoạn nào làm mọi biện pháp bao gồm về chính trị, quân sự, kinh tế và tập trung đủ loại phương tiện chiến tranh hiện đại, sử dụng hàng triệu tấn bom, đạn và chất độc hóa học nhằm hủy diệt căn cứ. Áp dụng chính sách gom dân, lập ấp chiến lược để kiểm soát.
Đặc biệt trong cuộc hành quân Attelboro (năm 1966), địch huy động hơn 22.000 quân Mỹ - Ngụy mở trận càn vào sâu căn cứ với dã tâm tiêu diệt Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16 Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Bất chấp sự vượt trội về quân số và thiết bị quân sự, bộ đội chủ lực cùng nhân dân tại căn cứ đã kiên quyết chống trả, sử dụng chiến thuật du kích hợp lý, đã giữ vững chắc vùng chiến khu. Sau 72 ngày từ 14/9/1966 đến ngày 12/11/1966, tướng Westmoreland phải ra lệnh rút quân, địch chịu tổn thất nặng nề khi 1.700 quân Mỹ và 2.800 quân Ngụy bị loại khỏi vòng chiến đấu, 65 máy bay bị bắn rơi, diệt 5.000 xe tăng và xe bọc thép.
Một hố bom B52 tại Khu di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, căn cứ Dương Minh Châu là một trong những nơi tập kết của quân chủ lực tiến công giải phóng Sài Gòn. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh uỷ Tây Ninh "huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã", quân dân Dương Minh Châu đồng loạt nổi dậy, tiến công giải phóng quê hương, góp phần giải phóng Tây Ninh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến, nhân dân nơi đây không ngừng sáng tạo và tìm cách hỗ trợ lực lượng cách mạng. Họ đào hầm, xây dựng căn cứ bí mật, lập các trạm quân y, hậu cần để chăm sóc thương binh, và tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc (tai mắt của cách mạng) hiệu quả. Không ít lần, họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ an toàn cho bộ đội và các cơ quan đầu não của cách mạng đóng tại chiến khu.
Chiến khu là một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và sức mạnh toàn dân. Tình quân dân ở đây không chỉ là một bài học lịch sử mà còn là giá trị trường tồn, khẳng định rằng mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn từ lòng dân.
Thắp lửa tự hào giữa rừng miền Đông
Căn cứ Dương Minh Châu đã tồn tại và phát triển giữa lòng miền Nam trong sự vây bủa của quân thù, trở thành một biểu tượng tinh thần cách mạng. Không chỉ là "thủ đô" của kháng chiến, nơi hội tụ sức mạnh quân dân, căn cứ Dương Minh Châu mà còn ảnh hưởng chính trị rộng lớn, trở thành ánh sáng, niềm tin của Nhân dân yêu nước trong các vùng bị địch tạm chiếm. Dưới tán rừng bạt ngàn, chiến khu không chỉ là nơi diễn ra những cuộc hội họp chiến lược mà còn là chốn nuôi dưỡng tinh thần cách mạng. Những người lính, cán bộ, và Nhân dân nơi đây đã cùng nhau viết nên những trang sử hào hùng.
Khu rừng Dầu lịch sử tại ấp Phước Tân, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu được chọn làm di tích Căn cứ Dương Minh Châu, đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số: 61/1999-QĐ-BVHTT, ngày 13/9/1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Di tích Căn cứ Dương Minh Châu được các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư tu bổ các hạng mục nhằm lưu giữ các yếu tố gốc của Di tích và các kỷ vật qua các thời kỳ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Hôm nay, Chiến khu Dương Minh Châu đã trở thành một địa chỉ mang tính lịch sử, ghi dấu những ký ức hào hùng của một thời kháng chiến gian khổ. Những di tích lịch sử như hầm chỉ huy, các cơ sở huấn luyện và giao liên vẫn được giữ gìn, như một biểu tượng của tinh thần bất khuất.
Chiến khu Dương Minh Châu không chỉ là một vị trí địa lý quan trọng trong kháng chiến, mà còn là một biểu tượng của lòng yêu nước và khát vọng độc lập và tự do mà bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã hy sinh. Năm tháng chiến tranh đã lùi xa nhưng căn cứ Dương Minh Châu mãi mãi lưu lại những hình ảnh về cuộc sống và chiến đấu, mồ hôi và xương máu của hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ.
Cục Chính trị Quân khu 7 đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu “Chiến khu Đ, nơi khởi đầu huyền thoại” nhằm hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngọn lửa tinh thần yêu nước ấy, những chiến công huyền thoại ở nơi đây mãi cháy trong tim của bao thế hệ mai sau, nhắc nhở về một quá khứ anh hùng và trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc của thế hệ hôm nay.
Lê Tiến