(QK7 Online) - Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Nằm trong chuỗi các hoạt động đó, Cục Chính trị Quân khu 7 đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu “Chiến khu Đ, nơi khởi đầu huyền thoại”.
Đoàn làm phim ghi hình tại Di tích Quốc gia Chiến khu Đ (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Minh Hùng
Trên con đường dẫn vào chiến khu Ð, nhìn những cánh rừng xanh ngút ngàn, lòng dâng trào xúc động về mảnh đất và con người miền Đông: “Ai đã qua rừng miền Ðông đất đỏ/ Nghe máu đổ nhuộm hồng đã bao lần...”. Thăm lại chiến khu năm xưa, thắp nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong chiến khu Ð, được nghe câu chuyện cảm động về hình ảnh Huỳnh tướng quân ở chiến khu Ð đẹp như huyền thoại.
Rừng Mã Đà bạt ngàn xanh mướt dẫn vào Căn cứ cách mạng huyền thoại năm xưa.
Giữa vùng đất Đông Nam Bộ kiên cường, Chiến khu Đ nổi bật như một pháo đài cách mạng kiên trung, là nơi hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu quật cường của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Không chỉ là một căn cứ địa cách mạng huyền thoại giữa rừng núi mà có thể xem là chứng nhân của những cống hiến, hy sinh anh dũng của lớp lớp thế hệ cha ông vì ngày đất nước toàn thắng. Những chiến công ấy mãi mãi là bài học về lòng ái quốc, ý chí đoàn kết và sự sáng tạo trong chiến đấu, truyền cảm hứng cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Bộ đội tại Chiến khu Đ phục kích vào đoàn xe quân sự của Pháp trên quốc lộ 20, tại khu vực sông La Ngà (nay thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Tư liệu
Từ những ngày đầu kháng chiến nhiều gian khó, Chiến khu Đ đã khẳng định vai trò của một căn cứ chiến lược, là trung tâm của chiến tranh nhân dân và là nơi tạo nên những chiến thắng oanh liệt, góp phần viết nên trang sử vàng của dân tộc.
Hậu phương lớn của miền Nam trong kháng chiến chống Pháp
Sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dân ta đã giành được độc lập cho Tổ quốc (2/9/1945). Nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta một lần nữa (23/9/1945). Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cả đất nước đứng lên bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, để có thể xây dựng, tổ chức lực lượng kháng chiến lâu dài, chiến lược thì việc xây dựng căn cứ địa cách mạng là vấn đề cấp bách.
Trung tướng Nguyễn Bình và "Thi tướng" Huỳnh Văn Nghệ tại chiến khu Đ. Ảnh: Tư liệu.
Chiến khu Đ nằm ở vùng Đông Nam Bộ, thuộc địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước (ngày nay). Với địa thế hiểm trở, rừng núi bạt ngàn và hệ thống sông ngòi phức tạp, nơi đây sớm trở thành căn cứ địa cách mạng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến khu không chỉ là nơi tập trung lực lượng vũ trang mà còn là nơi tổ chức các cuộc tấn công vào quân Pháp, đồng thời tạo ra một vùng an toàn cho nhân dân và lực lượng vũ trang tiến hành các hoạt động chính trị. Tại đây, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ cùng nhân dân địa phương đã phối hợp nhịp nhàng, triển khai các chiến dịch phòng ngự và tấn công hiệu quả, tạo nên những trận đánh mang tính quyết định trên chiến trường Đông Nam Bộ.
Quân và dân chiến khu Đ đã kiên trì xây dựng và củng cố hệ thống hậu cần vững mạnh, đảm bảo đủ lương thực, vũ khí, thuốc men cho kháng chiến lâu dài. Từ các kho tàng, bệnh viện dã chiến và các tuyến vận chuyển bí mật qua rừng núi, quân và dân đã cung cấp hậu cần cho các mặt trận ác liệt tại Nam Bộ. Nhờ đó, giúp cho các lực lượng cách mạng duy trì sức chiến đấu và hoạt động lâu dài trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.
Quân và dân tại Chiến khu Đ đảm bảo hậu cần cho các mặt trận trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu.
Với chiến thuật du kích và sự sáng tạo trong các phương thức tác chiến, lực lượng vũ trang tại chiến khu Đ đã tổ chức các đội quân nhỏ nhưng linh hoạt, phá hoại các căn cứ, đồn bốt của quân Pháp. Các chiến sĩ đã tiến hành hàng loạt trận đánh vào các đồn bốt, kho tàng, đường giao thông của địch. Những trận đánh này không chỉ làm suy yếu lực lượng địch mà còn gây tâm lý hoang mang, rối loạn trong hàng ngũ quân Pháp.
Năm 1947, trước các cuộc càn quét quy mô lớn của thực dân Pháp nhằm xóa bỏ Chiến khu Đ. Các lực lượng cách mạng tại đây bao gồm bộ đội chủ lực, dân quân du kích và nhân dân địa phương, đã kiên cường bám trụ để đối phó với những cuộc hành quân quy mô lớn đầy ác liệt. Sử dụng địa hình rừng rậm để tổ chức các trận đánh du kích, đánh bất ngờ rồi rút lui nhanh chóng, gây thiệt hại lớn cho quân địch. Nhân dân vùng Chiến khu Đ không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu, trở thành "tai mắt" của cách mạng. Sự hy sinh và lòng yêu nước ấy là động lực lớn lao giúp các lực lượng cách mạng quyết tâm giữ vững căn cứ.
Trong Chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954, Chiến khu Đ đóng vai trò là hậu phương cung cấp nhân lực, vũ khí và thông tin tình báo quan trọng, góp phần tạo nên các trận đánh thắng lợi ở Đông Nam Bộ, làm suy yếu thực dân Pháp trên nhiều mặt trận, hỗ trợ trực tiếp cho chiến thắng Điện Biên Phủ.
"Thép đã tôi thế đấy" trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ nhiều cam go thử thách, Chiến khu Đ trở thành căn cứ quan trọng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Miền và các cơ quan lãnh đạo cách mạng ở Nam Bộ. Nơi đây là điểm tập trung lực lượng vũ trang, cung cấp hậu cần, đào tạo cán bộ, huấn luyện bộ đội và phát triển các binh chủng mới, đồng thời là nơi sản xuất vũ khí, đạn dược và tổ chức các chiến dịch quân sự lớn trên khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ. Chiến khu cũng là hậu cứ quan trọng hỗ trợ cho các trận đánh lớn ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và đô thị Sài Gòn. Dưới bom đạn ác liệt, quân và dân Chiến khu Đ vẫn kiên cường bám đất, bám rừng, không ngừng mở rộng.
Tiến kèn xung trận mở màn chiến dịch Bình Giã năm 1964. Ảnh: Tư liệu.
Quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thường xuyên mở các chiến dịch càn quét quy mô lớn nhằm phá hủy Chiến khu Đ, như các chiến dịch Junction City (1967), Cedar Falls (1967),... Quân Giải phóng anh dũng chống càn bằng chiến tranh du kích, sử dụng hệ thống địa đạo, chiến thuật hợp lý luôn giữ vững được căn cứ địa cách mạng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Bộ Tư lệnh Miền và các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam Việt Nam.
Trong Chiến thắng Bình Giã năm 1964, Quân giải phóng từ Chiến khu Đ đã lập nên chiến công lớn, đánh bại chiến thuật "trực thăng vận" và "thiết xa vận" của đế quốc Mỹ. Tiếp đó, trong Trận Đồng Xoài năm 1965, quân và dân Chiến khu Đ tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho các đơn vị chủ lực, góp phần đánh tan nhiều cuộc hành quân lớn của địch, phá hủy các kế hoạch bình định và mở rộng kiểm soát trong tham vọng của tướng Tướng Westmoreland.
Bộ đội tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ quyết thắng trước khi lên đường ra mặt trận trong Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972. Ảnh: Tư liệu.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Chiến khu giữ vai trò hậu cứ quan trọng, đóng góp tích cực vào các hoạt động chuẩn bị và thực hiện chiến lược tổng tiến công ở vùng Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đây là nơi tập trung quân chủ lực từ các đơn vị của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, chuẩn bị lực lượng cho các đợt tấn công vào Sài Gòn và các đô thị miền Đông Nam Bộ. Từ đây, bộ đội được huấn luyện kỹ lưỡng về chiến thuật tác chiến trong đô thị, cung cấp hậu cần, vũ khí, đạn dược, lương thực cho các mặt trận trong suốt cuộc tổng tiến công.
Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân và dân Chiến khu Đ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các chiến dịch lớn và trực tiếp tham gia vào các trận đánh ở miền Đông Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bà Phạm Thị Thường tìm thông tin anh ruột (liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ) tại Nhà tưởng niệm các liệt sỹ quân dân y và thương bệnh binh ở ấp Hiệp Hoàng, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Trong suốt hơn 20 kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Chiến khu đã phải chịu đựng những mất mát, đau thương không thể kể xiết. Địch liên tục mở các cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn, sử dụng bom napalm (bom cháy), máy bay B52 và chất độc hóa học để phá hủy rừng, triệt phá căn cứ cách mạng. Nhưng dù đối mặt với hàng triệu khó khăn, gian khổ, tinh thần bất khuất của quân và dân nơi đây chưa bao giờ bị khuất phục. Những con người sống trong lòng núi rừng Đông Nam Bộ đã chiến đấu không chỉ bằng súng đạn mà còn bằng lòng tin sắt đá vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Biểu tượng của tinh thần dân tộc Việt Nam
Chiến khu Đ là nơi hội tụ sức mạnh đoàn kết quân và dân, thể hiện rõ nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Những người chiến sĩ cách mạng tại đây luôn sát cánh cùng nhân dân trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhất. Nhân dân với lòng yêu nước vô bờ bến, đã trở thành hậu phương vững chắc, cung cấp lương thực, thông tin và che giấu cán bộ trước các cuộc càn quét khốc liệt của địch, trở thành biểu tượng của tinh thần hy sinh, bất khuất.
Dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền (Căn cứ Tà Thiết).
Đoàn làm phim ghi hình cuộc sống "an cư lạc nghiệp" của các hộ đồng bào Khmer tại ấp Tà Thiết (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).
Những địa danh như rừng Mã Đà, sông Bé, hay căn cứ Tà Thiết,... vẫn còn đó, như những nhân chứng sống động của một thời máu lửa nhưng đầy hào hùng. Ngày nay, Chiến khu Đ không chỉ là điểm đến lịch sử mà còn là biểu tượng giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Chiến khu Đ – vùng đất của những con người "thép" mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Mỗi câu chuyện về những người lính, người dân nơi đây chính là bài học quý giá về lòng quả cảm, ý chí kiên cường và tình yêu quê hương đất nước.
Lê Tiến