
Lễ diễu binh kỷ niệm 10 năm cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vào năm 1927
Thế kỷ XXI đặt ra nội dung và yêu cầu mới cho xu hướng phát triển của các dân tộc trên thế giới hiện nay. Ðó là sự phát triển trong hòa bình, tự do, công bằng và dân chủ; sự phát triển của mỗi người, mỗi giai cấp, mỗi quốc gia, dân tộc phải góp phần tích cực cho sự phát triển chung của toàn nhân loại. Cho nên sự phát triển của nhân loại ngày nay không thể dung hòa với giới hạn chật hẹp của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa - một hình thái mà chỉ có thể tồn tại và vận động được nhờ bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp công nhân lao động, nhờ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng lớn, nhờ đầu cơ tài chính và chiến tranh,... Bởi vậy, mục tiêu phát triển cho các dân tộc hiện nay trên thế giới tự nó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục giải phóng, giải phóng triệt để hơn khỏi con đường và chế độ tư bản chủ nghĩa trong mọi biến thái khác nhau của chúng, dù chúng đã có những điều chỉnh thích nghi.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã làm thay đổi tính chất của vấn đề dân tộc và mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức khỏi ách thống trị của chủ nghĩa Đế quốc; khẳng định một xu thế mới cho các dân tộc chậm phát triển có thể lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, không qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Sự phát triển năng động về kinh tế - xã hội của Việt Nam, Trung Quốc trong công cuộc đổi mới, cải cách do Đảng Cộng sản khởi xướng và lãnh đạo đã nâng cao vị thế uy tín của các nước trên trường quốc tế; trở thành tấm gương cho phong trào đấu tranh vì sự phát triển, tiến bộ và công bằng của các quốc gia, dân tộc đang phát triển trên thế giới hiện nay. Điều này đang được minh chứng sinh động ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ Latinh, nơi phong trào cánh tả đang dấy lên thành một cao trào mới và đang nhiệt tình kiến tạo chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI.
Sự phá sản của chủ nghĩa tự do mới, tiến trình dân chủ hóa cùng với những kinh nghiệm thực tiễn từ các nước xã hội chủ nghĩa (Việt Nam, Trung Quốc, CuBa) là động lực thúc đẩy sự ra đời của mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”, mà người khởi xướng là Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela. Tại diễn đàn xã hội thế giới lần thứ 5 (1-2005), ông đã làm nhiều người phải ngạc nhiên khi tuyên bố: Venezuela sẽ tái tạo lại chủ nghĩa xã hội, nhưng nó phải khác với chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XX.
Những năm gần đây, phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh đã có những chuyển biến tích cực, các lực lượng cánh tả liên tiếp giành được thắng lợi trên chính trường. Là đại diện tiêu biểu của các lực lượng tiến bộ trong xã hội, đảng cánh tả ở nhiều nước Mỹ Latinh đã đề ra những cương lĩnh tranh cử phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng. Nhờ đó, các đảng này đã thu hút được sự ủng hộ của nhân dân bằng lá phiếu cử tri trong các cuộc tổng tuyển cử và vươn lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, trở thành bộ phận hữu cơ trong hệ thống chính trị của mỗi quốc gia, đánh dấu sự “xoay chiều” của cán cân quyền lực tả - hữu sau một thời kỳ đầy biến động. Hiện nay, phong trào cánh tả đã giành được chính quyền ở các nước như: Vê-nê-zuê-la, Chi-lê, Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a, Panama, Uruguay, Bra-xin, Ecuador, Nicaragua,… và con số này có thể sẽ còn tăng lên trong những năm tới. Các chính phủ cánh tả ở Mỹ Latinh đã tiến hành các cuộc cải cách kinh tế - xã hội theo hướng coi trọng lợi ích dân tộc và lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động. Trong chính sách đối ngoại, các chính phủ cánh tả đã chủ trương thiết lập quan hệ với tất cả các nước trên thế giới theo nguyên tắc tôn trọng quyền lợi hòa bình, tăng cường hợp tác với CuBa, phản đối chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ, ủng hộ quá trình dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế và cải tổ Liên hợp quốc; ủng hộ cuộc đấu tranh chống khủng bố; phấn đấu vì một trật tự thế giới mới. Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, thế giới tiếp tục chứng kiến những thắng lợi của lực lượng cánh tả Nam Mỹ: Ứng cử viên S.Ceren thuộc Mặt trận Giải phóng Dân tộc Faramundo Marti (FMLN) trúng cử Tổng thống El Salvador nhiệm kỳ 2014 - 2019, E.Morales lần thứ ba được bầu làm Tổng thống Bolivia, Tổng thống Brazil D.Rousseff tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai...
Một trong những xu thế lớn của thế giới ngày nay là hòa bình, hợp tác và phát triển. Toàn cầu hóa kinh tế và cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang mở ra những thời cơ thuận lợi cho các quốc gia, dân tộc, nhất là các nước nghèo, chậm phát triển có thể rút ngắn khoảng cách chênh lệch về kinh tế - xã hội với các nước khác. Song các nước đang phát triển, nhất là các nước ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, bất bình đẳng, thậm chí áp đặt, can thiệp từ phía các nước lớn, nhất là các nước tư bản phát triển ở phương Tây. Tuy còn nhiều khó khăn trong việc lãnh đạo để đưa đất nước phát triển theo con đường dân chủ, tiến bộ, song thắng lợi của phong trào cánh tả khu vực Mỹ Latinh đã tạo niềm tin cho nhân loại tiến bộ về một thế giới tốt đẹp hơn nhất định sẽ trở thành hiện thực.
Đối với Việt Nam chúng ta, vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng ta đã xác định phải xây dựng đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga mà V.I.Lênin đã vạch ra, cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược đã giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa Đế quốc, thu giang sơn về một mối, đưa đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trong thế kỷ XX, nhân dân thế giới biết đến Việt Nam như một dân tộc đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, là tấm gương cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do, tự quyết định con đường phát triển của dân tộc mình phù hợp với xu thế chung của thời đại. Cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, vận động và phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản, hòa nhập vào trào lưu phát triển của thời đại mới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.
Tiếp tục khẳng định và kiên định con đường XHCN, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển 2011) đã khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”.
Thực tiễn đã chứng minh từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ phát triển thấp, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn mình thoát khỏi một nước kém phát triển; tăng trưởng kinh tế liên tục tăng; chính trị - xã hội ổn định; chủ quyền, an ninh quốc gia được bảo vệ; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; dân chủ ngày càng được mở rộng; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao... Những thành tựu đó là hiện thực sinh động khẳng định con đường phát triển của dân tộc mà chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn.
Kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra và đặt nền móng, chúng ta tin tưởng rằng dân tộc Việt Nam nhất định sẽ vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới vì một tương lai tốt đẹp hơn cho các dân tộc và toàn nhân loại.