Bảo vệ tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) ở khu vực vành đai châu Á-Thái Bình Dương là chủ đề của Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 đang diễn ra tại TP Cần Thơ thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước.
Theo đó, mục tiêu được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra là muốn bảo đảm an ninh lương thực, trước mắt phải bảo vệ tài nguyên nước.
Nước là nguồn lực quan trọng và là một trong những yếu tố sống còn cho sản xuất lương thực. Thiếu nước gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nước đang trở nên khan hiếm do dân số tăng, nhu cầu sản xuất lương thực ngày càng nhiều và BĐKH diễn biến phức tạp. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất lương thực từng xảy ra ở nhiều nền kinh tế trong khu vực và vẫn đang tiếp tục tái diễn.
Với nước ta, tình trạng hạn, xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cuối năm 2015, kéo dài tới đầu năm 2016 là một sự cố điển hình về hậu quả của BĐKH, tác động không nhỏ đến an ninh lương thực. Mặc dù các tổ chức khoa học, trung tâm khí hậu quốc tế đã cảnh báo Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH nhưng những năm gần đây, nạn chặt phá rừng và tình trạng đua nhau lập dự án công trình thủy điện… vẫn diễn ra ồ ạt, khiến không ít địa phương điêu đứng vì khô hạn, xâm nhập mặn, sạt lở và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Xét trên bình diện khu vực, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc khó quản lý tài nguyên nước là do chức năng chồng chéo, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan liên quan không thống nhất. Cùng với đó là khả năng phân tích để tận dụng tối đa các dữ liệu thu thập được về khí hậu, thời tiết ở mỗi quốc gia còn hạn chế, thiếu kết nối giữa khoa học với thực tiễn và tình trạng sử dụng nguồn nước tùy tiện, lãng phí... Bởi vậy, “nước không chỉ là tài nguyên của một quốc gia mà là tài nguyên xuyên biên giới của các nền kinh tế”. Đó là thông điệp lớn mà đại diện 21 quốc gia thành viên APEC đều đồng thuận đưa ra để cùng nhau tìm giải pháp, xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực.
Vấn đề đặt ra là, khi đã coi nước là tài nguyên chung thì việc bảo vệ nguồn tài nguyên ấy cũng phải là trách nhiệm chung của mọi quốc gia thành viên. Do đó, mỗi quốc gia không thể chậm trễ trong xây dựng, thực hiện chiến lược quản lý, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để bảo vệ tài nguyên nước. Sự chung tay giữa các quốc gia không chỉ là kế hoạch, văn bản mà phải thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể; trong đó vấn đề hợp tác cung cấp thông tin thời tiết, khí hậu, chia sẻ những kết quả nghiên cứu liên quan đến BĐKH cho toàn hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm cần được thực hiện thường xuyên, rộng rãi. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng hiệu quả sử dụng nước kết hợp với cải thiện hệ thống thủy lợi, mở rộng các công trình chứa nước, dự trữ nước và có chính sách hỗ trợ các nghiên cứu khoa học liên quan đến duy trì nguồn nước, giám sát hạn hán và các dịch vụ thông tin khí hậu…
Thực tế cho thấy, ở một quốc gia có tỷ lệ sản xuất nông nghiệp cao như Việt Nam thì việc bảo vệ tài nguyên nước càng cần thiết và cấp bách, đóng vai trò quan trọng và là mấu chốt để sản xuất lương thực cung cấp cho thị trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Trong khi kêu gọi sự chung tay của các quốc gia trong khu vực, mỗi cá nhân, tổ chức, mỗi ban, ngành, địa phương và cả cộng đồng hãy trân quý nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí, thiết thực bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá này vì sự sống của chính chúng ta!
Nguồn: qdnd.vn