Năm 1952, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta chuẩn bị bước sang giai đoạn tổng phản công, ông Mạnh Trọng Tăng tình nguyện tham gia thanh niên xung phong, làm đường phục vụ chiến dịch Tây Bắc. Đến năm 1953, Mạnh Trọng Tăng nhập ngũ, trở thành chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông đã tham gia những trận đánh ác liệt ở đồi A1, C1, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Kể về kỷ niệm của một thời gian khổ nhưng hào hùng đó, ông hồ hởi: “Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đơn vị tôi tham gia lễ mừng chiến thắng tại Mường Phăng. Lúc đó tôi đứng ở hàng đầu nên vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến bắt tay, hỏi thăm và động viên. Sau đó, tôi còn đươc chọn để tham gia đóng phim tư liệu tái hiện lại chiến thắng của bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên”.
Từ một người nông dân chưa biết chữ, được sự giáo dục, rèn luyện của quân đội, vừa chiến đấu, vừa học tập, Mạnh Trọng Tăng nhanh chóng trưởng thành, trở thành chiến sĩ ưu tú của quân đội cũng như khi chuyển sang lực lượng công an nhân dân. Tháng 3 năm 1975, đang học đại học công an, trước tình hình sôi sục của chiến trường miền Nam, cả lớp Mạnh Trọng Tăng được lệnh di chuyển vào chiến trường. Vừa vào đến nơi thì Sài Gòn giải phóng. Ông tham gia làm nhiệm vụ quân quản, cùng đồng đội giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tiếp tục công tác tại Công an Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu.
Trở về với đời thường, phát huy bản lĩnh, ý chí kiên cường của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, cựu chiến binh Mạnh Trọng Tăng đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Hiện ông đang sở hữu một khu kí túc xá cho hàng trăm sinh viên ở và kết hợp với bạn bè, người thân mở Trường THPT tư thục Vĩnh Viễn trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, TPHCM. Tiếp nối truyền thống của gia đình, 5 người con của ông đều học giỏi, trưởng thành, nối nghiệp cha trở thành những cán bộ tận tụy, năng nổ của quân đội, công an và các ngành kinh tế khác của đất nước. Thượng tá Mạnh Trọng Tuyến – nguyên Phó Chỉ huy trưởng động viên, Ban CHQS Quận 10, TPHCM cho biết: “Tôi rất tự hào khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, đặc biệt khi có bố là một chiến sĩ Điện Biên. Tiếp nối con đường binh nghiệp của bố, năm 14 tuổi, tôi đã trở thành học sinh của Trường Thiếu sinh quân. Trong quá trình học tập, công tác, tôi luôn khắc sâu lời dạy của bố tôi: Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải luôn giữ vững bản lĩnh; nỗ lực vượt khó, sáng tạo, phấn đấu hết mình trong công việc; ghi nhớ bài học "đánh chắc, thắng chắc" trong chiến thắng Điện Biên, làm bất cứ việc gì cũng đều cân nhắc kĩ, chắc chắn mới làm, chưa chắc chưa làm”.
Thời gian đã lùi xa, song ký ức về chiến trường Điện Biên Phủ luôn hiển hiện trong lòng cựu chiến binh Mạnh Trọng Tăng, nhất là kỷ niệm sâu sắc của những lần được gặp Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Năm 2013, hay tin Đại tướng mất, để tưởng nhớ đến người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã cùng con cháu lập bàn thờ Đại tướng, thường xuyên hương khói tại nhà.
88 năm tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng, tuy đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng cựu chiến binh Mạnh Trọng Tăng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Ông thường xuyên được lãnh đạo quận Tân Phú mời đến giao lưu, kể chuyện truyền thống nhân các dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước. Còn trong những ngày cuối tuần, căn nhà của cựu chiến binh Mạnh Trọng Tăng luôn đầy ắp tiếng cười. Đó là lúc các con, các cháu quây quần về, tự hào được nghe ông kể chuyện về những ngày chiến đấu gian khổ mà hào hùng ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.