Thông tin trên được đưa ra tại buổi báo cáo tổng quan thị trường bất động sản 2024 diễn ra sáng 7/1 của CBRE Việt Nam. Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, trong năm 2024 thị trường nhà ở TP.HCM ghi nhận nguồn cung mới hạn chế, chỉ gần 5.300 sản phẩm, tính cả căn hộ chung cư nhà phố, biệt thự.
Trong năm 2024, nguồn cung căn hộ bán mới đạt 5.050 căn. Dù vậy, riêng trong quý cuối năm, nguồn cung mở bán mới ở thị trường TP. HCM tăng mạnh so với quý trước đó, gấp 26 lần quý 3/2024.
Dù nguồn cung có cải thiện nhưng giá nhà TP.HCM vẫn tăng cao. Ảnh MD
Về giá bán, căn hộ chung cư tại TP.HCM hiện có giá bán sơ cấp trung bình đạt 76 triệu đồng/m2, tăng gần 24% theo năm.
Lý giải về mức tăng này ông Kiệt cho biết, do hơn 70% nguồn cung mới trong năm là đến từ các dự án cao cấp đến hạng sang và các dự án mở bán giai đoạn tiếp theo điều chỉnh giá bán tăng từ 10 đến 40% so với giai đoạn trước đó.
Nguồn cung ít ỏi, không có nhiều sự lựa chọn trong khi nhu cầu nhà ở tại TP.HCM luôn rất cao khiến những dự án triển khai năm nay ít chịu sự cạnh tranh. Dù được mở bán với giá lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi m2 nhưng kèm các chính sách bán hàng ưu đãi, tỷ lệ hấp của các dự án mới mở bán vẫn đạt trung bình trên 70%.
Khi giá trên thị trường sơ cấp tăng, giá thứ cấp cũng đi theo xu hướng này. Cụ thể trong quý 4/2024, giá bán thứ cấp chung cư tại TP.HCM tiếp đà tăng nhẹ, tăng trung bình 1% theo quý và 7% theo năm.
“Hầu hết các phân khúc căn hộ đều ghi nhận giá bán thứ cấp tăng trong quý này, trong đó phân khúc căn hộ hạng sang có vị trí thuận lợi kết nối với trung tâm tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng giá chuyển nhượng theo năm nổi bật nhất với mức giá tăng gần 14% so với năm ngoái”, ông Kiệt nói thêm.
Mặt khác, tuyến metro số 1 bắt đầu vận hành thương mại từ cuối tháng 12/2024 đã kéo theo các dự án nằm dọc tuyến, điển hình tại khu vực quận 2 (cũ) và quận 9 (cũ) của TP. Thủ Đức, ghi nhận giá bán thứ cấp bình quân tăng 2%-3% theo quý và tăng gần 15% theo năm.
Theo ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Gamuda Land Việt Nam, có ba lý do khiến giá nhà không ngừng tăng trong thời gian qua đó là nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu hiện tại trên thị trường rất cao. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của một dự án hiện đang ở mức cao cũng kéo giá bất động sản tăng không ngừng nghỉ. Cuối cùng, một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, như tuyến metro, đi vào hoạt động đã tạo hiệu ứng cộng hưởng, khiến giá bất động sản tại các khu vực lân cận tăng.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc đầu tư Nam Long Group cũng cho rằng, xu hướng tăng giá trên thị trường nhà ở là khó tránh khỏi vì chi phí đầu vào tăng. Năm 2025 khả năng cao là giá bất động sản vẫn đi lên. Tuy nhiên tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào nguồn cung, tỷ lệ phân bổ giữa các phân khúc và chiến lược của chủ đầu tư trong phát triển dự án làm sao để tiếp cận được khách hàng tiềm năng mà chủ đầu tư vẫn có lợi nhuận.
Trong trung và dài hạn, bà Hương cho rằng các cơ quan chức năng cần áp dụng các biện pháp quản lý và điều chỉnh phù hợp, nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển một cách bền vững và cân đối với thu nhập của người dân.
Còn ông Trần Thanh Hải, Trưởng bộ phận đầu tư VinaLiving - VinaCapital, các đơn vị phát triển bất động sản hầu như không mong muốn thị trường bất động sản phát triển quá nóng. Bởi vì thị trường phát triển nóng, giá tăng cao có thể chủ đầu tư sẽ có lợi nhuận tốt nhưng khi thu tiền về rồi sẽ rất khó để phát triển thêm dự án mới vì mặt bằng giá đã tăng cao.
“Đối với chúng tôi phát triển dự án đơn giản như làm toán, chi phí bao nhiêu, áp vào kỳ vọng lợi nhuận bao nhiêu là ra giá bán. Chúng tôi mong muốn thị trường phát triển bền vững để có thể đi dài hơn nữa”, ông Hải nói thêm.
Ông Hải cũng cảnh báo việc phát triển quá nóng sẽ đến trạng thái “đứng yên” như thị trường Trung Quốc. Vì vậy, cân đối giá nhà sẽ là bài toán cần được các triển khai trong những năm tới đây để có môi trường đầu tư an toàn và bền vững.
Thanh Thịnh