67 năm Ngày truyền thống ngành Tài chính Quân khu 7
Ngày 30- 11- 1947, ngành Tài chính Quân khu 7 chính thức thành lập. 67 năm qua, vượt lên những khó khăn, thách thức cán bộ, nhân viên Phòng Tài chính Quân khu 7 (trước đây gọi là Ban tài vụ Khu 7) đã tận tụy phấn đấu, vừa học vừa làm, rèn luyện bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn xây đắp nên truyền thống vẻ vang với 16 chữ vàng “Chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, chính xác, kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả”.
Truyền thống hào hùng
Ngành tài chính ở Nam Bộ nói chung, ở Quân khu 7 nói riêng ra đời trong bối cảnh lịch sử hết sức đặt biệt. Ngày 10-12-1945, Quân khu 7 được thành lập, bao gồm thành phố Sài Gòn và các tỉnh Chợ Lớn, Gia Định, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh. Bộ Tư lệnh quân khu thành lập các cơ quan giúp việc gồm Văn phòng (chính trị), Võ phòng (quân sự) và các ban trực thuộc: vũ khí, liên lạc, y tế, quân nhu. Ban Quân nhu chỉ gồm hai tiểu ban quân lương và quân trang chủ yếu lo bảo đảm lương thực và quần áo cho bộ đội, chủ yếu dựa vào sự cung cấp tự nguyện của nhân dân.
Trung tướng Trần Đơn, UVTW Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 chụp hình lưu niệm với cán bộ ngành Tài chính
Miền Đông Nam bộ là địa bàn xa Trung ương, sự chỉ đạo, cung cấp, chi viện trực tiếp gặp nhiều khó khăn và thường đến chậm. Chính quyền cách mạng non trẻ vừa thành lập đã phải bước ngay vào cuộc kháng chiến trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt. Công tác tài chính hình thành một cách tự phát do nhu cầu hoạt động kháng chiến của từng địa phương, từng đơn vị vũ trang. Phải từ sau khi có Sắc lệnh 91-SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội nghị chuyên đề công tác quân nhu-tài chính của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, hoạt động tài chính mới được triển khai một cách hệ thống và dần có hiệu quả thực tế. Trên cơ sở đó, hội nghị ngày 30-11-1947 của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã tạo ra những điều kiện cơ bản cho công tác tài chính của lực lượng vũ trang quân khu, cả về hệ thống tổ chức và phương thức, nội dung hoạt động. Từ đó cho đến nay, các thế hệ cán bộ chiến sĩ ngành Tài chính quân khu đã khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn, chủ động sáng tạo, quản lý tạo nguồn, chi cấp quyết toán có hiệu quả và đúng quy định, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hiện nay.
Hoàn thành tốt mọi trọng trách
Trong những năm qua, công tác tài chính của quân khu đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, góp phần cùng lực lượng vũ trang quân khu thực hiện tốt công tác quốc phòng địa phương, xây dựng tiềm lực quân sự quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh vững chắc; nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang quân khu cả về tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, sẵn sàng ứng phó và ứng phó thắng lợi trước mọi tình huống. Phòng Tài chính luôn tập trung làm tốt vai trò tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh quân khu, Đảng ủy Ban chủ nhiệm Cục Hậu cần về quản lý, điều hành công tác tài chính, kinh tế tại các doanh nghiệp, thực hiện đúng chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước, sử dụng đúng mục đích, đúng nội dung ngân sách. Quản lý, sử dụng các loại ngân sách, quỹ vốn đơn vị đúng nguyên tắc tài chính, tiết kiệm, có hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, chống tham ô, lãng phí. Góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của quân khu.
Theo đại tá Nguyễn Bá Thái, Trưởng phòng Tài chính quân khu, thời gian qua, cơ quan đã chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu đề xuất Đảng ủy quân khu ra Quy chế số 144-QC/ĐU ngày 29-11-2010 theo Quy chế 402 của Quân ủy Trung ương và 761-QC/ĐU ngày 4-6-2012 về lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tài chính trong LLVTQK; ra 7 Chỉ thị về tăng cường quản lý, sử dụng, điều hành quản lý ngân sách trong quân khu; phục vụ và hoàn thành tốt các đợt kiểm toán của Nhà nước, các đợt kiểm tra của Quân ủy Trung ương, Cục Tài chính. Đồng thời quản lý, theo dõi khối lượng tài sản cố định lớn, hoạch toán tài sản cố định của quân khu theo Nghị định 106 của Chính phủ, Thông tư 74 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Mặt khác ngành tài chính cũng đã tham mưu tốt cho UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí ngân sách cho nhiệm vụ quốc phòng, các đề án xây dựng trụ sở nhà ở làm việc phường, xã đội; các công trình phòng thủ; khu căn cứ hậu cần kỹ thuật; diễn tập khu vực phòng thủ tại các địa phương ngày càng chất lượng, hiệu quả.
Bản thân ngành tài chính còn thường xuyên đề cao tinh thần cần kiệm, tự lực tự cường, khai thác tối đa khả năng sẵn có, tạo thêm nguồn thu mới. Bám sát nhiệm vụ chính trị của quân khu và từng đơn vị trực thuộc trong từng thời kỳ để cân đối, bảo đảm và quản lý tài chính đúng trọng tâm trọng điểm. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác tài chính, thường xuyên kiểm tra kết hợp với thanh tra và kiểm toán. Thường xuyên rèn luyện phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác tài chính, nhất là số cán bộ chủ trì. Thời gian qua, ngành đã tổ chức mở lớp đào tạo Trung cấp Tài chính niên khóa 2011-2013 với 96 học viên, bổ sung cho đội ngũ cán bộ ngành tài chính tại các đơn vị cơ sở, nhằm tạo điều kiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
BẮC HÀ