1. Được coi là chiến sĩ lãng mạn, “dẻo mép” trong chuyện tình yêu, đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Hữu Toàn dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày cưới, hoặc ngày 8 tháng 3 nào cũng có quà cho vợ. So với những chiến sĩ nhà giàn khác, đại úy Toàn có cách tặng quà “độc” và ít khi “đụng hàng”. “Đừng bảo lính biển khô khan nhé. Ở biển khơi chỉ thiếu hơi ấm đất liền thôi, chứ cái gì cũng có, ngay cả hoa tươi bọn em cũng trồng được rồi. Không có hoa hồng, nhưng có hoa cúc, hoa muống biển. Dĩ nhiên không gửi hoa từ nhà giàn về được, nhưng có một loại hoa khác, đó là hoa hồng trong điện thoại”, đại úy Toàn vui vẻ nói.
16 năm làm bạn đời với nam quân nhân cùng ngành thông tin đối hải, nữ đại úy Nguyễn Thị Minh, nhân viên thông tin ở Phòng Tham mưu Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân luôn tâm niệm một điều rằng: “Giá trị của hoa quà không quan trọng, chủ yếu là sự quan tâm sẻ chia cho nhau thôi chứ ở nhà giàn có tiền cũng chẳng mua được quà, hoa. 16 năm làm vợ anh Toàn, tết, lễ nào anh Toàn cũng có quà tặng. Có khi là cân cá kìm khô gửi về theo tàu trực, có khi là hoa hồng trong điện thoại. Dịp em kỷ niệm 15 năm ngày cưới, anh ấy gửi về một trái tim làm bằng tăm tre mới lãng mạn chứ”, chị Minh khoe.
Hai cháu Thuận- Hòa, cùng món quà tình yêu của bố Toàn gửi cho mẹ Minh từ nhà giàn về, nhân kỷ niệm 15 năm ngày cưới
Chỉ vào trái tim làm bằng tăm tre mà anh Toàn gửi về từ biển, chị Minh tự hào: “Ông xã nhà em ga lăng lắm. Có hai đứa con rồi mà vẫn không bỏ được “cái tật” lãng mạn. Anh biết không, hôm 15 năm ngày cưới, em cũng chẳng nhớ. Vừa từ đơn vị về, em nhận được gói quà to của một chiến sĩ dưới tàu chuyển lên. Đoán chắc giống lần trước cá kìm khô, ruốc cá nên ba mẹ con bảo ăn cơm rồi sẽ mở. Trước khi đi ngủ con em cứ dục “mẹ mở quà đi”. Tôi bóc gói quà. Không tin vào mắt mình. Đó là một trái tim làm bằng tăm tre ở giữa nổi rõ 5 chữ “Toàn love Minh, Hòa Thuận” (Toàn yêu Minh và tên con gái Lê Thu Hòa và con trai Lê Hữu Thuận). Lúc đó con em nhìn mẹ cười, còn em thì mới bừng tỉnh, à ra nay là ngày cưới của mình tròn 15 năm. Đúng lúc đó, anh Toàn nhắn tin về chúc mừng kỷ niệm ngày cưới. Em thắc mắc, sao lại có con số 5.475, anh ấy giải thích “Đó là số ngày của 15 năm kể từ ngày cưới nhau”, chị Minh cười hãnh diện.
Thấy tôi khen món quà độc lạ của anh Toàn, cháu gái Lê Thu Hòa dí dỏm bảo: “Bố con lãng mạn lắm. Mỗi lần gọi điện thoại về, bố mẹ nói chuyện khá lâu. Con còn thấy cả tin nhắn có hình bông hồng nữa cơ”.
2. Chín năm làm vợ, bảy năm đón Tết một mình, đó là sự thiệt thòi của chị Lê Thị Ngân- vợ của thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Văn Bảy, hiện đang công tác ở nhà giàn DK1/11. Cũng như nhiều vợ lính DK1 khác, chị Ngân thường xuyên nhận được “quà tinh thần” của chồng từ biển gửi về. “Lần nào có tàu thay trực anh Bảy cũng gửi cá kìm khô hoặc vài can cá mắm. Dù không giá trị nhiều về vật chất, nhưng thể hiện sự quan tâm. Hai đứa con tôi, mỗi lần nhận được quà của bố, nó vẫn thích, dù các kìm khô nó chẳng ăn được. Thằng nhóc ngày nào cũng bập bẹ hỏi bố Bảy đâu mẹ, tôi lấy ảnh cưới chỉ cho nó nhìn. Nhờ vậy mà khi anh Bảy về đất liền, dù đi cả năm, khi đưa tay bế con, nó vẫn theo”, chị Ngân cho biết. - Ngày lễ tình nhân, hoặc mùng 8 tháng 3 anh Bảy có gửi quà về không? tôi hỏi. “Có chứ. Hôm Ngày lễ tình nhân, anh ấy gửi về hai can cá mắm. Biết tôi thích ăn cá kìm khô chấm me chua, nên lần nào anh ấy cũng gửi, kèm theo gói lương khô cho con nữa. Ngoài biển, quà vậy là quí rồi”
Chị Lê Thị Ngân ở đất liền, nuôi con khỏe, ngoan là điểm tựa cho anh Bảy yên tâm công tác ngoài nhà giàn
Chia sẻ chuyện tình yêu của vợ chồng sau những ngày anh Bảy công tác ngoài nhà giàn trở về đất liền, chị Ngân kể: “Có lần anh Bảy chở hai mẹ con đi vòng một vòng bãi biển Vũng Tàu, rồi vào siêu thị cho con ăn kem. Hai vợ chồng ngồi uống cà phê. Bỗng dưng anh ấy bất ngờ rút trong túi áo ra bông hồng đỏ tặng tôi rồi bảo “Bù lại những ngày tháng xa nhau”. Mặc dù ngượng chín mặt nhưng vẫn thích nhận. Mới đó mà giờ đã có thêm một thằng nhóc này nữa rồi đấy”, chị Ngân cười đưa tay bế nựng bé trai giống bố như khuôn
Chuyện tình của chị Ngân và anh Bảy lãng mạn như sóng biển. Chín năm trước, chị Ngân từ Tĩnh Gia Thanh Hóa vào Vũng Tàu lập nghiệp cùng người chị gái công tác ở Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân. Chưa có việc làm, chị mở quán bán thẻ điện thoại và sửa quần áo. Một buổi chiều, anh Bảy ra mua thẻ điện thoại, thấy cô bán hàng duyên dáng bèn nán lại “tán”, vậy là họ bén duyên. Sau một năm yêu nhau qua điện thoại và thư, họ về chung sống một nhà. Cưới xong, anh Bảy nhận nhiệm vụ ra nhà giàn, còn chị Ngân ở nhà mở tiệm may và bán sim, thẻ điện thoại. Khi chị Ngân sinh con gái đầu lòng, anh Bảy ngoài biển. Lúc sinh con thứ hai, anh Bảy không về được vì nhường suất cho đồng đội khác về đất liền cưới vợ. Sau nhiều năm dành dụm, tích cóp, họ mua được mảnh đất nhỏ để dựng xây tổ ấm. Căn nhà ba buồng “kiểu lính” chưa hoàn chỉnh, còn thiếu phòng khách luôn trống vắng vì anh Bảy biền biệt ngoài nhà giàn. Hiện tại anh Bảy đã công tác ngoài nhà giàn DK1/11 12 tháng liên tục. “Đầu tháng ba này là tròn một năm. Nhà chỉ có ba mẹ con nhiều lúc cũng tủi thân. Nhất là ngày lễ, tết. Nhìn gia đình hàng xóm sum vầy, còn mình thui thủi một mình chạnh lòng quá. Được cái anh nhà tôi rất tình cảm. Ngày nào cũng gọi điện về nhà bố con nói chuyện với nhau, nhờ vậy mà sự thiếu thốn phần nào cũng được bù đắp”, chị Ngân chia sẻ.
Nhà giàn DK1, nơi có phu quân của các chị ngày đêm trấn giữ
Với những người vợ lính Trường Sa, DK1 để có kỷ niệm ngày cưới, hay ngày 8 tháng 3 trọn trọn vẹn thật hiếm hoi. Mặc dù chỉ được chồng tặng “hoa hồng trong điện thoại”, hoặc can mắm, gói lương khô làm quà gửi về theo chuyến tàu thay trực, song đó là niềm động viên vợ con ở đất liền vững tin vào cuộc sống. Còn đối với cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1, chỉ cần nghe “mẹ khỏe, con ngoan” qua điện thoại là yên tâm bám biển. Ngoài nhà giàn các anh kiên cường, hoàn thành nhiệm vụ, ở đất liền các chị là hậu phương vững chắc nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Ở hai đầu khoảng cách, họ luôn hướng về nhau, thông cảm, sẻ chia và bù đắp cho nhau những khó khăn, vất vả