
Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sông Bé (nay là hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước)
Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê hiện đang sinh sống ở phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ở tuổi 88, đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng ký ức của ông về những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn còn vẹn nguyên. Là người con của mảnh đất miền Đông Nam Bộ, hoạt động và chiến đấu tại quê hương mình, nên ông hiểu và nắm rõ vùng đất này, “kiên cường bám trụ” để giải phóng quê hương.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê sinh năm 1937, quê ở xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Là con đầu trong gia đình, nên gọi là Hai Phê. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia du kích ở địa phương, lúc đó chỉ khoảng 15, 16 tuổi. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneve về chấp dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Ngày 1-8-1954, tiếng súng giao tranh ngừng hẳn trên toàn chiến trường miền Nam. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ miền Đông hành quân về Hàm Tân, Xuyên Mộc để tập kết ra miền Bắc. Trong đó, tỉnh Tây Ninh chỉ có khoảng 300 cán bộ, đảng viên tập kết ra Bắc. Hơn 4.000 cán bộ, đảng viên ở lại, hòa mình vào quần chúng trên từng địa bàn được phân công, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất và đấu tranh với địch.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê nhớ lại: “Năm 1954, nhiều đồng chí tập kết ra Bắc, còn tôi được tổ chức cho ở lại địa phương để tham gia đấu tranh chính trị, đòi thực thi Hiệp định Geneve, tổng tuyển cử thống nhất. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng ở miền Nam, các cơ sở cách mạng phải rút vào hoạt động bí mật. Năm 1956, tôi cùng hai đồng chí được tổ chức đưa đi quân dịch, hoạt động trong lòng địch. Nhưng được một thời gian ngắn, cả 3 chúng tôi bị lộ, phải trốn ra ngoài, về địa phương tiếp tục cùng nhân dân đấu tranh chính trị. Tháng 10-1958, tôi nhập ngũ, biên chế vào Đại đội 59 bộ đội địa phương tỉnh Tây Ninh”.
Đế quốc Mỹ và chế độ tay sai đã ngang nhiên phá hoại Hiệp định Geneve, thi hành chính sách tàn bạo “tố cộng, diệt cộng”, “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”, ra đạo luật 10/59, thực hiện khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Chỉ trong 4 năm, từ 1955-1958, ở Nam Bộ chỉ còn khoảng 5.000 đảng viên so với 60.000 đảng viên trước đó.
Những cuộc khủng bố đẫm máu của Mỹ-Diệm đã đẩy nhân dân ta đứng trước sự lựa chọn không thể khác được. Đó là con đường tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước. Ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng tháng 1/1959: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân” đã đặt nền móng cho một chủ trương mới được ghi vào Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy Nam bộ: con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là phải dùng bạo lực giành chính quyền.
Để làm súng lệnh tiến công, châm ngòi cho phong trào Đồng khởi toàn miền Nam, Xứ ủy Nam bộ quyết định tiêu diệt căn cứ Tua Hai. Đây là cứ điểm do trung đoàn 32 (sư đoàn 21) của địch chiếm giữ, đồng thời là kho dự trữ chiến dịch quan trọng của địch trên hướng này.
Lực lượng của ta tham gia trận đánh gồm Đại đội 59, Đại đội 60 và Đại đội 80 với tổng quân số khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Trưởng ban Quân sự miền Đông, đêm ngày 25 rạng ngày 26/1/1960 ta nổ súng tiến công. Chỉ sau ba giờ chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ, tiêu diệt và bắn sống hơn 500 tên địch, thu hơn 1.500 khẩu súng các loại.
“Khi đó tôi là tiểu đội phó Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 59, cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ tham gia đánh trận Tua Hai. Đây là trận đánh hiệp đồng giữa bộ đội chủ lực, địa phương, lực lượng nội ứng, đặc biệt là lực lượng dân công phục vụ chiến đấu. Lập công ở trận đánh Tua Hai, tôi được kết nạp vào Đảng và được cử đi học quân sự. Học xong, tôi được biên chế về Tiểu đoàn 500, tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu 7”. Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê chia sẻ.
Chiến thắng Tua Hai đã mở ra khả năng đánh thắng Mỹ - ngụy của quân và dân miền Đông Nam bộ. Vành đai diệt Mỹ hình thành và tỏa rộng ở Đồng Dù - Củ Chi, Lái Thiêu - Bến Cát, Rạch Kiến - Long An, Trảng Lớn - Tây Ninh…
“Kiên cường bám trụ, lừng lẫy chiến công”
Ngày 15/2/1961, tại căn cứ Mã Đà (Chiến khu Đ), lễ ra mắt Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức long trọng trước sự chứng kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Cùng với việc thành lập LLVT cách mạng, Trung ương Đảng quyết định thành lập các tổ chức quân sự theo lãnh thổ. Miền Đông Nam bộ chia thành hai Quân khu: Quân khu 7 mang mật danh T1 và Quân khu Sài Gòn-Gia Định, mang mật danh T4.
Tiểu đoàn đầu tiên của Quân khu 7 được thành lập lấy phiên hiệu d500, sau đổi phiên hiệu là Tiểu đoàn 800 hoạt động chủ yếu trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cùng với việc giúp đỡ xây dựng, huấn luyện, phối hợp chiến đấu với các đơn vị vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Phước Thành (nay thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai), Tiểu đoàn 800 tổ chức nhiều trận chiến đấu, như tiến công vào tỉnh lỵ tỉnh Phước Thành, phục kích Đường 13, đánh tiêu diệt đại đội biệt kích “Báo đen”; đánh địch, giúp LLVT địa phương làm nòng cốt trong phong trào phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng; bảo vệ Chiến khu Đ và các căn cứ, cơ sở cách mạng...

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 800 tổng kết sau chiến thắng Phước Thành (18/9/1961).

Trong mười năm kháng chiến chống Mỹ (1965 - 1975), trung đoàn đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ với nhiều trận đánh lớn, điển hình như các trận: Võ Su, Tầm Bó, sân bay Biên Hòa, Kho bom Long Bình, chi khu Long Khánh... Điển hình là trận đánh Tầm Bó tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu diễn ra ngày 10/4/1966. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 4 đã mưu trí, dũng cảm, chiến đấu kiên cường, tiêu diệt một tiểu đoàn quân Mỹ có máy bay, pháo binh yểm trợ thuộc Sư đoàn “Anh cả đỏ”. Chiến thắng Tầm Bó đã xây dựng, củng cố lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ với vũ khí trang bị hiện có, ta hoàn toàn có thể đánh thắng Mỹ với vũ khí tối tân, hiện đại. Từ đây, đơn vị đã tìm ra hình thức tác chiến mới với quân Mỹ. Đó là áp sát địch và bao vây, thọc sâu, đánh hiểm, chia cắt, không cho địch phân tuyến. Kinh nghiệm chiến đấu này được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 4 vận dụng vào thực tiễn chiến đấu, lập nên nhiều chiến công vang dội, xây đắp truyền thống “Kiên cường bám trụ, lẫy lừng chiến công”.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Trung đoàn 4 trong đội hình Sư đoàn 6/Quân khu 7, đã tham gia đánh những trận ác liệt, đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc, giải phóng thành phố Biên Hòa, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trưởng thành từ người chiến sĩ, trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê được bổ nhiệm giữ các chức vụ cấp trung đoàn, sư đoàn trưởng, phó chỉ huy trưởng, chỉ huy trưởng... Ông cho rằng, “sự trưởng thành và những chiến công của cán bộ, chiến sĩ LLVT miền Đông Nam Bộ, hay của cá nhân tôi, đều bắt nguồn từ sự gắn bó với nhân dân, được nhân dân giúp đỡ, đùm bọc, chở che và bảo vệ, nhờ đó mới hoàn thành nhiệm vụ”.
Rồi ông Hai Phê kể về những kỷ niệm cùng đồng đội khi đánh thắng giặc trở về căn cứ (Bà Rịa-Long Khánh), được bà con nhân dân đốt đèn, lấy nước cho rửa mặt; may vá quần áo, cung cấp lương thực, thực phẩm... Thời kỳ khó khăn nhất vào những năm 1968-1970, địch bình định, bố ráp, người dân phải ăn khoai, củ mì, củ chuối, rau rừng... nhưng vẫn dành lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Dù hoạt động ở địa bàn nào, trong mọi hoàn cảnh, sự đoàn kết, thống nhất, quân với dân một ý chí luôn là yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.