Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Cần Đước quyết định công trình trọng điểm là xây dựng Tượng đài Chiến thắng Khu di tích Ngã tư Rạch Kiến với kinh phí đầu tư hơn 30 tỉ đồng để ghi dấu chiến tích và giáo dục cho thế hệ trẻ.
Theo tài liệu lịch sử, ngày 20/12/1966, đế quốc Mỹ đổ quân tái chiếm Rạch Kiến với âm mưu khống chế, đánh phá vùng giải phóng Cần Đước, Cần Giuộc hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng và cứu vãn tình thế đang ngày càng rệu rã, suy sụp của ngụy quân, ngụy quyền ở vùng này. Tại đây, Mỹ cho máy bay chở công sự thép bêtông đúc sẵn để xây dựng bãi đáp sân bay, khu bộ binh, sở chỉ huy, khu hành chính ngụy. Từ căn cứ này, địch liên tục bắn pháo đi các nơi cả ngày đêm; đồng thời, tung lực lượng đi càn, tìm cách tiêu diệt lực lượng của ta và uy hiếp tinh thần quần chúng Nhân dân.
Bằng thế trận chiến tranh nhân dân trên Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến, dựa trên 3 mũi cơ bản (quân sự, chính trị, binh vận) được phối hợp một cách nhuần nhuyễn, liên hoàn, quân ta đã cô lập căn cứ Mỹ và tiêu diệt, làm bị thương hàng ngàn tên Mỹ - ngụy, bắn rơi 17 máy bay, phá hủy 20 xe thiết giáp,... Vùng giải phóng phía Nam Lộ 4 được giữ vững và mở rộng, trở thành hậu phương trực tiếp, là bàn đạp tấn công vào Sài Gòn Xuân Mậu Thân năm 1968 của các binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang Long An.
Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến hình thành trong phạm vi 12 xã ở vùng hạ của tỉnh, bao gồm 10 xã ở huyện Cần Đước và 2 xã ở huyện Cần Giuộc. Đây được xem đỉnh cao của chiến tranh nhân dân, tô thắm truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quê hương Long An, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Năm 1996, Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2011, di tích được tỉnh trùng tu, tôn tạo nhằm tái hiện diễn biến cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân ta sau gần 1.000 ngày đêm, cùng với nhiều hiện vật được trưng bày.
Khu vực Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến đang đổi mới từng ngày, trong đó nơi đặt khu di tích là xã Long Hòa cũng xây dựng thành công xã nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng của địa phương được quan tâm đầu tư, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị,
đời sống người dân ngày càng khởi sắc.
Theo Bí thư Tỉnh đoàn - Trần Hải Phú, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, trong suốt thời gian qua, Tỉnh đoàn triển khai nhiều hoạt động, việc làm ý nghĩa đến các cơ sở Đoàn, trong đó có nhận, chăm sóc các nhà che bia, các khu di tích, nghĩa trang liệt sĩ,... Đặc biệt, các khu di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được các tổ chức Đoàn cơ sở kết nạp đoàn viên, sinh hoạt truyền thống,... Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên: Tổ chức các chuyến du khảo về nguồn, giao lưu với nhân chứng lịch sử, hành trình về với địa chỉ đỏ, các cuộc thi tìm hiểu về các anh hùng dân tộc, diễn đàn,... cũng là một cách để thể hiện lòng tri ân của tuổi trẻ đối với những người có công với nước.