Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phát biểu tại hội thảo
Tại Hội thảo, các ý kiến nhấn mạnh đến những đóng góp của Trung tướng Nguyễn Bình trong tổ chức và chỉ huy chiến đấu, xây dựng các cơ sở cách mạng, hình thành thế trận vững chắc tại Hải Phòng, chiến khu Đông Triều, Duyên Hải - Bắc Bộ… trước năm 1945. Với tư duy chiến lược của một chiến sĩ cách mạng trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh, từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Trung tướng Nguyễn Bình nhanh chóng chuẩn bị vũ trang, xây dựng căn cứ du kích Đông Triều. Cùng với Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch, “Đệ tứ chiến khu Đông Triều” (hay còn gọi là Chiến khu Trần Hưng Đạo) chính thức ra đời. Đây là căn cứ địa có ý nghĩa và tầm quan trọng về nhiều mặt trong giai đoạn tiền khởi nghĩa và trong Cách mạng Tháng Tám ở vùng Duyên hải Đông Bắc Tổ quốc.
Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Quang Trung, Phó Cục trưởng kiêm Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an nhấn mạnh, cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình tuy chỉ có mười tháng ở miền Bắc và gần sáu năm ở miền Nam, nhưng ông đã chứng tỏ là một tài năng quân sự, một vị chỉ huy với nhiều tố chất đặc biệt trong cách thức vận động và tập hợp quần chúng, lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Các đại biểu cũng khẳng định những cống hiến và đóng góp của Trung tướng Nguyễn Bình tại chiến trường Nam Bộ, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1951) đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân miền Nam từng bước đi đến thắng lợi vững chắc. Trung tướng Nguyễn Bình là người sáng tạo những cách đánh độc đáo, vị tướng với tư duy quân sự mang đậm chất của chiến tranh nhân dân.
PGS.TS Phan Xuân Biên phát biểu tại Hội thảo
Theo PGS.TS Phan Xuân Biên, ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến sau Cách mạng Tháng Tám 1945, LLVT Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã được hình thành và không ngừng được củng cố, phát triển cả về tổ chức chỉ huy, xây dựng lực lượng, phương thức hoạt động, tác chiến. Từ đó, đã lập được nhiều chiến công vang dội, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Quá trình đó mang dấu ấn rõ nét về tầm nhìn chiến lược, công lao to lớn của người chỉ huy tài năng Nguyễn Bình. Sự trưởng thành của LLVT Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình. Từ nơi đây, Nguyễn Bình đã từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản với cốt cách, bản lĩnh và tài năng đặc biệt.
“LLVT Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định được xây dựng thời kỳ Trung tướng Nguyễn Bình trực tiếp chỉ đạo đã được Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, Tỉnh ủy Gia Định tiếp tục củng cố, phát triển về mọi mặt trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Không những vậy, những nguyên tắc, cách thức tổ chức và hoạt động của LLVT Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định thời kỳ đầu chống Pháp là kinh nghiệm quý báu để Khu ủy Sài Gòn – Gia Định xây dựng, tổ chức hoạt động của LLVT Quân khu trong thời kỳ chống Mỹ” - PGS.TS Phan Xuân Biên khẳng định.
Theo PGS.TS Phan Xuân Biên, di sản tài thao lược của Trung tướng Nguyễn Bình những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến đã được các thế hệ chỉ huy LLVT Sài Gòn – Gia Định kế tiếp phát huy thành nghệ thuật quân sự độc đáo, đạt trình độ cao. Đó chính là dấu ấn Nguyễn Bình trong lịch sử xây dựng và chiến đấu của LLVT TPHCM.
Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, tư duy quân sự của Trung tướng Nguyễn Bình thể hiện sự sáng tạo trong kết hợp quân sự, chính trị với binh vận, địch vận ngay trong từng hoạt động quân sự, trong từng trận đánh, và càng sắc sảo hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng và phát triển chiến tranh nhân dân khi ông được cử vào Nam Bộ. Trung tướng Nguyễn Bình là vị tướng luôn gần dân, sáng tạo trong công tác vận động quần chúng làm cách mạng, là người có uy tín trong mọi tầng lớp nhân dân. Ông nổi tiếng là người kiên quyết, dũng cảm trong chiến đấu, rất nhân văn trong ứng xử với nhân dân, với bộ đội, với cấp dưới.
Một lòng trung kiên với sự nghiệp cách mạng
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thành phố và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam học tập và noi theo. Trung tướng Nguyễn Bình thật sự xứng đáng với lòng tin và sự đánh giá của Bác Hồ. Theo Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, cuộc đời, những chiến công của Trung tướng Nguyễn Bình cùng đồng đội, cùng nhân dân được viết nên như một huyền thoại. Đó là một vị tướng mà những người cùng thời với ông và cả những thế hệ sau này đều nhận thấy “cái đức, cái tài, cái dũng, cái nhân của anh Nguyễn Bình”, một vị tướng bằng hoạt động thực tiễn đã để lại những dấu ấn đặc biệt.
Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo phát biểu tại Hội thảo.
Thiếu tướng Phan Văn Xựng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, với 60 bài tham luận tham gia Hội thảo của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP; lãnh đạo Quân khu 7; Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành; các cơ quan nghiên cứu Trung ương, TP; quê hương Trung tướng Nguyễn Bình, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu… các tác giả đã dành nhiều tình cảm sâu sắc, kính trọng đối với Trung tướng Nguyễn Bình. Từ những vị trí, góc độ khác nhau, các bài viết đã phản ánh rất phong phú, sinh động về thân thế, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng, những cống hiến xuất sắc của Trung tướng Nguyễn Bình; qua đó học tập, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM.
“Chúng ta có thể khẳng định rằng, Hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình - Nhà quân sự tài năng, đức độ” đã đạt được mục đích, yêu cầu. Các tham luận được các tác giả thể hiện đầy tâm huyết và trách nhiệm, giúp chúng ta có dịp suy ngẫm, soi rọi và liên hệ với trách nhiệm của cá nhân mình, cơ quan, đơn vị, địa phương mình, góp phần bồi dưỡng nhận thức, củng cố vững chắc niềm tin, tiếp tục thực hiện lý tưởng cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh tụ của Đảng đã dày công xây dựng, bảo vệ, phát triển, trao truyền lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau” - đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.