MỘT
Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Lê Xuân Bình đợi chúng tôi từ lâu. Sư đoàn trưởng Bình nói, mời các chú vào thắp hương Đền thờ Bác rồi tham quan phòng truyền thống. Đền thờ này ghi danh bao nhiêu liệt sĩ? -Tôi hỏi. Hơn 40.000 liệt sĩ. Chúng cháu đang sưu tìm thêm với ước nguyện là không liệt sĩ nào hy sinh vì Tổ quốc trong đội hình sư đoàn bị lãng quên. Tên tuổi của các bác, chú, anh chị đều được ghi danh trên đá hoa cương đặt tại ngôi đền thiêng liêng này.
Ước nguyện của Sư đoàn trưởng về việc tri ân đồng đội khiến chúng tôi cảm động. Và cảm động hơn khi cô chiến sĩ quân phục chỉnh tề hướng dẫn chúng tôi thăm phòng truyền thống. Khác một trời một vực đối với thời kháng chiến. Phòng truyền thống sư đoàn hôm nay thật “hoành tráng”, bài bản và khoa học. Công nghệ thông tin giúp người xem sống lại chặng đường 56 năm kể từ ngày thành lập sư đoàn. Tiền thân là những đại đội, tiểu đoàn, mang tính chất bộ đội địa phương, khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào xâm lược miền Nam nước ta, ngày 2-9-1965, Quân ủy và Bộ Chỉ huy các LLVT giải phóng miền Nam quyết định thành lập 2 sư đoàn chủ lực: Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9. Quyết định thành lập ngày đó, nhưng Sư đoàn 5 chọn ngày 23-11-1965 làm ngày truyền thống? Vì sao thế? Đại tá, Chính ủy sư đoàn Phạm Anh Tuấn giải thích, ngày đó gắn với phiên họp đầu tiên của Đảng ủy sư đoàn và đặc biệt gắn với ngày Nam kỳ khởi nghĩa.
Hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ xây dựng nên truyền thống 17 chữ vàng “Đoàn kết trung dũng, tự lực tự cường, cơ động linh hoạt, đánh thắng mọi kẻ thù”. Dấu chân của cán bộ, chiến sĩ in đậm mọi nẻo đường của Tổ quốc và trên đất bạn Campuchia. Từ Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa, Lộc Ninh, Đồng Tháp Mười... đến Xi xô phôn, Bát Tam Băng, Ốt đô miên chây...43.000 liệt sĩ đã nằm lại chiến trường. Thân thể các anh tan biến vào cỏ cây, sông núi thành đất đai của Tổ quốc và hồn các anh bay lên hóa linh khí quốc gia.
Trong phòng truyền thống có phần lưu giữ hình ảnh các anh hùng, liệt sĩ và tướng lĩnh. Tôi thầm nghĩ Sư đoàn 5 là một trong những đơn vị rèn luyện, đào tạo cho đất nước nhiều tướng lĩnh và lãnh đạo các cấp.
Cùng tâm trạng với tôi, thăm phòng truyền thống, Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 9, nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ không khỏi bồi hồi. Là người có mặt ở sư đoàn khá lâu, lại là người chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị, anh Năm Lượng có nhận xét sát thực. Phải góp ý để anh em tập trung vào nhiệm vụ chính trị trung tâm. Bên cạnh việc nâng cao sức mạnh chiến đấu, thành thục phương án tác chiến là xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội. Các phương tiện giáo dục trực quan như phòng truyền thống, đền thờ lưu danh liệt sĩ... là những phương tiện thiết thực nhất. Suy nghĩ đi đôi với hành động. Đúng ngày Giỗ tổ Vua Hùng, bên bàn trà dưới bóng cây, anh Năm Lượng có cuộc trò chuyện thân mật với cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính trị của sư đoàn. Anh Năm Lượng say sưa bày tỏ cảm xúc tự hào về truyền thống sư đoàn, tin tưởng vào thế hệ nối tiếp và không quên “truyền lửa” cho thế hệ kế tục sự nghiệp của mình. Thân mật như trong gia đình, không chỉ khen, ông còn chỉ ra những điều bất cập để góp phần nâng cao trình độ chính trị và phương pháp tác nghiệp của lớp cán bộ trẻ.
Tôi có cơ duyên biết “chàng” Sư đoàn trưởng trẻ tuổi này cách nay hơn 40 năm. Ngày ấy tôi từ Sư đoàn 5 về Cục Chính trị làm phóng viên Báo Quân khu 7. Một buổi sáng chủ nhật, tôi thấy Trung tá Lê Thành Tâm, Phó trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu dắt theo một bé trai chừng hai, ba tuổi. Phó phòng bảo rằng đó là con trai của ông. Từ phòng Tuyên huấn Quân khu, Trung tá Lê Thành Tâm, người chiến sĩ quân giải phóng đã có vinh dự trực tiếp gặp Bác Hồ trong đoàn dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc chuyển công tác hết đơn vị này sang đơn vị khác. Ông đã từng giữ vai trò Chính ủy Sư đoàn 5, Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 7; Chủ tịch Hội CCB TP HCM. Bây giờ cậu bé Bình năm xưa ông dắt tay vào Phòng Tuyên huấn trở thành Sư đoàn trưởng. Tính nết Bình khác cha. Nếu ông Năm Tâm đằm tính, nhẹ nhàng, chỉn chu từng câu chữ đúng chất con nhà chính trị thì Ba Bình (Sư đoàn trưởng) mạnh mẽ, quyết đoán đúng công việc của người đứng đầu, chỉ huy quân sự. Mới về đảm nhận vị trí Sư đoàn trưởng chưa được hai năm, mọi việc còn đang ở phía trước. Nhưng bằng suy nghĩ dự định và những kết quả bước đầu Ba Bình cùng tập thể Bộ chỉ huy sư đoàn làm được đã tạo được niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ. Từ việc rèn cán, luyện quân nâng cao sức chiến đấu đến việc giáo dục tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị. Đặc biệt, việc xây dựng nền nếp chính quy, nâng cao đời sống bộ đội, Sư trưởng Bình trình bày lưu loát. Cuối giờ chiều, khi hoàng hôn dần xuống, Sư trưởng Bình đưa chúng tôi đi thăm nơi tăng gia sản xuất của đơn vị. Từ vườn cây, ao cá đến chuồng trại nuôi bò, trâu, ngựa, gà vịt... chỗ nào cũng “chính quy hiện đại” công nghệ 4.0 - 4G được áp dụng ở đây thật ngoạn mục. Hệ thống chuồng trại, cơ sở vật chất, trồng cây ăn trái kết hợp trồng cỏ trên diện tích 13 ha, đầu tư 45 tỷ đồng; đàn heo bò, trâu, ngựa trên một ngàn con và 23.000 gà vịt... là nét chấm phá nổi bật cho bức tranh đời sống vật chất và tinh thần của người lính sư đoàn.
Cùng về thăm Sư đoàn 5, Trung tướng PGS, TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 nhận xét: Tôi đã có lần về thăm Sư đoàn 5. Nay trở lại mọi thứ đổi thay kỳ diệu. Cả tinh thần và vật chất. Từ con người đến cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở ở đây, cho chúng ta niềm tin cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 5 sẽ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xứng đáng truyền thống đơn vị anh hùng, hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi biên cương của Tổ quốc.
Nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng
Cựu Chiến binh Sư đoàn 5