Ông Trần Văn Anh từng công tác trên nhiều lĩnh vực và giữ nhiều trọng trách khác nhau. Năm 1945 – 1954, ông công tác tại Văn phòng Ủy ban hành chính xã, nhân viên công an, cán bộ thanh niên, phụ trách thiếu nhi, thường vụ thanh niên cơ quan huyện, cán bộ tỉnh đoàn thanh niên tỉnh Quảng Nam. Năm 1954, ông tham gia bộ đội địa phương, là chính trị viên trung đội, cán bộ tuyên huấn của Eq3. Sau kháng chiến chống Pháp, ông tập kết ra Bắc tháng 4/1955 và chuyển ngành, làm phóng viên Báo Đường sắt, học tập, công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1962, ông về công tác, giảng dạy tại Trường Huấn luyện Thể dục thể thao Trung ương kiêm Phó Bí thư chi bộ, thư ký công đoàn.
Từ sau khi tập kết ra Bắc, lao động, học tập tại các cơ quan ở miền Bắc, ông vẫn đau đáu một lòng với quê hương miền Nam, trăn trở và muốn đóng góp sức mình cùng đồng bào, đồng chí nơi đây. Có lẽ vì vậy, trong các tờ khai cán bộ, nhiều lần ông đã đề bạt nguyện vọng của mình với cơ quan, tổ chức: tha thiết muốn trở về miền Nam chiến đấu, công tác, hoạt động trong bất cứ công tác gì, nhưng tốt nhất là công tác báo chí, tuyên huấn. Đồng thời, ông và gia đình đã bàn bạc kỹ lưỡng, thu xếp sẵn sàng và xác định có thể đi được vào bất cứ khi nào.
Để được cấp trên thông qua, để xác định rõ nguyện vọng của mình, trong đơn gửi Ban Thống nhất Trung ương, ông viết: “Tôi là Trần Văn Anh, một lần nữa xin tha thiết bày tỏ nguyện vọng với Đảng là tôi muốn được về chiến đấu, công tác cùng đồng bào, đồng chí ở quê hương. Từ mấy năm nay tôi đã viết thư lên Ban Thống nhất, đã liên lạc với đồng hương Quảng Nam và trực tiếp đề đạt với cấp bộ Đảng cơ sở tôi công tác nhưng chờ mãi mà không thấy Đảng gọi đến mình, làm cho tôi nóng lòng, không thể nào ngồi yên được…Tôi đã suy nghĩ rất kỹ và nguyện vọng đó là lẽ sống, là máu thịt của mình. Từ chỗ là một đứa bé mồ côi, nhân dân quê hương và Đảng đã nuôi tôi lớn, dạy dỗ cho thành người, lại cho tôi cả trí thức và hạnh phúc. Ngày tập kết, trình độ văn hóa của tôi mới lớp 4, nay đã học đại học, tôi đi tập kết một mình, Đảng đã tổ chức đưa vợ tôi ra Bắc (cuối năm 1956) thế là trong những ngày quê hương đen tối, đau thương, đồng bào đồng chí hy sinh gian khổ thì tôi sống trong hạnh phúc và được bồi dưỡng mọi mặt. Vì vậy, vợ chồng tôi đã bàn bạc và nhất trí với nhau hoàn toàn là tôi phải trở về chiến đấu. Các con tôi nhất là cháu gái lớn 8 tuổi, cũng biết rằng Ba cần phải về miền Nam đánh Mỹ. Tôi đã chuẩn bị kỹ đến mức nếu Đảng gọi gấp, tôi có thể đi ngay, không cần thu xếp gì nữa. Xin báo cáo với các đồng chí rằng, những năm mới tập kết tôi còn bị sốt rét ít nhiều do ở rừng núi, tôi đã tích cực chữa, và thường xuyên tập mang, tập chạy để chuẩn bị sức khỏe, nên hiện nay sức khỏe tôi rất tốt, 3 năm gần đây không bị ốm đau gì. Có thể nói là ngoài việc tích cực công tác và học tập cũng là vì miền Nam, tôi đã kiên trì chuẩn bị cho mình mọi điều kiện để trực tiếp trở về hoạt động, chỉ còn gọi đến tên là đi được ngay…”.
Tình yêu quê hương đất nước, nặng lòng với nơi chôn rau cắt rốn là điều đã thôi thúc biến ý chí thành hành động cách mạng, ông đã toại nguyện lên đường về với quê hương miền Nam. Hồ sơ cán bộ đi B gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ và lá đơn tình nguyện được viết bằng màu mực tím chính là ký ức về một tấm lòng son sắt, thủy chung.