LTS: Thể hiện sự thống nhất rất cao trong nhận thức và hành động, đông đảo cán bộ, chiến sĩ Quân đội bày tỏ quyết tâm tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương tại Hội nghị Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần "7 dám": Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Tiếp tục giới thiệu một số ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ về vấn đề này.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng:
Tạo điều kiện và hoàn thiện cơ chế để cán bộ thực hành “7 dám”
Tôi cho rằng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương về xây dựng cán bộ Quân đội “7 dám” là rất đúng đắn, sát với thực tiễn xây dựng Quân đội và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Rõ ràng, để hiện thực yêu cầu “7 dám” trước hết đòi hỏi phải có sự nỗ lực tự thân của mỗi người, thế nhưng, việc tạo ra môi trường, điều kiện, cơ chế, chính sách thuận lợi để cán bộ Quân đội quyết tâm thực hiện “7 dám” cũng là vấn đề rất đáng nên bàn thảo kỹ lưỡng.
Thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta cho thấy, rất nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong Quân đội có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung... đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với tổ chức và nhân dân. Không ít cán bộ, chiến sĩ trở thành tấm gương sáng về đức hy sinh cho lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, địa phương và đất nước. Đó là kết quả từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng nói chung, Đảng bộ Quân đội nói riêng; cũng là thành quả giáo dục, rèn luyện cán bộ của mỗi tổ chức trong Quân đội.
Thế nhưng, cũng không ít nơi, nhất là ở cấp cơ sở, chính sự thiếu thống nhất trong nhận thức vận hành cơ chế, hay sự khô cứng, áp đặt trong công tác quản lý bộ đội, nhất là các biểu hiện mệnh lệnh hóa, hành chính hóa... đã vô hình trung tạo ra môi trường bất lợi, thậm chí là bó buộc, triệt tiêu sức sáng tạo, bầu nhiệt huyết và lòng can đảm của không ít cán bộ, chiến sĩ. Đó chính là những rào cản gây khó cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội "7 dám" trong thời gian tới.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 (Quân khu 4) vận chuyển và kê dọn đồ đạc giúp bà con khắc phục hậu quả lũ lụt.
Trong điều kiện mới, việc xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ Quân đội có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm... là giải pháp căn cơ, cần kíp, nhưng không dễ hoàn thiện một sớm, một chiều. Do vậy, về trước mắt, đội ngũ cán bộ quản lý các cấp phải sớm thống nhất về mặt nhận thức để khơi gợi, trao truyền nhiệt huyết, kích hoạt động cơ, tạo động lực đúng đắn cho đội ngũ cán bộ Quân đội học tập, rèn luyện hướng đến các nội dung “7 dám”. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp phải quyết liệt bảo vệ và trọng dụng những cán bộ trách nhiệm, năng nổ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám vượt lên khó khăn... vì lợi ích chung.
Đại tá Nguyễn Văn Trị, Phó chính ủy Binh chủng Thông tin Liên lạc:
Vinh dự càng lớn, trách nhiệm phải càng cao
Cách đây hơn 2,5 năm, tại Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám” - dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Lần này, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Quân ủy Trung ương và chỉ rõ tinh thần “7 dám” trong xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu cao hơn một mức so với “6 dám” của đội ngũ cán bộ nói chung. Đây cũng là sự tin tưởng rất cao của lãnh đạo Đảng dành cho cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sở dĩ, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu cao hơn là bởi, cán bộ, chiến sĩ Quân đội là những chủ thể được tiếp nối, thụ hưởng những giá trị truyền thống vẻ vang của Quân đội anh hùng; là đội quân tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; là công cụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, sự nghiệp cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa... Một đội quân với sứ mệnh to lớn, lại hoạt động trong điều kiện, lĩnh vực đặc thù, thì càng đòi hỏi mỗi người phải có bản lĩnh vững vàng, nhãn quan chính trị sâu rộng; có tinh thần dấn thân, chấp nhận hy sinh vì lợi ích chung trong bất luận mọi tình huống. Chỉ có những cán bộ “7 dám” như thế, mới có thể góp phần hoàn thành sứ mệnh của một đội quân cách mạng, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Chỉ đạo về xây dựng cán bộ Quân đội “7 dám” thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược sâu rộng trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của Quân đội; đồng thời xuất phát từ thực tế đang đòi hỏi, như Tổng Bí thư phân tích và yêu cầu: Gần đây, chúng ta nói nhiều đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tôi yêu cầu, trong Quân đội tuyệt đối không để tình trạng này xảy ra, bởi người cán bộ, chỉ huy quân sự mà thiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống...
Quán triệt tinh thần đó, hơn lúc nào hết, cán bộ chiến sĩ Quân đội phải nhận thức đầy đủ: Vinh dự, tự hào càng lớn thì trách nhiệm càng nặng nề. Theo đó, chỉ đạo của Tổng Bí thư cần được cụ thể hóa vào hệ thống các chủ trương, đường lối lãnh đạo xây dựng Quân đội nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội nói riêng; tích cực cụ thể hóa vào thực tiễn hoạt động quân sự, nhất là việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng trong toàn quân. Về trước mắt, rất cần sớm khởi tạo một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thực chất để toàn quân “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Đại tá, PGS, TS Đỗ Duy Môn, Khoa Tâm lý học, Học viện Chính trị:
Tháo gỡ rào cản tư duy và tâm lý tiêu cực
Thực hiện tinh thần xây dựng cán bộ Quân đội “7 dám” là phần việc tất yếu phải làm, và phải làm bằng nỗ lực, quyết tâm cao nhất. Thế nhưng, để làm tốt điều đó, trước hết, chúng ta cần nhận thức đầy đủ về rào cản trong nhận thức, tư duy và tâm lý của mỗi cán bộ, chiến sĩ để mở ra những hướng đi đúng đắn, hiệu quả.
Dễ nhận thấy, hiện nay, không ít cán bộ Quân đội, nhất là ở cấp cơ sở thường có tư tưởng an phận thủ thường. Một bộ phận cán bộ Quân đội do vị trí công tác thấp, trần quân hàm bị giới hạn... nên thường sinh ra tâm lý phó mặc số phận cho tổ chức, miễn cưỡng chấp nhận những gì cuộc sống đã có, đang có; hài lòng và mãn nguyện với chức trách, cương vị được giao. Bởi thế, những cán bộ đấy không còn, không có bất cứ nhu cầu dấn thân hay sáng tạo nào nữa. Họ tuyệt nhiên dùng những gì “có sẵn” dù nó đã quá cũ kỹ, lỗi thời.
Tiếp đến là biểu hiện tâm lý “sợ thất bại” cũng mang đến nhiều hệ lụy, gây khó cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”. Chính tâm lý “sợ thất bại” khiến cho cán bộ, chiến sĩ trở thành những cá nhân lười biếng, nhát gan, không dám khám phá, không dám đối diện với những khó khăn, thử thách, không dám đón nhận cái mới, dần dần sẽ làm thui chột lòng nhiệt huyết và sức sáng tạo.
Một biểu hiện nữa là tư tưởng ỷ lại vào tổ chức và trông chờ người khác; nhất là trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Đây là biểu hiện tâm lý hết sức lo ngại. Bởi lẽ, khi cán bộ, chiến sĩ ỷ lại vào cấp trên, tổ chức và người khác, sẽ khiến bản thân trở nên chậm chạp, không muốn động não. Cũng vì thế, khả năng tư duy sáng tạo vốn có sẽ bị vơi dần hoặc biến mất.
Tôi cho rằng, để thực hiện tinh thần “7 dám”, mỗi cán bộ, chiến sĩ hãy tự mình nhận thức lại, đánh giá lại bản thân và hãy gạt bỏ những biểu hiện tâm lý tiêu cực như vừa nêu ở trên. Từng người hãy học cách nhìn rộng ra, cao hơn và sâu hơn. Hãy biết đặt ra các mục tiêu không ngừng phát triển-mục tiêu sau phải cao hơn mục tiêu trước. Hay nói cách khác là phải tự xây dựng cho mình một chiến lược, một tầm nhìn. Khi làm được điều đó, mỗi người sẽ có cơ sở vạch ra những kế hoạch dài hạn và có hướng thực hiện kế hoạch đó. Ấy chính là động lực cho tư duy sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với khó khăn, gian khổ... vì lợi ích chung.
Thượng tá Nguyễn Đình Thuận, Chính ủy Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên:
Cụ thể hóa "7 dám"" vào nghị quyết lãnh đạo
Là đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, Trung đoàn 741 luôn nỗ lực phát huy truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số cán bộ, chiến sĩ, nhất là các đồng chí trẻ, còn có biểu hiện ngại khó, ngại khổ, ngại rèn luyện. Sau khi chỉ ra được những đồng chí có biểu hiện như vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Trung đoàn 741 đã triển khai nhiều biện pháp tích cực theo phân cấp; đặc biệt là các biện pháp giáo dục, kiểm tra, giám sát, từ đó kịp thời chấn chỉnh đội ngũ, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Cũng qua đó, mối quan hệ cán-binh thêm gần gũi, đoàn kết, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu, lĩnh hội, tôi nhận thức rằng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương tại Hội nghị Quân ủy Trung ương vừa qua là hoàn toàn đúng, trúng, sát với thực tiễn cơ sở. Những chỉ đạo ấy dù rất vĩ mô, có tính chiến lược, nhưng lại rất cần kíp, sát đúng, dễ vận dụng vào đơn vị chúng tôi. Vì vậy, các cấp ủy, chỉ huy các cấp đều tích cực vào cuộc; vừa chủ động nghiên cứu, quán triệt; vừa trực tiếp tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội về những chỉ đạo của Tổng Bí thư bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Đặc biệt, chúng tôi xác định, để công tác giáo dục bài bản, hiệu quả, thời gian tới, Trung đoàn 741 sẽ tổ chức quán triệt đầy đủ nội dung bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương (ngày 3-7-2023) tới 100% cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Cùng với đó, Đảng ủy Trung đoàn sẽ cụ thể hóa những chỉ đạo của Tổng Bí thư vào nghị quyết của Đảng ủy và các kế hoạch, chương trình hành động của đảng ủy, chỉ huy đơn vị; gắn với đẩy mạnh việc thực hành nêu gương của cán bộ trong thực hiện “7 dám”. Đồng thời tiếp tục quan tâm, giáo dục, rèn luyện, khích lệ, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, nỗ lực cống hiến trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, gắn với phát huy truyền thống của Quân đội và đơn vị.
Thiếu tá Võ Thành Nhân, Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị Sư đoàn 330 (Quân khu 9):
Tạo động lực để sĩ quan trẻ phấn đấu thực hiện “7 dám”
Những ngày qua, dư luận xã hội bày tỏ sự đồng thuận cho rằng, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám” là quan điểm rất đúng đắn, mang tính định hướng lâu dài đối với công tác cán bộ trong Quân đội; trong đó có việc bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, sĩ quan trẻ.
Thực tế cho thấy, trước những tác động của xã hội đương đại, sĩ quan trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc với những luồng thông tin đa chiều, phức tạp. Từ những tác động đó, không ít cán bộ trẻ, nhất là sĩ quan mới ra trường thường dễ nảy sinh tư tưởng so sánh về môi trường làm việc, thu nhập, mức sống, thời gian chăm sóc gia đình, người thân... dẫn đến việc một số sĩ quan trẻ chưa xác định tốt mục tiêu phấn đấu; chưa phát huy hết năng lực, sở trường và tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ. Trong khi đó, chính những cán bộ trẻ vừa rời ghế nhà trường, bắt đầu áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn lại có rất nhiều cơ hội để sáng tạo, tìm tòi những kiến thức mới để trau dồi, phát triển năng lực bản thân...
Theo tôi, giải quyết trở ngại này rất cần phát huy vai trò, vị trí của tập thể và sự đóng góp, hỗ trợ của đồng chí, đồng đội với tinh thần “lấy tập thể rèn cá nhân”. Một môi trường cởi mở, gắn bó, đoàn kết, trên dưới đồng lòng là điều kiện quan trọng để giải quyết tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ; tạo động lực và nguồn cổ vũ mạnh mẽ để mỗi cán bộ trẻ thêm tự tin dấn thân, cống hiến, phát huy sức trẻ, nhất là tính năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, việc quan tâm của cấp trên đối với cấp dưới và sĩ quan trẻ cũng có tác dụng hết sức tích cực trong việc cổ vũ, động viên các đối tượng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Một người đứng đầu mà biết chăm lo, khuyến khích sáng tạo, khéo dẫn dắt tập thể cùng nỗ lực thì tất yếu tạo nên môi trường thuận lợi cho việc “dám nghĩ, dám nói, dám làm” của mọi thành viên. Đó cũng là điều kiện cần thiết cho việc thực hiện triệt để, hiệu quả tinh thần xây dựng cán bộ Quân đội “7 dám” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.