Sau 49 năm các anh nằm sâu dưới lòng đất, trong tháng 7 tri ân này, hài cốt của hơn 100 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa đêm Giao thừa Tết Mậu Thân đã được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai. Trong làn khói hương nghi ngút, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và địa phương, cùng thân nhân gia đình, đồng chí, đồng đội nghiêng mình tưởng nhớ những người con trung hiếu đã hiến dâng mạng sống của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trận đánh sân bay trong đêm Giao thừa
Trận đánh vào sân bay Biên Hòa đêm 30 Tết Mậu Thân (tức đêm 31-1-1968) sắp tròn 50 năm. Hôm ấy, khoảng gần 3 giờ, sân bay Biên Hòa hứng chịu 35 quả đạn pháo phản lực DKB 122mm và 10 quả đạn cối 82mm của quân giải phóng. Lửa trùm lên bãi đậu máy bay và một số nơi ở của quân địch. Biết địch đang rất hoảng sợ, cấp trên lệnh cho Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5) đồng loạt tấn công vào phía đông sân bay theo 4 mũi. Lực lượng địch trong sân bay hốt hoảng nổ súng chống trả. Hơn một giờ chiến đấu với địch, quân ta đã xuyên được qua hàng rào sân bay, tiến tới phía đông của đường băng. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, quân địch bị tiêu diệt nhiều, nhưng cán bộ, chiến sĩ của ta cũng thương vong không nhỏ.
Sáng sớm 31-1, quân ta bắt đầu rút ra khỏi sân bay. Lúc này, địch liên tục điều quân đến khu vực sân bay, gồm: Một tiểu đoàn của Sư đoàn dù 101 (Mỹ), một Chi đội thiết giáp của Sư đoàn 9 (Mỹ). Trong khi đó, máy bay trực thăng, máy bay AC47, pháo binh địch bắn phá vào đội hình của ta rất dữ dội. Đến trưa cùng ngày, địch tập trung quân tới xóm Đồng Lách, nằm ở phía đông sân bay. Đây là nơi quân ta đang tập kết sau khi rút từ sân bay Biên Hòa ra. Vì thế, trận đánh giữa hai bên diễn ra rất ác liệt. Trong khi Đại đội 238 bộ đội địa phương có nhiệm vụ tiến công căn cứ sở chỉ huy Quân đoàn 3 của Việt Nam cộng hòa (ở phía đông nam sân bay), cũng không vượt qua được hàng rào căn cứ. Thượng tá Trần Văn Chín, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Trung đội phó trinh sát thuộc Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5, Quân khu 7) kể lại: "Khi tiến vào khu vực sân bay, chúng tôi gặp phải sự kháng cự mạnh của địch. Khi địch tăng thêm viện binh, nếu ta tiếp tục chiến đấu thì thương vong sẽ càng lớn do lực lượng mỏng. Vì vậy, chỉ huy đơn vị quyết định rút ra nơi an toàn".
Đến khoảng 16 giờ 40 phút, quân ta phải rút lui hoàn toàn khỏi khu vực sân bay Biên Hòa để tránh tổn thất lớn. Phía Mỹ thống kê có 139 thi thể Bộ đội Việt Nam trong khu vực hàng rào sân bay Biên Hòa và bắt giữ 25 cán bộ, chiến sĩ. Trận đánh này ta đã tiêu diệt 49 xe tăng, thiết giáp; 5 máy bay của địch; làm thương vong hàng trăm Mỹ, ngụy. Tuy chưa đạt được mục tiêu chiếm được sân bay nhưng trận đánh đã làm cho quân thù kinh hồn, bạt vía, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Mậu Thân lịch sử.
Hành trình tìm hài cốt liệt sĩ
Chiến tranh đã lùi xa gần một nửa thế kỷ, nhưng hình ảnh những đồng đội ngã xuống trong trận đánh sân bay Biên Hòa hơn 49 năm về trước vẫn khiến các cựu chiến binh trăn trở, khắc khoải. Làm sao tìm được các anh để đưa về nghĩa trang yên nghỉ? Câu hỏi này cứ xoáy vào tim, khắc vào óc của không ít đồng đội, đồng chí...
Tháng 10-2014, ông Chế Trung Hiếu, nguyên Đại đội trưởng trinh sát của tỉnh Quảng Nam trước đây giới thiệu với cơ quan chức năng về hai ông: Bob Connor, nguyên trung sĩ cảnh sát bảo vệ sân bay Biên Hòa giai đoạn 1967-1968 và Martin Estrones, nguyên đại tá phụ trách quốc phòng, trực tiếp đánh giá tình hình thương vong sau trận đánh ngày 31-1-1968 ở sân bay Biên Hòa. Hai ông hiện đang sống ở Mỹ và đã nhiều lần cung cấp thông tin về một hố chôn tập thể quân giải phóng tại sân bay Biên Hòa. Mặt khác, tháng 5-2016, ông Nguyễn Trọng Khiêm (ở Từ Sơn, Bắc Ninh), nguyên phân đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 1, U1 đặc công Biên Hòa, tham gia phối hợp chiến đấu với Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5) vào sân bay cũng cung cấp thông tin về số cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận chiến đấu này.
Qua thu thập thông tin, dữ liệu, được phép của cơ quan có thẩm quyền, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai quyết định mời hai ông Bob connor và Martin Estrones sang Việt Nam giúp đỡ việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Cùng với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng (thành viên diễn đàn VMH Online-lịch sử quân sự Việt Nam) và các cựu chiến binh, hai cựu chiến binh Mỹ đã tận tình giúp đỡ các lực lượng chức năng của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ nhân đạo này.
Sân bay Biên Hòa mùa khô năm 2017 nóng như rang. Nắng từ trên cao hầm hập đổ xuống. Hơi nóng từ mặt đường băng, sân đậu máy bay ngùn ngụt bốc lên. Tất cả sự khắc nghiệt của thiên nhiên ập vào lực lượng tìm kiếm. Khu vực dự đoán là ngôi mộ chung của các liệt sĩ cây cối mọc um tùm, rất khó xác định trên bản đồ. Trước hết, các chiến sĩ công binh phải dùng thiết bị rà phá bom mìn trên từng mét đất. Sáng 16-3-2017, công việc đào bới tìm hài cốt liệt sĩ chính thức bắt đầu. Các chiến sĩ dùng leng, cuốc gợn từng lớp đất lên. Ai cũng thật nhẹ nhàng, chỉ sợ đụng phải các bác, các chú. Ngày 19-3, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến thị sát, động viên các lực lượng tìm kiếm. Hai cựu binh Mỹ theo sát từng đường đào và rất xúc động khi được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình mời dùng bữa.
Công việc tìm kiếm phải chạy đua với thời gian để tránh mùa mưa. Gần một tháng trôi qua, công tác tìm kiếm vẫn chưa có kết quả. Không nản, các chiến sĩ vẫn kiên trì đào bới, tìm kiếm. Những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt nhạt nhòa rơi xuống... Đến 9 giờ 45 phút ngày 13-4-2017, cả trăm người có mặt tại hiện trường như vỡ òa khi những di vật đầu tiên của liệt sĩ được tìm thấy dưới lớp đất sâu gần 3m. Đây những chiếc dép nhựa, những chiếc dây súng, bi-đông đựng nước, có cả đôi nhẫn màu vàng của ai đó... Rồi những mẩu xương không lành lặn, những đám đất “đổi màu” cũng lộ ra ngày càng nhiều. Nước mắt của lực lượng tìm kiếm lại lăn dài trong niềm vui tìm thấy đồng đội. Sau hơn 10 ngày cất bốc, hơn 100 hài cốt liệt sĩ đã được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai chờ ngày cải táng. Vừa lần sờ từng di vật, Cựu chiến binh Lê Mạnh Dũng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 (U1) đặc công Biên Hòa vừa khóc như chưa bao giờ được khóc... Sao không thể không khóc được, bởi đó chính là đồng đội, đồng chí, những người mà trước trận đánh vẫn đang rất hồn nhiên, vui vẻ; những người mà phía trước họ là chân trời tương lai rộng mở đang chờ đón sau ngày chiến thắng...
Tổ quốc mãi khắc ghi
Tối 11-7, buổi giao lưu "Nghĩa tình đồng đội và tri ân", gặp mặt thân nhân gia đình các liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa 49 hơn năm trước và các nhân chứng diễn ra tràn đầy cảm xúc. Di ảnh của các liệt sĩ được người thân ôm chặt trong lòng cùng những nắm đất quê hương, khiến cho những người có mặt rơi lệ. Các anh đã chiến đấu và ngã xuống giữa miền Nam "Thành đồng Tổ quốc", để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho những người đang sống. Những cựu chiến binh và nhân chứng đã tham gia trận đánh, tham gia tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ đã kể những câu chuyện tràn đầy niềm tự hào và xúc động.
Sáng 12-7, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai ngập tràn hương hoa. Sự có mặt của những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện chính quyền các địa phương, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân thể hiện rõ tấm lòng, sự tri ân đối với các liệt sĩ. Bà Tạ Thị Kiều Chung, 75 tuổi, nhà ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là vợ của liệt sĩ Lê Hữu Lễ nói trong dòng lệ: "Đã gần 50 năm kể từ ngày vợ chồng tôi gặp nhau ở chiến khu Dương Minh Châu, nay mới lại được gặp anh. Xin cám ơn đồng đội của anh, cám ơn Quân khu 7, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã cho gia đình tôi niềm hạnh phúc này". Ôm di ảnh anh ruột là liệt sĩ Bùi Xuân Thược, quê ở xã Gia Xuân (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), bà Bùi Thị Cải giàn giụa nước mắt: "Gia đình tôi ngóng tin anh Thược hơn 50 năm rồi. Sau nửa thế kỷ xa cách, nay các anh đã về với gia đình, với đồng đội...".
Nguồn: qdnd.vn