PV: Sau 3 năm Đồng Nai được thí điểm triển khai xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, xin đồng chí đánh giá kết quả chính đạt được?
Đại tá Trần Ngọc Khải: Vào trung tuần tháng 5- 2014, lợi dụng sự kiện "nóng", một số phần tử đã kích động lôi kéo hơn 20.000 công nhân lao động ở Đồng Nai biểu tình, tuần hành, cá biệt chúng còn đập phá một số doanh nghiệp trên địa bàn TP. Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom gây thiệt hại các doanh nghiệp khoảng 377 tỷ đồng.
Mặc dù trước đây, LLVT tỉnh Đồng Nai đã từng xây dựng các đội tự vệ tại các khu công nghiệp (KCN) nhưng do tính chất hoạt động, hiệu quả còn kém. Qua sự kiện trên, vai trò của đội tự vệ trong doanh nghiệp được khẳng định, đặc biệt là lượng tự vệ của Công ty Vedan hoạt động hiệu quả, bảo vệ được chính doanh nghiệp của mình mà không bị các lực lượng kích động đập phá, nhận được sự tin tưởng của chủ doanh nghiệp.
Xét về vai trò, lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp FDI không cách ly sản xuất, vẫn duy trì sản xuất nhưng khi có sự việc xảy ra thì tự vệ là người của lực lượng vũ trang đứng ra bảo vệ chính nơi sản xuất của mình để ổn định. Như vậy, phần lợi là chúng ta đã xây dựng nhiều tầng, nhiều lớp với phương châm là “nước xa không cứu được lửa gần”, do vậy, các doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình trước khi các cơ quan, đơn vị đến hỗ trợ và xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nên lực lượng này, theo tôi là cần thiết phải xây dựng và tiếp tục nhân rộng trên địa bàn cũng như những nơi có nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
PV: Thưa đồng chí, kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua ở Đồng Nai là gì?
Đại tá Trần Ngọc Khải: Trước hết phải nói đến sự quan tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thuận cao các chủ doanh nghiệp, với sự góp phần tích cực các sở, ngành của tỉnh cùng Ban quản lý các KCN, các công ty hạ tầng KCN và nhất là sự đồng tình của toàn thể công nhân trong việc hoạt động bảo vệ doanh nghiệp.
Kinh nghiệm thứ hai là cơ quan quân sự các cấp phải tích cực, chủ động, coi tự vệ trong doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an toàn và nhanh chóng xử lý nhanh ngay tại các công ty, xí nghiệp, góp phần cùng địa phương và các lực lượng chức năng khác bảo vệ an toàn các khu công nghiệp, góp phần ổn định môi trường đầu tư, cũng như sản xuất kinh doanh và chính quyền lợi mà người công nhân được hưởng từ các sản phẩm mà họ làm ra.
Thứ ba, là vai trò của các sở, ngành, địa phương phải chung tay góp sức, không riêng quân sự mà phải đồng loạt cả hệ thống chính trị cùng góp phần xây dựng hoạt động của lực lượng tự vệ ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả.
PV: Như vậy, hiện nay 35/36 đơn vị tự vệ được xây dựng trong doanh nghiệp FDI có tổ chức Đảng, việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp FDI như thế nào?
Đại tá Trần Ngọc Khải: Đây là việc làm đúng quy định của Luật DQTV. Điều kiện cần thiết đầu tiên khi xây dựng lực lượng tự vệ là phải có tổ chức Đảng. Trước đây ta xây dựng thì có 4 đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp 100% vốn FDI chưa có tổ chức Đảng. Sau khi có Nghị định 98 của Chính phủ thì từng bước ta xây dựng các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp. Do vậy, sự lãnh đạo của Đảng đối với loại hình doanh nghiệp này chúng ta phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo để làm sao đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng tự vệ thống nhất theo quy định.
PV: Để tiếp tục xây dựng, nhân rộng và phát triển lực lượng này trong các doanh nghiệp FDI có tổ chức Đảng và doanh nghiệp FDI toàn tỉnh trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì, thưa đồng chí?
Đại tá Trần Ngọc Khải: Đối với Đồng Nai, theo luật định, sẽ phải xây dựng lực lượng tự vệ ở tất cả các doanh nghiệp FDI có tổ chức Đảng và theo Nghị định 98 ta phải xây dựng lực lượng này khi doanh nghiệp FDI thành lập được tổ chức Đảng.
Còn đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng mà theo yêu cầu của giới chủ thì ta vẫn xây dựng và sau đó từng bước đưa các đảng viên vào làm việc, sinh hoạt trong các doanh nghiệp này. Nghĩa là ta xây dựng song song giữa đơn vị lực lượng vũ trang và tổ chức Đảng để có sự lãnh đạo đồng bộ đối với tự vệ. Về mặt chuyên môn, cơ quan quân sự sẽ chỉ huy trực tiếp; đối với mặt lãnh đạo cần phải có sự chung tay, góp sức của các tổ chức Đảng ở địa phương, Liên đoàn Lao động.... thì mới thực hiện đồng bộ và phát triển thêm lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp FDI, xây dựng các mô hình để Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 nhân rộng trong thời gian tới.
Lực lượng tự vệ một số doanh nghiệp FDI huấn luyện
Để xây dựng được lực lượng này trong doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng theo yêu cầu của giới chủ thì một mình cơ quan quân sự không thể làm được mà phải từ kinh nghiệm xây dựng ở những doanh nghiệp Đài Loan trước đây. Bộ CHQS tỉnh sẽ phối hợp với cấp ủy địa phương, nơi doanh nghiệp đứng chân, Đảng ủy khối doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và các công ty kinh doanh hạ tầng... để tiếp tục vận động, xây dựng lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp FDI ngày càng vững mạnh rộng khắp theo quy định của Luật DQTV.
PV: Xin cám ơn đồng chí!