(QK7 Online) - Thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã trải qua một hành trình dài từ những ngày tháng chiến tranh đầy khó khăn đến sự phát triển mạnh mẽ trong thời đại mới. Sự chuyển mình này không chỉ thể hiện ở cảnh quan đô thị, mà còn ở tinh thần và văn hóa của người dân nơi đây.
Những ngày tháng không quên
Ngược dòng lịch sử vào nửa cuối năm 1974, cục diện chiến tranh trên chiến trường miền Nam có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Nắm bắt thời cơ, Trung ương Đảng hạ quyết tâm chiến lược sẽ giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976. Trong đó năm 1975 sẽ tranh thủ thời cơ, mở cuộc tiến công lớn và rộng khắp, tiếp tục “tạo thế, tạo lực” để năm 1976 thực hiện tổng công kích, giành toàn thắng.
Chấp hành nghị quyết của Trung ương, ngay đầu mùa khô 1974 - 1975, quân dân ta trên chiến trường miền Nam đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh quân sự. Tại miền Đông Nam Bộ, từ tháng 10/1974, Bộ Tư lệnh Miền quyết định giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 (vừa mới thành lập ngày 20/7/1974) cùng với lực lượng địa phương ở Bình Phước mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; mở rộng vùng giải phóng, mở rộng đầu cầu tuyến hành lang chi viện chiến lược 559; tạo bàn đạp thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực sẵn sàng tiến công Sài Gòn. Trong đó, có đặt ra mục tiêu giải phóng chi khu Đồng Xoài và toàn bộ quận lỵ Đôn Luân, tạo ra hành lang chiến lược thông suốt từ biên giới Campuchia, Nam Trường Sơn vào chiến khu D.
Thực hiện nhiệm vụ trên, quân và dân Bình Phước khẩn trương chuẩn bị mọi mặt. Ở vùng địch chiếm, các đội công tác và các đoàn cán bộ ngày đêm bám địa bàn, củng cố lực lượng, tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng, vận động đưa dân ra vùng giải phóng. Ở trong căn cứ, vận động Nhân dân khẩn trương thu hoạch vụ mùa, xây dựng hầm chống bom, pháo, xây dựng hệ thống làng, xã chiến đấu, chuẩn bị vùng an toàn để đón dân vùng địch chiếm bung ra; củng cố các đội du kích ở cơ sở; huy động hàng ngàn dân công để vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược, thuốc men phục vụ chiến dịch.
Cán bộ Bộ Tư lệnh chiến dịch Đồng Xoài vượt sông vào vị trí tập kết chiến dịch. (ảnh: Tư liệu)
Sau khi mở màn chiến dịch Đường 14 - Phước Long vào đêm 12, rạng sáng ngày 13/12/1974 ta đã và nhanh chóng giải phóng Bù Đăng (14/12/1974). Đồng thời bao vây, cô lập quân địch ở Chi khu Đồng Xoài. Nắm bắt thời cơ, quân ta đã chủ động chuẩn bị về mọi mặt và quyết tâm tiến công tiêu diệt căn cứ điểm của địch ở Đồng Xoài.
Đúng 5 giờ 35 phút ngày 26/12/1974, Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cùng một số đơn vị bộ binh, pháo binh và bộ đội địa phương, dân quân du kích bắt đầu nổ súng tấn công Chi khu Đồng Xoài. Với tinh thần quyết tâm cao, quân ta nhanh chóng đánh chiếm đồn Tà Bế, các bót dân vệ ở phía Bắc và phát triển vào trung tâm Chi khu; buộc Chi khu trưởng và tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 341 bảo an tháo chạy, bị ta bắt gọn. Số địch còn lại ở Chi khu ngoan cố chống trả, quân ta đã liên tục tổ chức đột phá chiếm từng khu vực. Sau 2 giờ chiến đấu, quân ta hoàn toàn làm chủ Chi khu. Sau đó, quân ta tiến công tiêu diệt đồn bảo an Cầu Hai của địch, Quận lỵ Đôn Luân hoàn toàn được giải phóng.
Thắng lợi Đồng Xoài đã làm cho tương quan lực lượng chiến dịch thay đổi có tính chất đột biến theo hướng hoàn toàn có lợi cho cách mạng. Địch bị mất hai khu vực quan trọng là Bù Đăng và Đồng Xoài, làm cho trung tâm tỉnh lỵ Phước Long nằm trong tình thế bị bao vây, cô lập hoàn toàn. Đây là cơ hội lớn cho quân ta tiếp tục mở đợt tấn công tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng hoàn toàn Phước Long vào ngày 6/1/1975, đánh dấu thắng lợi của chiến dịch Đường 14 - Phước Long, “Đòn trinh sát chiến lược” để Bộ Chính trị củng cố quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Di tích quốc gia “Địa điểm ghi dấu chiến thắng Đồng Xoài” tại phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài. (ảnh: Minh An)
Diện mạo mới của Đồng Xoài sau 50 năm giải phóng
Chiến tranh đã lùi xa trọn nửa thế kỷ, những vết thương do bom cày, đạn xới năm xưa nay đã lành lặn, chỉ còn để lại những di tích của một thời oanh liệt. Bình Phước hôm nay mang trên mình một màu xanh mới, sức sống mới của những con đường thênh thang, những hàng cao su thẳng tắp, những khu công nghiệp, nhà máy chế biến, những ngôi nhà khang trang.
Trên quê hương “Đồng Xoài rực lửa chiến công” năm xưa, nay đã có hình dáng của một thành phố “Hiện đại, sinh thái, thông minh”, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh Bình Phước. Trải qua 50 năm giải phóng, đặc biệt là sau 6 năm thành lập thành phố, Đồng Xoài hôm nay đã có nhiều thay đổi, đạt được nhiều thành tích trên các lĩnh vực.
Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân hàng năm đạt trên 15%; các trung tâm thương mại, các ngân hàng, hệ thống siêu thị, khách sạn, nhà hàng phát triển mạnh, đã góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, phù hợp với xu thế phát triển đô thị. Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị được chú trọng, tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội. Hạ tầng giao thông đô thị phát triển, nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp. Điểm sáng nổi bật là phong trào Dân vận khéo “Việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến” của cả hệ thống chính trị thành phố, tạo sức lan tỏa, hiệu triệu cao, được Nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng, với gần 116 ha đất đã được hiến, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 926 tỷ đồng.
Trải qua 50 năm giải phóng, Đồng Xoài đã có nhiều thay đổi mới, đạt nhiều thành tích cao trên mọi lĩnh vực. (ảnh: Tỉnh ủy Bình Phước)
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được triển khai đồng bộ; các thiết chế văn hoá từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của người dân; nhiều tiểu công viên, hoa viên và quảng trường thành phố đã đưa vào hoạt động, phục vụ Nhân dân. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng trường học thông minh, gắn với dạy học song ngữ. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng cao. Các chính sách xã hội được thực hiện chu đáo, đầy đủ. Đặc biệt, lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nội chính được đảm bảo và giữ vững ổn định. Lĩnh vực cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, góp phần phục vụ Nhân dân tốt hơn; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến “xây tổ”, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố.
Phát huy truyền thống “Đồng Xoài rực lửa chiến công”, cùng với tinh thần đoàn kết và quyết tâm, Thành phố Đồng Xoài đang không ngừng vươn lên, khẳng định vị thế trong sự nghiệp xây dựng và phát triển chung tỉnh Bình Phước.
Hằng Ny