Hình minh họa
Lâm Đồng chính thức phê duyệt dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương hơn 17.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định số 669/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1).
Theo quyết định, dự án có tổng chiều dài khoảng 73,62 km. Trong đó, điểm đầu tại vị trí khoảng Km126+484,93 thuộc địa phận phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Trùng điểm cuối cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (Km125+675).
Điểm cuối của tuyến đường tại vị trí khoảng Km200+100, giao với cao tốc Liên Khương - Prenn (Km208+650) thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Hướng tuyến của dự án từ điểm đầu (trùng với điểm cuối cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc) tuyến đi song song bên trái QL.20 khoảng cách trung bình khoảng 2-5km, đi qua địa phận thành phố Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Đến khu vực sân bay Liên Khương tuyến đi vòng lên phía Bắc sân bay và kết nối với cao tốc Liên Khương - Đèo Prenn tại vị trí khoảng Km200+100.
Long An tái khởi động tuyến đường 1.900 tỷ đồng nối với TP.HCM
Sau thời gian tạm dừng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và nguồn vốn, tỉnh Long An chính thức tái khởi động dự án nâng cấp, cải tạo tuyến Đường tỉnh 830C – trục giao thông quan trọng kết nối huyện Bến Lức với TP.HCM và các khu công nghiệp trọng điểm.
Dự án có chiều dài khoảng 9km, đi qua các xã Tân Bửu, Thanh Phú, Mỹ Yên và thị trấn Bến Lức. Theo kế hoạch điều chỉnh, tổng vốn đầu tư được nâng từ 971 tỷ đồng lên 1.851 tỷ đồng, gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 1.100 tỷ đồng – phần lớn dùng để chi trả đền bù cho người dân và thu hồi đất phục vụ dự án.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp II, trong đó: Đoạn từ đường Nguyễn Hữu Thọ đến Nguyễn Văn Tiếp (0,7km) sẽ giữ nguyên hiện trạng với mặt đường bê tông nhựa rộng 12m, nền đường 22m. Đoạn từ Nguyễn Văn Tiếp đến ranh TP.HCM (8,3km) sẽ được nâng cấp toàn diện, với mặt đường rộng 20m, nền đường rộng 30m, kèm theo hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh và chiếu sáng đồng bộ.
Phê duyệt điều chỉnh giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành
Những nội dung điều chỉnh lần này tập trung vào việc phân định lại chủ đầu tư các hạng mục thành phần và điều chỉnh tổng mức đầu tư, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm quốc gia.
Một trong những điểm thay đổi lớn là việc xác định lại chủ đầu tư của Dự án thành phần 4 – nhóm các công trình dịch vụ hàng không.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ giữ vai trò tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho 4 nhóm hạng mục gồm: hệ thống ống dẫn nhiên liệu từ cảng đầu nguồn tới ranh giới cảng hàng không; thành phố cảng hàng không; khu công nghiệp hàng không và trung tâm điều hành hãng hàng không.
Bộ Xây dựng sẽ phụ trách việc lựa chọn nhà đầu tư cho các hạng mục như khu bảo trì tàu bay (gồm 4 hangar), nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh và các kho giao nhận hàng hóa số 5 đến số 8.
Trong khi đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ trực tiếp đầu tư các hạng mục gồm: kho giao nhận hàng hóa số 1 đến số 4, hệ thống điện mặt trời và hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với các công trình dịch vụ hàng không.
Đề xuất gần 1.200 tỷ đồng hoàn thiện hầm xuyên núi dài nhất trên cao tốc Bắc – Nam
Hầm Núi Vung – công trình xuyên núi dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo – sắp được đầu tư hoàn thiện với tổng kinh phí đề xuất gần 1.200 tỷ đồng.
Theo nội dung đề xuất, dự án sẽ tập trung hoàn thiện ống hầm bên trái (hiện mới chỉ xây dựng phần vỏ hầm). Các hạng mục gồm hoàn thiện bê tông mặt đường, lắp đặt đầy đủ hệ thống thiết bị hiện đại như thông gió, chiếu sáng, camera giám sát (CCTV), hệ thống giao thông thông minh (ITS) và các thiết bị an toàn.
Bên cạnh đó, để kết nối đồng bộ với ống hầm đã khai thác, dự án cũng đề xuất xây dựng mới một loạt cầu và đường dẫn: Phía Bắc hầm Núi Vung: Xây cầu Bắc hầm 1 dài 240m, cầu Bắc hầm 2 dài 500m và 521m đường dẫn. Phía Nam hầm: Xây cầu Nam hầm 1 dài 1.000m cùng 521m đường dẫn.
Toàn bộ các hạng mục đều được thiết kế theo quy mô hoàn chỉnh với 6 làn xe, đảm bảo khai thác tốc độ cao, an toàn và thông suốt cho toàn tuyến. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, dự kiến thi công từ 2025 Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là gần 1.200 tỷ đồng, đề xuất sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025 đến 2027.
Hoàng An