Chỉ đạo trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại phiên họp mới đây của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Làm toa xe, đầu máy ngay tại Việt Nam
Theo Thủ tướng, các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mới có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, đặc biệt đường sắt tốc độ cao lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt
Trong số các dự án đường sắt quan trọng đang được xúc tiến, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km từ Hà Nội đến TP.HCM, với tốc độ thiết kế 350km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 1,713 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ 2025 - 2035.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, khổ 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa; tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km, tuyến nhánh 27,9km; tổng mức đầu tư 8,369 tỷ USD; giai đoạn 1 đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi. Thời gian thực hiện từ 2025 - 2030.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; tổng chiều dài khoảng 156km.
Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh; kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; tổng chiều dài tuyến khoảng 187km.
Ngoài ra, theo Nghị quyết số 188 của Quốc hội, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị; TP.HCM dự kiến sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư các dự án đường sắt và phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
“Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đầu máy, toa xe… đường sắt tốc độ cao sẽ sản xuất ngay tại Việt Nam
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp đường sắt. Có các giải pháp huy động, đa dạng hóa nguồn lực, gồm vốn nhà nước, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, hợp tác công tư, khai thác TOD…
Theo đó, Bộ Xây dựng xây dựng nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt.
Đồng thời, xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Xây dựng xây dựng Nghị định hướng dẫn cho phép chủ đầu tư được triển khai thực hiện đồng thời việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Các đề án phát triển công nghiệp đường sắt cần nghiên cứu, tham khảo các bài học kinh nghiệm quốc tế.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công tháng 12/2026.
Bộ Tư pháp có ý kiến về áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị định về thiết kế tổng thể trong đầu tháng 4. Đồng thời các bộ, ngành kịp thời có ý kiến sau khi Bộ Xây dựng xin ý kiến về dự thảo Nghị định.
Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hàng loạt tập đoàn lớn như Thaco, Hòa Phát, Đèo Cả… đã chủ động nghiên cứu, phát triển các thiết bị quan trọng phục vụ dự án này. Đơn cử, Hòa Phát nghiên cứu sản xuất ray tàu, trong khi Thaco và Đèo Cả mong muốn chế tạo toa tàu.
Tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt với chương trình phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam” vừa được Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh đã thông tin cụ thể về định hướng phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, nhu cầu về sản phẩm công nghiệp đường sắt tập trung ở 4 nhóm chính gồm: hạ tầng, đầu máy - toa xe, hệ thống tín hiệu và hệ thống điện sức kéo.
Nhóm công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt, cần cung cấp vật tư đường sắt dự kiến khoảng 28,7 triệu mét ray thép; 11.680 bộ ghi; 46 triệu thanh tà vẹt.
Nhóm đầu máy, toa xe theo khổ đường. Nhóm đầu máy, đến năm 2030 cần 15 chiếc đầu máy khổ 1.000mm, 250 chiếc khổ 1.435mm; đến năm 2045 con số này lần lượt là 150 chiếc và 2.000 chiếc. Tương tự với toa xe, đến năm 2030, cần 26 chiếc khổ 1.000mm, 1.760 chiếc khổ 1.435mm. Đến năm 2045 con số này lần lượt là 160 chiếc và 10.144 chiếc.
Nhóm hệ thống thông tin, tín hiệu dùng cho đường sắt hiện hữu và đường sắt điện khí hóa.
Nhóm hệ thống điện sức kéo, dự kiến đầu tư xây dựng mới 18 tuyến đường sắt điện khí; hệ thống cấp điện cho đường sắt quốc gia là nguồn điện xoay chiều 1 pha 25kV.
Tham luận tại hội nghị, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực xây lắp, viễn thông, thép, công nghiệp ô tô… khẳng định sẵn sàng nguồn lực để tham gia thị trường công nghiệp đường sắt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều cho rằng Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thuận lợi cụ thể về thuế, ưu đãi vốn vay hay chỉ định thầu.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hòa Phát khẳng định doanh nghiệp có thể làm chủ công nghệ sản xuất ray chất lượng cao. Hòa Phát đã đầu tư dự án sản xuất ray, dự kiến cuối năm 2027 sẽ ra mắt sản phẩm đầu tiên.
Doanh nghiệp thép này kiến nghị Chính phủ đặt hàng doanh nghiệp thực hiện để có đảm bảo về đầu ra sản phẩm. Cùng đó, các cơ quan thẩm quyền cần sớm có tiêu chuẩn, quy chuẩn các loại ray cho các loại hình đường sắt, cho phép doanh nghiệp tham gia sâu cùng với các bộ phận kỹ thuật để sản xuất sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo chất lượng cao.
Liên quan đến sản xuất phương tiện đầu máy, toa xe, Thaco cho biết hoàn toàn có thể tham gia sản xuất toa xe. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai…
Trước các kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết sẽ tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, báo cáo cấp thẩm quyền để đưa ra chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án đường sắt hiện đại trong thời gian tới.
Hữu Việt