(QK7 Online) - Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, hàng triệu chiến sĩ và Nhân dân đã hy sinh, do điều kiện chiến tranh ác liệt, rất nhiều trường hợp chưa thể xác định danh tính, thống kê đầy đủ; việc tổ chức lễ giỗ tập thể người hy sinh cho đất nước theo truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc là việc đáng trân trọng, cần gìn giữ và phát huy để tưởng niệm, tri ân những người có công với đất nước, duy trì truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Ngày mùng 6 Tết Ất Tỵ, Đại tá Thái Thành Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 viếng anh linh Anh hùng, liệt sĩ tại Lễ dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 .
Ngày 17/2, ông Trần Vũ Bình, con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai cho biết, CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang khối Vũ trang – Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định đã nhận công văn số 16635-CV/VPTU của Văn phòng Thành ủy TPHCM về việc chấp thuận về việc tổ chức Lễ Giỗ tập thể Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Theo công văn trên, Thường trực Thành ủy TPHCM giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn thành phố nghiên cứu tham mưu, đề xuất việc tổ chức lễ giỗ được trang trọng, tập trung ý nghĩa tri ân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; có chia cấp độ để thực hiện, cấp Thành phố tổ chức các hoạt động tri ân, tưởng niệm chung theo quy định; cấp khối, đơn vị, tổ chức có liên quan...; cấp địa phương, cơ sở, gia đình nghiên cứu đề xuất lãnh đạo thành phố cử cán bộ tham dự và hỗ trợ kinh phí tổ chức Lễ giỗ phù hợp.
Đại tá Nguyễn Văn Bắc, Tổng biên tập báo Quân khu 7 thắp hương tri ân Anh hùng, liệt sĩ tại Lễ dâng hương tưởng niệm liệt sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (Mùng 6 Tết Ất Tỵ).
Đồng thời giao Đảng ủy Quân sự TPHCM chỉ đạo Bộ Tư lệnh TPHCM chủ trì, phối hợp với Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Lễ Giỗ tập thể Biệt động Sài Gòn - Gia Định gắn với ngày có ý nghĩa tương đồng đảm bảo trang trọng, ấm cúng, thiết thực để thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của thế hệ sau đối với những người đã hy sinh vì đất nước. Trước mắt, năm nay tổ chức lễ giỗ theo truyền thống như mọi năm.
Nhiều năm nay, vào ngày Mùng 6 Tết Nguyên đán, con cháu của các thế hệ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định cùng tụ về ngôi nhà chung tại số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 10, TP.HCM, trước đây là garage xe phục vụ hậu cần – kỹ thuật cho lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định) để thành kính dâng hương, dâng hoa.
Ông Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, lực lượng biệt động Sài Gòn trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đặc biệt là trong chiến dịch Mậu Thân 1968 đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, đến nay vẫn còn một số chiến sĩ chưa tìm được hài cốt.

Bia tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn (trên đường Lê Duẩn, Quận 1) đã hy sinh trong trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ ngày 31/1/1968.
Hoạt động thường niên này nhằm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia định đã hy sinh trong các trận đánh vào cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn năm 1968. Đó là các mục tiêu như Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ Đô, Đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất...
Lê Tiến