Hình minh họa
Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu bỏ cấp huyện, sáp nhập một số tỉnh thành
Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư ký ban hành kết luận về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Để tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị trong năm 2025 và nhiệm kỳ 2025 - 2030, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).
Xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã. Định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý 3/2025.
Thủ tướng yêu cầu làm tàu điện ngầm nối sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành
Đây là một trong những nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi phát biểu kết luận Hội nghị với các địa phương thực hiện Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phấn đấu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% trong năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm (xây dựng tàu điện ngầm từ Cần Giờ về TP.HCM và giữa sân bay Tân Sơn Nhất-sân bay Long Thành).
Khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án; sớm khơi thông nguồn lực của các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Trước đó văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Theo đó, Thủ tướng giao UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận Tải, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc biệt đầu tư tuyến đường tàu điện ngầm kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (nghiên cứu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức “chìa khóa trao tay”).
Top 5 thay đổi ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP đến người dân khi SÁP NHẬP TỈNH
Việc sáp nhập tỉnh không chỉ là câu chuyện về hành chính mà còn tác động sâu rộng đến đời sống của người dân. Từ thủ tục giấy tờ, bất động sản đến cơ hội việc làm và dịch vụ công, tất cả đều có thể bị ảnh hưởng. Dưới đây là 5 thay đổi quan trọng mà người dân cần lưu ý khi địa phương mình có kế hoạch sáp nhập.
Một trong những vấn đề đầu tiên mà người dân quan tâm là việc thay đổi địa chỉ hành chính trên các loại giấy tờ cá nhân. Nếu tỉnh bị đổi tên hoặc sáp nhập, địa chỉ trên căn cước công dân có thể cần cập nhật. Ví dụ, khi Hà Tây nhập vào Hà Nội năm 2008, người dân Hà Tây sau này làm căn cước mới đều mang địa chỉ Hà Nội. sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu địa giới hành chính thay đổi cũng phải điều chỉnh, có thể ảnh hưởng đến việc mua bán Bất động sản.
Một số tỉnh có thể bị điều chỉnh mã vùng biển số xe, ảnh hưởng đến các phương tiện đang lưu hành. Người dân nên theo dõi thông tin từ chính quyền địa phương để cập nhật các quy định mới, tránh gián đoạn khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Gần 3,5 triệu tỷ đồng tiền ngân hàng đang nằm trong bất động sản, Thống đốc NHNN đề xuất gỡ khó các dự án
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh rằng, ngành Ngân hàng cam kết góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô cũng phải được đảm bảo.
Với những diễn biến khó lường của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, đặc biệt là chính sách thương mại quốc tế và sự biến động của tỷ giá, Thống đốc cho rằng ngành ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều áp lực trong năm 2025.
Với bối cảnh này và với mục tiêu tăng trưởng bứt phá, những trọng tâm NHNN tập trung đều hành gồm: Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để có thể góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Năm nay, NHNN đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và cũng thông báo ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng để chủ động. NHNN cũng căn cứ vào mục tiêu lạm phát khoảng từ 4,5-5%, để đánh giá, theo dõi diễn biến thực tế và trường hợp kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, hoặc cao hơn để có thể có những điều chỉnh đối với tăng trưởng tín dụng.
Bình Dương chốt thời điểm thông xe tuyến đường quan trọng nối Bình Phước, Tây Ninh, Long An
Dự án đường Chơn Thành - Đức Hòa được triển khai từ năm 2009, dài 73 km với tổng kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng, đi qua Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2021, song phải dừng thi công do gặp khó khăn nguồn vốn.
Trong đó, đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Bình Dương dài 31 km dần thành hình. Đoạn này thuộc gói thầu XL01 do Tập đoàn Đèo Cả thi công. Theo báo cáo của đơn vị thi công với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, sản lượng thực lắp của toàn dự án đến nay đạt 920/1.665 tỷ đồng (đạt 55,2% giá trị hợp đồng), cơ bản đảm bảo tiến độ.
Trong đó, gói thầu XL01 sản lượng thực hiện đến nay đạt gần 70% giá trị hợp đồng. Nhà thầu thi công đang quyết tâm phấn đấu thông xe kỹ thuật trước 30-4-2025 và hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 8-2025 (rút ngắn 4 tháng so với tiến độ trong hợp đồng). Dịp này, nhà thầu thi công kiến nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng và đất, đá san lấp tại một số đoạn trong dự án.
Sáp nhập tỉnh/thành: Thị trường bất động sản biến động ra sao?
Việc sáp nhập tỉnh/thành không chỉ là quyết định về mặt hành chính mà còn tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có bất động sản. Khi một tỉnh bị sáp nhập vào tỉnh khác hoặc một thành phố được nâng cấp, thị trường bất động sản tại khu vực đó sẽ chứng kiến những biến động mạnh mẽ.
Một trong những tác động dễ thấy nhất của việc sáp nhập tỉnh là sự thay đổi về trung tâm hành chính. Khi một địa phương được chọn làm trung tâm mới của tỉnh, nơi đây sẽ thu hút dòng vốn lớn để phát triển hạ tầng, hành chính, thương mại, từ đó kéo giá Bất động sản tăng cao.
Thực tế từ các đợt sáp nhập trước đây cho thấy, giá đất tại những khu vực trở thành trung tâm hành chính mới thường tăng từ 30-50% chỉ trong thời gian ngắn. Đặc biệt, các khu đất gần trụ sở cơ quan nhà nước, khu trung tâm thương mại, hạ tầng giao thông thuận lợi thường được săn đón nhiều nhất.
Hoàng An