Dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã tăng khoảng 590.000 tỷ đồng trong hơn một năm qua.
Thông tin tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 21/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay đạt 3,48 triệu tỷ đồng.
Số liệu của NHNN trước đó cho biết, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tính đến cuối năm 2023 đạt 2,89 triệu tỷ đồng. Như vậy, lượng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực này đã tăng thêm khoảng 590.000 tỷ đồng chỉ trong vòng hơn 1 năm, tương đương với mức tăng trưởng khoảng 20%.
Theo Thống đốc, hiện rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Do đó, nếu tháo gỡ được sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, tăng lưu thông dòng tiền, hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng.
Cũng theo Thống đốc, ngành ngân hàng đã phân bổ một phần nguồn lực tài chính cho tín dụng nhà ở, nhưng mức giải ngân 120.000 tỷ đồng vẫn còn hạn chế. Bà nhấn mạnh rằng không phải tất cả người có thu nhập thấp đều mong muốn vay vốn để mua nhà.
Do đó, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng cùng các địa phương đánh giá nhu cầu của người dân, bao gồm cả phương án mua, thuê hoặc thuê mua nhà, nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp. Ngành ngân hàng cũng sẽ tập trung cấp tín dụng cho những người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.
Nhiều ý kiến cho rằng, không phải tất cả bất động sản đều tăng giá khi dòng vốn tín dụng chảy mạnh. Nhà đầu tư nên tập trung vào các bất động sản đáp ứng nhu cầu thực tế như nhà phố, chung cư trung cấp tại khu vực có dân cư đông đúc hay văn phòng, nhà xưởng, mặt bằng bán lẻ vẫn có tiềm năng tăng giá ổn định. Các tỉnh ven TP.HCM, Hà Nội có cơ sở hạ tầng phát triển cũng có thể là lựa chọn sáng suốt.
Dòng tiền ngân hàng có thể đẩy giá bất động sản lên cao, nhưng không phải lúc nào giá cũng phản ánh đúng giá trị thực. Hạn chế chạy theo “sốt đất”, đặc biệt ở những khu vực chưa có hạ tầng đồng bộ.
Dòng vốn tín dụng có thể thay đổi theo chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Nếu tín dụng bị siết lại, thanh khoản thị trường sẽ bị ảnh hưởng, nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi “xuống tiền”.
Ngoài ra, lãi suất cho vay bất động sản có thể biến động khi ngân hàng kiểm soát chặt hơn. Nhà đầu tư cần không vay quá 50% giá trị tài sản để tránh áp lực tài chính; ưu tiên khoản vay dài hạn với lãi suất cố định trong thời gian đầu; dự phòng tài chính để đảm bảo khả năng thanh toán trong ít nhất 6-12 tháng.
Dòng tín dụng lớn từ ngân hàng có thể là cơ hội giúp thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ, nhưng cũng có thể trở thành rủi ro nếu dòng vốn bị sử dụng kém hiệu quả. Nhà đầu tư cần cẩn trọng, lựa chọn kỹ lưỡng, tận dụng tín dụng hợp lý và theo dõi sát diễn biến thị trường để đưa ra quyết định đúng đắn.
Anh Mai