
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng.
Trong phát biểu của nhiều đồng chí lãnh Đảng cũng nhấn mạnh chọn những người có đủ đức đủ tài, vừa hồng, vừa chuyên, có tâm, có tầm, chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng và không có biểu hiện về tham vọng quyền lực. Chủ trương của Đảng nhận được sự đồng tình của người dân và dư luận.
Biểu hiện về tham vọng quyền lực thường gắn với việc chạy chức, chạy quyền; chạy ở nhiều cấp, từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương. Những người có tham vọng quyền lực thường tìm mọi cách để vào vị trí đó, cái ghế quyền lực đó. Họ thường không ngại thủ đoạn nào, kể cả dùng tiền, mỹ nhân kế, tập hợp những người cùng ê-kip với mình, bè phái, cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Một biểu hiện tham vọng quyền lực khác đó là cài cắm những người thân quen, phe cánh để ủng hộ cho mình, lật đổ người khác.
Các dấu hiệu để nhận diện tham vọng quyền lực thường gắn với các biểu hiện của chạy chức, chạy quyền như chạy bằng cấp, chạy phiếu bầu, luồn cúi, tìm mọi cách để vào được các cấp ủy, các chức vụ, các vị trí để từ đó trục lợi. Đó là tham vọng quyền lực để trục lợi, để tham nhũng. Nhưng cũng có một kiểu tham vọng quyền lực khác nguy hiểm hơn đó chính là tham vọng quyền lực để chuyển hóa chế độ, thay đổi thể chế chính trị.
Từ tham vọng quyền lực dễ dẫn tới tham nhũng quyền lực sẽ gây hậu quả rất lớn nên cần được phát hiện, kiên quyết đấu tranh sàng lọc để không chọn nhầm cán bộ cơ hội vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng.
Từ khóa XI, khóa XII, khóa XIII, Đảng ta đã đưa ra một loạt các quy định, quy trình về công tác cán bộ, về lấy phiếu tín nhiệm, các quy định khác để ngày càng hoàn thiện hơn công tác cán bộ. Qua đó thẩm tra, sàng lọc, lựa chọn được cán bộ đủ tiêu chuẩn để giới thiệu, lựa chọn. Việc quan trọng là thực hiện những quy định này trong thực tiễn, tránh những sai lầm trong công tác cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Do đó, cùng với việc chú trọng phát hiện biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực thông qua Ủy ban kiểm tra, cơ quan Thanh tra các cấp, công tác cán bộ phải được công khai theo từng mức độ phù hợp để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và giám sát. Khi quy hoạch và lựa chọn cán bộ thì cần các kênh giám sát của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội…
Hệ thống chính trị cả nước ta đang bước vào đợt sắp xếp, tinh gọn bộ máy một cách toàn diện, mạnh mẽ chưa từng có. Sau khi sắp xếp, tinh gọn, hệ thống chính trị các cấp phải giữ được người có đức, có tài, có nhiệt huyết cống hiến trong bộ máy. Nếu không tỉnh táo nhận diện, thiếu kiên quyết đấu tranh, có biểu hiện dĩ hòa vi quý, cục bộ, bè phái... trong công tác nhân sự thì rất dễ tạo kẽ hở cho chủ nghĩa cá nhân xâm nhập, chi phối. Người có đức, có tài thì bị ra rìa, kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực thì bám trụ, phát triển.
Dù người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực có nhiều mánh khóe để đạt được mục tiêu cá nhân nhưng trong một tập thể, không khó để nhận diện. Thực tế cho thấy cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực chỉ có “đất sống” khi có người “nâng đỡ không trong sáng”; cấp ủy, người đứng đầu thiếu công tâm, khách quan, có biểu hiện cục bộ, bè phái; cán bộ, đảng viên trong tổ chức Đảng dĩ hòa vi quý, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Ngược lại, nếu tổ chức Đảng đề cao tính chiến đấu, tinh thần tự phê và phê bình; nhất quán nguyên tắc tập trung dân chủ; cấp ủy, người đứng đầu biết lắng nghe, làm việc công tâm, khách quan thì kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực chắc chắn sẽ bị tẩy chay, loại bỏ khỏi bộ máy.