
Song song đó, bộ máy cồng kềnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn; làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua nhiều thủ tục hành chính, làm lỡ cơ hội phát triển.
Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết số 18 (Khóa XII) về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng quản lý, hiệu quả hoạt động để khơi thông mọi nguồn lực trong xã hội.
Tuy vậy, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc việc tinh giản biên chế ở Việt Nam không đem lại hiệu quả mà chỉ là gây tốn kém tiền bạc, ngân sách. Họ cho rằng, cơ cấu bộ máy Nhà nước nói là tinh gọn nhưng không thay đổi mà chỉ chuyển người từ chỗ này sang chỗ khác, gây tốn kém, phức tạp. Một số đối tượng bịa đặt rằng, tinh giản biên chế là đấu đá quyền lực, nhằm cắt giảm quyền lực của người này để tăng quyền lực cho người kia.
Cùng với đó, một số cơ quan truyền thông nước ngoài như BBC, RFA, VOA… và trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, cho rằng đổi mới ở Việt Nam là đổi mới nửa vời vì không đổi mới chính trị và hệ thống chính trị. Họ cố tình đánh tráo khái niệm giữa đổi mới chính trị, hệ thống chính trị với thay đổi chế độ chính trị với mục đích là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay bằng chế độ đa nguyên, đa đảng.
Chúng ta phải khẳng định rằng, đổi mới chính trị, hệ thống chính trị hoàn toàn không phải là thay đổi chế độ chính trị mà đó là quá trình hoàn thiện nền dân chủ XHCN trên cơ sở đổi mới về tư duy chính trị và hệ thống chính trị. Đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam chính là đổi mới các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị để có một hệ thống chính trị tinh gọn, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cao nhằm dẫn dắt đất nước phát triển nhanh, bền vững theo đúng định hướng XHCN.
Trong bài viết “Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.
Với quyết tâm chính trị cao, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị sẽ đạt kết quả tốt đẹp, góp phần quan trọng hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.