Những năm tháng hào hùng
Năm 1945, khi mới 15 tuổi, cậu bé Minh tham gia Đội tình báo xung phong đặc biệt Cần Thơ, nhiệm vụ chính là nhặt lựu đạn, làm giao liên. Trong kháng chiến chống Pháp, tháng 12-1947, ông Minh được biệt phái làm thư ký riêng cho Đại tướng Mai Chí Thọ.
Đến năm 1949, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Trinh sát - Ty Công an Mỹ Tho. Đây là giai đoạn ác liệt của chiến trường Nam bộ, đơn vị ông phải chi viện, tăng cường cán bộ, chiến sĩ cho các mặt trận trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho.
“Có đồng chí sáng mới gặp, chiều đã phải làm lễ truy điệu”, ánh mắt ông Minh trĩu nặng.
Năm 1953, ông Minh được điều về Ban Chính trị Tỉnh đội Cần Thơ, tham gia “Điện Biên Phủ” trong Nam. Có đêm, ông cùng đồng đội hạ liên tiếp 2 - 3 đồn.
“Cấp trên giao đánh đồn Phụng Hiệp, bộ đội chỉ mới bắn cảnh cáo rồi bắc loa kêu địch đầu hàng, ít phút sau địch kéo cờ trắng. Tôi và đồng đội tiếp tục triển khai vượt 3km đánh tiếp 2 đồn kế bên đồn Phụng Hiệp, bức địch quy hàng, bộ đội giành chiến thắng”, ông Minh kể.
Từ kết quả này, ông Minh được chọn đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua phân liên khu miền Tây. Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra miền Bắc, công tác tại Sư đoàn 338 do Thiếu tướng Tô Ký làm Sư đoàn trưởng.
Nhớ lời Bác dặn
Trong căn nhà số 404/1T đường TL 03, khu phố 3, phường Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM), gương mặt ông Trần Nhật Minh bừng sáng khi nhắc đến những ký ức về Bác Hồ.
Đó là năm 1956, khi đang học bổ túc tại Trường Lục quân (K.10), ông được tuyển chọn vào đội tham gia duyệt binh nhân kỷ niệm 11 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945 - 2-9-1956), tập luyện tại sân bay Bạch Mai. Đang trong ca trực ban đại đội, từ xa, một đoàn người rất đông đi vào cổng doanh trại, nhìn kỹ thì thấy Bác Hồ đi đầu, bên cạnh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Tôi không tin ở mắt mình, đứng chôn chân tại chỗ, miệng lắp bắp nói không thành tiếng”, ông Minh bồi hồi nhớ lại rồi kể tiếp, khi tiếng hô “nghiêm” đanh, gọn của Thiếu tướng Lê Trọng Tấn (Hiệu trưởng Trường Lục quân khi đó) vang lên, ông tỉnh người chạy đến trước Bác: “Báo cáo đồng chí Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi Trần Nhật Minh, trực ban đại đội. Báo cáo, đơn vị tập hợp ngoài sân bay để đón phái đoàn, xin chỉ thị”.
Bác quay qua phía Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tươi cười nói: “Chà, lính các chú chính quy quá”. Sau đó Bác hỏi: “Chú nói tiếng Nam bộ, vậy ở trỏng, chú ở tỉnh nào”. Khi nghe Bác dùng từ “trỏng”, ông Minh thực sự bất ngờ. Bởi Bác Hồ là Chủ tịch nước bận trăm công ngàn việc, vậy nhưng những từ riêng của vùng đất Nam bộ, Bác vẫn nhớ và dành cho những người con đất phương Nam như ông một tình cảm ân cần. “Tôi thấy mình như một đứa cháu lâu ngày được gặp lại người ông, người thân trong gia đình mình vậy”, ông Minh hồi tưởng.
Trước khi ra về Bác còn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Mấy chú miền Nam ra miền Bắc chiến đấu và học tập, còn nhiều khó khăn. Các chú phải làm thế nào đào tạo nhanh để các chú ấy quay về miền Nam phục vụ. Đặc biệt là chú ý đến tình cảm của mấy chú ấy nhé”… Bóng Bác xa dần mà trong tim ông Minh vẫn chưa hết bồi hồi, xúc động.
Mỗi lần nghĩ về Bác, ông Minh lại nhớ lời Bác dặn: “Đạo đức Cộng sản chỉ là tình thương và lẽ phải”, vì vậy ông học Bác và thấm nhất là tính nhân văn Hồ Chí Minh. Lời căn dặn, tính nhân văn ấy, lại được ông, một thương binh, cựu chiến binh giờ đã là cụ nội, cụ ngoại, căn dặn lại con cháu.
Nguồn: sggp.org.vn