(QK7 Online) - “Trong đấu tranh người Miền Đông anh dũng. Trong lao động người lại cũng anh hùng”. Trên mảnh đất miền Đông Nam bộ, mỗi dấu tích đều khắc ghi những chiến công hiển hách của quân và dân Khu 7, thấm đẫm máu xương của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các địa phương, đã đi vào lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Trong thời khắc cam go của cuộc đấu tranh cách mạng, ngày 10-12-1945, bên bờ sông Vàm Cỏ, lực lượng vũ trang Quân khu 7 ra đời, và ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc; tô thắm truyền thống “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng”, ngày càng lan tỏa phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.
Lực lượng vũ trang Quân khu 7 chung tay xây dựng nông thôn mới Bình Hòa Nam
Cội nguồn Quân khu 7
Xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An là nơi chứng kiến sự ra đời của các lực lượng vũ trang đầu tiên ở Nam Bộ. Bên bờ sông Vàm Cỏ, ngày 10-12-1945, Xứ ủy lâm thời Nam bộ mở hội nghị quyết định nhiều vấn đề chiến lược, trong đó có quyết định thành lập Khu 7, tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 7 ngày nay. Trung tướng Nguyễn Bình là vị tư lệnh đầu tiên của Quân khu 7.
Trong kí ức của bác Phạm Hữu Hí, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Nam, khi đó chỉ là cậu bé mới 7 tuổi, Trung tướng Nguyễn Bình thường hay đến bàn bạc việc gì đó với cha mình rồi vội vã đi ngay. “Chừng một tháng hay nửa tháng ông ra một lần. Hồi đó tui còn nhỏ, đâu có biết gì. Hễ khi Trung tướng Nguyễn Bình ra thì ba tui sai đi nấu nước. Trung tướng Nguyễn Bình đi chiếc ghe tam bản 4 chèo, ở trước 2 chèo, ở sau 2 chèo, ông ngồi ở giữa” - bác Phạm Hữu Hí nhớ lại.
Chúng tôi đến ấp 3, nơi có nhiều địa danh nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như: Vàm đình Cần Giè, cầu Tổng Phát Hành (nơi đặt trạm quân bưu thời kỳ chống Pháp của Xứ ủy Nam Bộ), tràm Ba Làng… Đây là nơi Trung tướng Nguyễn Bình và tổng hành dinh làm việc trong một thời gian, sau đó mới di chuyển lên Giồng Dinh và Giồng Thổ Địa (tiếp giáp với biên giới Campuchia). Đây cũng chính là nơi che chở và là hậu cứ của các lực lượng vũ trang cách mạng. Do có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 20/12/1994, quân và dân xã Bình Hòa Nam được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tiếp nối truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện xã đang đẩy mạnh xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chanh với diện tích trên 2.000 ha, tạo thế cây chủ lực, cây chuyên canh của xã. Bên cạnh đó, xã còn khuyến khích bà con trồng một số loại rau phù hợp với đất nhiễm phèn, như trồng rau má, sâm đất, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Phát triển vùng chuyên canh cây chanh
Với tấm lòng hướng về nguồn cội, thời gian qua, lực lượng vũ trang Quân khu đã xây tặng Bình Hòa Nam nhiều công trình đạt chuẩn nông thôn mới, như: Trung tâm văn hóa thể thao xã, đường giao thông nông thôn, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, nhà tình nghĩa, nhà tình thương…, góp phần cùng với chính quyền địa phương xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã bày tỏ: “Từ sự giúp đỡ, hỗ trợ của lực lượng vũ trang Quân khu 7, đến nay Bình Hòa Nam đã hoàn thành một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, như: tiêu chí về đường giao thông nông thôn, trường học, nhà ở, cơ sở vật chất văn hóa... Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, sự chung tay giúp sức của Quân khu vô cùng ý nghĩa, cao đẹp”.
An dân giữ đất biên cương
Huyện Đức Huệ là một trong các huyện biên giới của tỉnh Long An. Với tuyến biên giới dài hơn 134km, giáp với hai tỉnh Svay Rieng và Pray Veng, Vương quốc Campuchia, thực hiện chủ trương “An dân giữ đất biên cương” của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7, tỉnh Long An đang đẩy mạnh xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng biên giới. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Huệ đã hình thành 4 điểm dân cư liền kề chốt dân quân với 95 căn nhà.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh, để tạo điều kiện cho bà con yên tâm lao động, xây dựng cuộc sống mới nơi biên giới, ngoài kinh phí của Quân khu hỗ trợ, UBND tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng/căn. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ 35 triệu đồng/căn từ nguồn kinh phí di dân ra biên giới. Các ngành khác hỗ trợ vốn từ 5-10 triệu đồng/hộ, các mạnh thường quân hỗ trợ bà con vật dụng sinh hoạt, Ban CHQS các huyện biên giới hỗ trợ nhân công trong quá trình xây dựng nhà.
Lễ khánh thành các công trình xây dựng tại Bình Hòa Nam nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân khu 7
Quân khu 7 tặng xe đạp cho các học sinh nghèo vượt khó
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đầu tư hạ tầng, kết nối công trình phúc lợi, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tỉnh đã đầu tư 46,3 tỷ đồng kéo điện thắp sáng; 22,5 tỷ đồng bảo đảm nước sạch, phủ sóng điện thoại trên tuyến biên giới, tạo việc làm nâng cao đời sống người dân tại các điểm dân cư.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Đề án Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng biên giới là chính sách “An dân giữ đất biên cương”. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, của Bộ Quốc phòng, Quân khu, nỗ lực cùng địa phương từng bước hình thành các khu dân cư ở biên giới. Từ những điểm dân cư này sẽ phát triển thành khu, cụm dân cư trên tuyến biên giới, đi kèm với đó là sự phát triển của thương mại, dịch vụ và dần hình thành các khu công nghiệp nơi biên giới, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển gắn với củng cố thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc”.
Thu Cúc