(QK7 Online) - Đóng quân, làm nhiệm vụ phân tán trên địa bàn xa rộng, song cán bộ, chiến sĩ đã chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác tăng gia sản xuất (TGSX), bảo đảm nguồn thực phẩm, góp phần nâng cao đời sống bộ đội. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Lữ đoàn đã từng bước chuyển đổi mô hình tăng gia để phát triển bền vững.

Phát triển đàn gia súc tại khu tăng gia tập trung ở Lữ đoàn 25 - Ảnh CTV.
Chia sẻ niềm vui với chúng tôi Đại úy QNCN Trần Quốc Minh – Phụ trách khu tăng gia của Lữ đoàn cho biết: Trong đàn trâu 20 con chăm sóc tại đây, vừa rồi có 2 trâu mẹ đã sinh sản, nâng tổng đàn lên 22 con. Tuy trong thời gian cao điểm nắng nóng, thức ăn bị hạn chế nhưng đàn trâu vẫn béo tốt nhờ đơn vị đã chủ động ngồn thức ăn bảo đảm dinh dưỡng. Ngoài ra khu tăng gia tập trung của Lữ đoàn đang nuôi 40 con heo lai rừng trong đó có 6 con heo nái sinh sản và đàn vịt trời 500 con được 1 tháng tuổi. Đây là những sản phẩm được Lữ đoàn đầu tư khi thực hiện chuyển đổi mô hình tăng gia trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Chứng kiến toàn cảnh khu tăng gia tập trung của Lữ đoàn chúng tôi thấy hiệu quả rõ rệt từ việc đầu tư bài bản. Đại úy QNCN Trần Quốc Minh chia sẻ thêm: Để đảm bảo lượng thịt, cá và trứng gia cầm phục vụ bữa ăn cho bộ đội khu tăng gia tập trung đã từng bước tái đàn đảm bảo ổn định đàn heo thịt 30 con trong đó có 7 con heo nái, 500 con gà đẻ trứng. Đầu năm đơn vị đã thu hoạch 3,7 tấn cá các loại đưa vào bữa ăn cho dịp lễ, tết.
Tìm hiểu thực tế và trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi được biết, ngoài công tác TGSX tập trung Lữ đoàn còn phát triển khu tăng gia chuyên canh tại chỗ ở các đơn vị đóng quân, làm nhiệm vụ như: Chuồng trại nuôi cừu hơn 100 con tại Tiểu đoàn 741; vườn rau, giàn 1.500m2 tại các cơ quan của Lữ đoàn. Đại úy Nguyễn Minh Thuận – Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn cho biết: "Trong năm qua Lữ đoàn đã huy động được hơn 2.000 ngày công lao động của bộ đội vào ngày nghỉ, giờ nghỉ; đầu tư vốn để cải tạo nâng cấp diện tích đất trồng rau, ao nuôi cá, chuồng trại chăn nuôi, trồng cao su; tập trung phát triển theo hướng thâm canh, chuyên canh, đa dạng hoá loại cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển TGSX trong thời kỳ giáp vụ; đã tích cực làm tốt công tác kiểm soát môi trường dịch bệnh gây thiệt hại trong tăng gia, chăn nuôi".

Chiến sĩ khối cơ quan Lữ đoàn chăm sóc vườn bí - Ảnh CTV.
Không chỉ chủ động TGSX, các đơn vị thuộc Lữ đoàn còn phát huy tốt nội lực, công sức bộ đội trong củng cố, duy tu doanh trại, xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt của bộ đội như: Nhà truyền thống, công viên quân nhân, sân bóng rổ, sân bóng chuyền… Nhờ vậy, doanh trại, nơi ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ được củng cố khang trang, xanh - sạch - đẹp, qua đó bộ đội thêm yêu mến, gắn bó với đơn vị. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Mai Thành Nam – Phó Lữ đoàn trưởng, cho biết: "Bên cạnh việc chỉ đạo cơ quan hậu cần bảo đảm kịp thời, đúng, đủ chế độ, tiêu chuẩn hậu cần, tài chính cho các đối tượng và nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo thực hiện toàn diện Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, chỉ đạo phát triển khu tăng gia tập trung của Lữ đoàn và các đơn vị động viên bộ đội tích cực đẩy mạnh TGSX, chăn nuôi bảo đảm nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ, kịp thời đưa vào bữa ăn hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ. Nhờ đó, đơn vị tự túc 80% rau xanh; 75% định lượng thịt, cá và 100% trứng gia cầm".
Gia Tú