Trong kháng chiến chống Pháp, ông Lê Minh Chánh làm liên lạc tình báo thuộc Ban trừ gian Thành bộ Mỹ Tho, Ty Công an và Trại Giáo hóa Mỹ Tho rồi làm thợ sắp chữ in, Trưởng ban chuyên môn nhà in Sở Kinh tế Nam bộ, phòng 4 Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ. Năm 1952 ông đi bộ đội, tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông từng là chiến sĩ Đại đội thủy lôi huyện đội Trần Văn Thời, tích cực tập luyện chuyên môn, canh gác cửa biển, sẵn sàng chiến đấu khi tàu giặc vào và hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Sau đó ông tham gia bộ đội địa phương quân tỉnh Bạc Liêu, là chiến sĩ bộ binh, Đại đội 552, luôn dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Ông được bầu Tiểu đội phó Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 660 thuộc Phân Liên khu miền Tây Nam bộ từ tháng 8/1954 đến tháng 8/1956.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông tập kết ra Bắc, đi an dưỡng, phụ trách Tiểu đội trưởng trong đơn vị an dưỡng. Năm 1957, ông tham gia học văn hóa tại Trường Văn hóa E78, rồi là trung sĩ nhân sự, phụ trách thống kê sản xuất ở Nông trường Lam Sơn, thời gian này, ông cũng làm việc tích cực, hăng hái làm tròn nhiệm vụ được giao, vào Đảng ngày 31/1/1958. Ông là học sinh các Trường Bổ túc Văn hóa Công nông Thanh Hóa, Hải Dương và là sinh viên Trường Chính trị Bộ Giáo dục.
Khi nói về năng lực và nguyện vọng của mình ông viết: vì trước đây đã ở trong Quân đội nên còn khả năng phục vụ trong Quân đội được, tác chiến, cũng như công tác chính trị với trình độ của bản thân. Có thể làm công nhân sắp chữ nhà in, và làm giáo viên chính trị cấp 3. Ông có nguyện vọng được về Nam tham gia chiến đấu, hoặc làm bất cứ một việc gì cũng được, miễn là cùng đồng bào miền Nam hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành thống nhất nước nhà để cả nước cùng tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Nguyện vọng của ông đã thành hiện thực, từ Trường Chính trị Bộ Giáo dục, ông đã được gọi đi công tác chiến trường miền Nam ngày 10/9/1964. Những kỷ vật gắn bó với ông những năm tháng tham gia cách mạng, kháng chiến và lao động sản xuất như một phần ký ức minh chứng về con người ông và quá trình công tác còn được lưu lại, rất đỗi bình dị nhưng ý nghĩa, đó là những hình ảnh về những người thân quen, về các bằng khen, giấy khen, những huân, huy chương, huy hiệu kháng chiến, bằng tốt nghiệp, học bạ, sổ sức khỏe…
Trong hồ sơ, kỷ vật đi B của ông, còn có một bài thơ với nhan đề “Thái Hòa ngày nay”, dưới đề thơ có ghi “Kính tặng Hợp tác xã Thái Hòa” dưới nhan đề còn đề tên Lê Minh Chánh. Bài thơ được viết ngày 02/7/1963, như dòng cảm xúc của tác giả đối với Hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc, về vùng đất, con người địa phương Thái Hòa, một Hợp tác xã ở Yên Hòa, Yên Mĩ, Hưng Yên sau bao gian khổ, khó khăn, thăng trầm của lịch sử, nhờ ánh sáng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vươn lên xây dựng, phát triển và đặc biệt bức tranh về sức sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã, về tình con người trong những năm hòa bình sau kháng chiến chống Pháp.
Hiện nay những kỷ vật ấy đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tất cả mong được đón nhận trở về.