Ra đi chờ ngày đoàn tụ, nhưng sau hai năm, ba năm… và rồi, sau cả thập niên “luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc”, cuối năm 1965, theo tiếng gọi của quê hương miền Nam, vì “tha thiết với công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước để giải phóng miền Nam”, ông đã lên đường trở về miền Nam cùng đồng bào, chiến sĩ miền Nam chiến đấu, giải phóng quê hương.
Hồ sơ cán bộ đi B của ông gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ trước ngày lên đường, gồm chứng minh thư, bản khai lý lịch, thẻ cán bộ và các giấy tờ khác mang tên ông. Lật đọc từng trang hồ sơ, từng nét chữ như những dòng tự truyện, ký ức về ông còn lưu giữ: Ông sinh ngày 12/01/1932, tại xã Mỹ Luông (nay là thị trấn Mỹ Luông), huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang), trong gia đình tiểu tư sản. Năm tháng còn nhỏ, ông đi học, thuộc thành phần học sinh tiểu tư sản. Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 14 tuổi, ông xung phong vào bộ đội, là trinh sát cho các đơn vị bộ đội ở Long Châu Tiền, rồi Long Châu Hậu. Từ đây, ông bắt đầu quá trình công tác, tham gia hoạt động cách mạng đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước.
Những năm 1948 - 1950, ông được đơn vị cho đi học thêm văn hóa ở Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 1950, ông về công tác tại Ban địch vận, Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ, làm cán bộ nghiên cứu vấn đề tôn giáo Hòa Hảo (cấp bậc chuẩn úy). Tháng 3/1950 ông được kết nạp vào Đảng, khi mới 18 tuổi.Từ năm 1953, ông là cán bộ tòa soạn Báo Quân đội phân liên khu miền Tây.
Thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1955, ông theo đơn vị tập kết ra Bắc. Ông chuyển ngành năm 1956, là cán bộ Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1958, công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam làm biên tập viên Báo Văn học, đồng thời cũng là cán bộ sáng tác văn học. Những tác phẩm văn học của ông đã được in: Tập truyện ngắn “Người quê hương”; Ông Năm Hạng - truyện ngắn, được chuyển thành kịch và được công diễn, tác phẩm đã được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất (1959); truyện, nhật ký “Người ở lại”, tiểu thuyết “Đất lửa”…Năm 1963, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, là Ủy viên Ban Chấp hành của hội.
Văn hóa cũng là một mặt trận, có lẽ vì vậy, sáng tác văn học là nguyện vọng tha thiết của ông, để kháng chiến. Theo phiếu chuyển đi cấp ngày 29/12/1965, với biệt danh “đi công tác B”, ông vào chiến trường miền Nam, dùng chính ngòi bút của mình để tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu giải phóng miền Nam.
Ông tích cực hoạt động sáng tác các tác phẩm văn học phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân miền Nam. Ông đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng và nền văn học nước nhà. Nhiều tác phẩm của ông, dù là những tác phẩm truyện ngắn, những tiểu thuyết hay những kịch bản phim… đã rất đỗi quen thuộc đối với nhiều thế hệ người Việt. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” là một trong những tác phẩm tiêu biểu, được đưa vào sách văn học từ nhiều thập kỷ, là một câu chuyện của một cán bộ “nằm vùng tại miền Đông” da diết thương nhớ vợ con, dùng ngà voi làm thành chiếc lược ngà xinh xắn, nhờ bạn chiến đấu trao lại chiếc lược ngà cho đứa con gái bé bỏng, yêu thương, vừa thể hiện tình cha con sâu nặng, tình đồng đội thiết tha trong cảnh ngộ éo le thời chiến tranh, ca ngợi truyền thống cách mạng yêu nước của người nông dân Nam Bộ. Cũng nằm trong dòng văn học cách mạng, “Cánh đồng hoang” là tác phẩm ấn tượng của Nguyễn Quang Sáng được tặng những giải thưởng cao quý...
Phần ký ức từ hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B của nhà văn Nguyễn Quang Sáng như ngọn nguồn minh chứng về con đường cách mạng, đến với sự nghiệp văn học, nghệ thuật của ông. Thật đáng trân trọng, tự hào về những thế hệ chiến sĩ vừa cầm súng vừa cầm bút trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.