Với dã tâm đặt ách đô hộ lên nước ta một lần nữa và thông qua mua bán, đổi chác lợi ích với nhau, Anh và Nhật đã nhượng bộ, ủng hộ Pháp trở lại nơi mà chúng đã từng cai trị hơn 80 năm trước đây. Đêm 22 rạng sáng 23/9/1945, lợi dụng lệnh giới nghiêm, quân đội Pháp tiến hành cuộc chiến tranh “không tuyên bố”, ngang nhiên nổ súng vào Tòa Thị chính Sài Gòn - nơi làm việc của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ, Chợ Lớn, Bưu điện, Đài Phát thanh thành phố… Thực dân Pháp chiếm lại Sài Gòn và sau đó đẩy cuộc chiến tranh tàn khốc lan ra Nam Bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Trước hành động ngang ngược của kẻ thù, rạng sáng 23/9, Hội nghị liên tịch giữa Xứ ủy, Ủy ban Hành chính lâm thời, đại diện Tổng bộ Việt Minh được tiến hành tại phố Cây Mai, Chợ Lớn. Hội nghị phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa ta với địch và khẳng định: Thực dân Pháp đã bộc lộ âm mưu xâm lược trắng trợn, gây nên sự căm phẫn trong các tầng lớp nhân dân nên phải phát động nhân dân đứng lên chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập. Hội nghị thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn do ông Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch.
Và ngày 23/9/1945, Nam bộ vang vọng lời hiệu triệu: “Độc lập hay là chết! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm chặt vũ khí, xông lên đánh đuổi quân xâm lược”. Nhân dân Nam bộ đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược là một lẽ tự nhiên của người dân yêu nước, yêu độc lập, tự do. Với tinh thần “độc lập hay là chết”, “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, đồng bào Nam bộ mà khởi đầu là nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn với khí thế hừng hực, đầy tự tin bước vào cuộc kháng chiến.
Ngay từ ngày đầu, quân Pháp đã gặp phải sự kháng cự, chống trả mạnh mẽ của quân và dân Sài Gòn - Chợ lớn. Các đội Xung phong Công đoàn cùng các đội tự vệ, Thanh niên xung phong triển khai chiến đấu, làm cho địch lúng túng, lo sợ và gây cho chúng nhiều thiệt hại. Các tầng lớp nhân dân bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực, thực phẩm. Khắp đường phố đều được dựng các chiến lũy bằng các vật dụng: Bàn, ghế, giường, tủ… Công sở, chợ búa, giao thông, trường học trong thành phố đều ngưng hoạt động. Công nhân các nhà máy đều nghỉ việc; nhà máy đèn, nhà máy nước và nhiều công trình khác bị phá hủy. Thành phố trở thành “vườn không, nhà trống”, không điện, không nước, không lương thực, cái chết rình rập trên mỗi bước chân kẻ thù, đẩy quân Pháp vào tình thế nao núng, kinh hoàng, khốn đốn trong cô lập.
Bên cạnh lực lượng vũ trang vũ khí thô sơ như gậy tầm vông, giáo, mác, còn có hàng vạn thanh niên, học sinh, lao động, thợ thuyền, quần chúng yêu nước tự nguyện xông ra các tuyến đường, các công sự ngăn chặn quân Pháp. Với chiến thuật “trong đánh ngoài vây” - Bên trong tiêu hao, tiêu diệt lực lượng, phá các cơ sở, phương tiện, vật chất của địch, bên ngoài các lực lượng chia nhau trấn giữ các vị trí then chốt, bao vây cô lập địch, không cho chúng ra ngoại thành. Không chỉ vậy, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn còn chi viện cho các tỉnh lân cận tiến hành chiến tranh du kích, bảo vệ từng căn nhà, thôn xóm, góc phố.
Đáp lời kêu gọi của Chính phủ, nhân dân cả nước đều hướng về và bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, chi viện tối đa sức người, sức của cho Nam Bộ. Các đoàn quân Nam tiến được thành lập và hối hả lên tàu vào Nam. Quỹ Nam Bộ kháng chiến ra đời. Nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men động viên, cổ vũ đồng bào Nam Bộ kháng chiến.
Nhân dân ta cảm phục, tự hào và biết ơn nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng, nhân dân Nam bộ nói chung. Bằng sự kiên cường, bất khuất chiến đấu kìm chân quân Pháp trong thành phố, thị xã, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh”, tiêu hao nhiều sinh lực địch, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng. Kháng chiến ở Nam Bộ đã chôn chân quân Pháp ở miền Nam 15 tháng - khoảng thời gian quý báu để cả nước chuẩn bị điều kiện, lực lượng, cơ sở vật chất cho cuộc đọ sức sau này với thực dân Pháp.
Nam bộ kháng chiến thể hiện khát vọng và ý chí không gì lay chuyển trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Thời gian đã lùi xa, nhưng xương máu, tinh thần và những bài học quý giá của Nam Bộ kháng chiến vẫn trường tồn cùng sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Trang sử hào hùng ấy là mốc son chói lọi, mãi xứng danh “Thành đồng Tổ quốc” như lời Bác Hồ khen tặng.