Ngày 29-6-1946, tại sân Vệ Quốc đoàn Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam Hoàng Văn Thái đọc Quyết định thành lập Đoàn pháo binh Thủ đô gồm 3 trung đội: Pháo đài Láng, Pháo đài Xuân Tảo và Pháo đài Xuân Canh. 20 giờ 30 phút ngày 19/12/1946, Pháo đài Láng nổ phát súng đầu tiên, mở đầu toàn quốc kháng chiến. Ngày 29/6/1946 với việc thành lập Đoàn pháo binh Thủ đô đã trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Pháo binh Anh hùng.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh được huy động ở mức cao nhất để chi viện hỏa lực cho các đại đoàn, đánh phá trận địa pháo binh, kiềm chế sân bay, diệt lô cốt, hỏa tiễn địch. Sau chiến dịch, lực lượng pháo binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tác chiến mà Bộ chỉ huy chiến dịch đã giao. Thành tích và chiến công của pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu một bước phát triển tương đối hoàn chỉnh về nghệ thuật sử dụng pháo binh trong cuộc kháng chiến chống Pháp; mở ra những vấn đề lớn đầu tiên để xây dựng và biên soạn một học thuyết về nghệ thuật quân sự sử dụng pháo binh Việt Nam.
Khẩu đội pháo 105mm của Lữ đoàn Pháo binh 75 tham gia diễn tập bắn đạn thật
Đối với miền Nam “đi trước về sau” thì tiếng pháo của quân dân Nam Bộ đã tấn công giặc Pháp trước cả ngày 29 tháng 6 năm 1946, ngày thành lập Đoàn pháo binh Thủ đô. Đó là tiếng súng của những khẩu tiểu pháo lấy từ các tàu Lamospiquet (tàu chiến Pháp), những khẩu pháo biển lấy ở Vũng Tàu, pháo cao xạ lấy ở sở cao su Thuận Lợi…Nhưng phải đến tháng 10 năm 1963 khi đơn vị U80 được thành lập trên cơ sở xây dựng lực lượng tại chỗ và lực lượng từ miền Bắc đưa vào mới thật sự đánh dấu sự ra đời của Pháo binh lực lượng vũ trang Miền. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, với nhiều tên gọi khác nhau, từ các đại đội pháo mang vác phát triển thành Lữ đoàn pháo binh 75 Quân khu 7 ngày nay.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến thời kỳ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, Lữ đoàn 75 luôn phát huy truyền thống “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng” của Binh chủng Pháo binh anh hùng. Trong đó, chiến công mang dấu ấn sâu sắc nhất là trận tập kích sân bay Biên Hòa đêm ngày 31 tháng 10 năm 1964. Trận thắng vang dội này của đơn vị U80 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp bình luận trên báo Nhân dân ngày 12 tháng 11 năm 1964 và đề tặng 4 câu thơ: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng/Điện - Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”. Có thể nói, trận tập kích sân bay Biên Hòa đêm 31-10-1964 là cột mốc đánh dấu cho lối đánh độc đáo: Bí mật thọc sâu, tập kích, rút lui an toàn.
Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, Đoàn 75 – Đoàn pháo binh Biên Hòa đã tham gia nhiều trận đánh hay, đạt hiệu suất chiến đấu cao với các nhiệm vụ bắn chi viện cho các đơn vị, bắn chặn đường rút quân của địch, bắn phá các trận địa pháo binh địch, chế áp các sở chỉ huy địch, bắn phá các kho tàng, sân bay, bến cảng, đập tan ý đồ co cụm, lập tuyến phòng thủ mới và kế hoạch chi viện của địch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc. Trong đó, Đại đội 26 pháo 130 mm, thuộc tiểu đoàn 2, đoàn pháo binh Biên Hòa, bắn liên tục 12 ngày đêm với 326 viên đạn đã khóa chặt sân bay Biên Hòa, làm cho Không quân địch không thể sử dụng sân bay này kể từ ngày 26/4/1975.
Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 75 hôm nay luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng nên truyền thống “Xung kích, đánh giỏi, bắn trúng, toàn năng, khoa học, sáng tạo, tự lực tự cường”, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng” của Binh chủng Pháo binh anh hùng.
Hiện nay, Lữ đoàn đang tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của lực Lượng vũ trang Quân khu 7 trong tình hình mới. Trong đó, Lữ đoàn chú trọng công tác xây dựng Đảng, huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nề nếp chính quy, chăm lo tốt đời sống cho cán bộ, chiến sĩ.
Bài, ảnh: PHẠM XUÂN DƯỠNG