Ban đầu, Đội nữ du kích Củ Chi gồm có 3 thành viên là cô Nguyễn Thị Nê (Bảy Nê) - đội trưởng, cô Trần Thị Nhỡ (Út Nhỡ) - Chính trị viên và cô Lê Thị Sương (Năm Sương) - chiến sĩ. Nhiệm vụ của các cô là động viên người dân tòng quân, tham gia đào hầm, địa đạo bí mật, tải lương thực, đưa đạn dược, vũ khí vào Củ Chi, Tây Ninh, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Từ sự vận động của các cô, các dì, dần dần Đội nữ du kích đã phát triển thành cấp trung đội, tập hợp được gần 20 người và được Huyện đội Củ Chi đưa đi huấn luyện quân sự.
Nhớ lại buổi đầu thành lập, cô Lê Thị Sương, người chiến sĩ đầu tiên của Đội du kích vô cùng xúc động: “Chúng tôi được học về cách tháo lắp súng, cách vận động trên thao trường, cùng với bộ đội địa phương, du kích xã chiến đấu bảo vệ quê hương, quyết “một tấc không đi, một ly không rời”.
Cô Năm Sương (phải) trò chuyện cùng đồng đội năm xưa.
Theo lời kể của cô Năm Sương, đầu năm 1966, tổ 3 người gồm cô Năm Sương, cô Út Nhỡ và cô Nga nhận nhiệm vụ đánh Mỹ đi càn ở ngã ba Nhuận Đức. Trong trận càn này, 3 chị em chỉ dựa vào các hầm chông, hố đinh, bãi mìn tự tạo và hệ thống địa đạo liên hoàn để đánh địch. Kết quả, tổ đã tiêu diệt tại chỗ 30 lính Mỹ và một xe tăng.
Một trận đánh đáng nhớ nữa là vào tháng 5-1967, tổ 3 người được giao đánh vào căn cứ Đồng Dù. Các cô phải vượt qua 26 lớp kẽm gai bùng nhùng có gài mìn để vào trinh sát, nắm chắc vị trí từng chiếc xe tăng, khẩu pháo của chúng. Chỉ trong một đêm, các cô đã dùng mìn định hướng và thuốc nổ tiến công tiêu diệt 50 lính Mỹ, phá hủy 7 xe tăng và 5 khẩu pháo 105 ly. Sau trận đánh, tất cả đều rút lui an toàn về căn cứ, còn địch kinh hồn bạt vía. Chúng cứ ngỡ đó là một đơn vị đặc công tinh nhuệ chứ không nghĩ trận đánh do trung đội nữ du kích thực hiện.
Nữ du kích Củ Chi "Đất thép thành đồng".
Trong 10 năm chiến đấu gian khổ, từ 1965 - 1975, có 24 nữ du kích đã vĩnh viễn ra đi khi đang ở độ tuổi đẹp như trăng rằm. Người đội trưởng đầu tiên của Trung đội - liệt sĩ Nguyễn Thị Nê đã anh dũng hy sinh năm chị 22 tuổi và được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 30/8/1995. Hay liệt sĩ Nguyễn Thị Xiết ra đi khi chưa tròn 18 tuổi, chưa kịp để lại cho cuộc đời một tấm hình; liệt sĩ Tô Thị Ngọc Hà, hy sinh khi vừa tròn 17 tuổi với nước da trắng, rất đẹp và nết na.
Các nữ du kích thăm lại chiến trường xưa.
Đến năm 2013, có quyết định thành lập Ban liên lạc Đội nữ du kích Củ Chi, các cô chọn ngày thành lập trung đội nữ, ngày 10/11 hàng năm làm ngày giỗ. Ngày giỗ cũng là dịp để tưởng nhớ tới những người đã hy sinh cũng là để gặp gỡ, quan tâm, chia sẻ giúp nhau trong những lúc khốn khó, hoạn nạn. Ban liên lạc Trung đội nữ du kích Củ Chi đã huy động các nguồn lực cùng chung tay góp sức giúp đỡ đồng đội thoát nghèo, xây dựng quê hương. Đến nay, Ban liên lạc đã vận động xây tặng 6 nhà tình nghĩa, 10 nhà tình thương, một ngôi nhà mơ ước tặng các cựu nữ du kích bệnh tật, neo đơn, giúp họ ổn định cuộc sống.
Trung đội Nữ du kích Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng “chất anh hùng” vẫn hiển hiện trong tâm hồn các nữ du kích Củ Chi. Các cô là những tấm gương mẫu mực trong cuộc sống gia đình và xã hội, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp.