Đại tá Trần Thịnh Tần giọng buồn buồn: “Tình hình sức khỏe của đồng chí ấy đáng lo lắm…”. Nghe vậy tôi thấy nhói lòng vì bố Phong (từ lâu tôi thường thân mật gọi Trung tướng Lê Nam Phong như thế) là “thủ lĩnh” tuyệt vời của các cựu chiến binh Điện Biên Phủ còn sống đến ngày hôm nay, được xem như linh hồn của các cựu chiến binh Điện Biên Phủ!
Tôi liền cùng Đại tá Trần Thịnh Tần và Thượng tá Nguyễn Thị Nghiêm, nguyên bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, là hai cán bộ chủ chốt của BLLTT Chiến sĩ Điện Biên Phủ tức tốc đến thăm bố Phong. Nghe có khách đến thăm, bố Phong mừng rỡ: “Tôi đây, tôi đây, chết làm sao được mà chết”.
Nghe tiếng bố cười nói sang sảng từ trong phòng vọng ra, mọi người vừa vui, vừa ngạc nhiên. Như hiểu điều đó, bà Nguyễn Thị Mai, vợ Trung tướng Lê Nam Phong liền giải thích: “Mấy hôm trước tưởng ông ấy khó qua khỏi, có lúc còn nói lẫn lung tung, đòi đưa đi thăm các đơn vị trên chiến trường Điện Biên Phủ rồi đến cổng Trường Lục quân 2 nhìn chút rồi về... Vậy mà chẳng hiểu có “phép màu” gì mà sắp đến kỷ niệm 67 năm ngày giải phóng Điện Biên Phủ, ông ấy bỗng vui khỏe ra như thường”.
Tôi chợt thầm nghĩ: đó có lẽ là do sức sống vươn lên mãnh liệt trong con người vị dũng tướng này, cộng với sự chữa trị tận tình của đội ngũ y bác sĩ tài năng Bệnh viện Quân y 175 nên bố Phong mới bình phục như hôm nay.
Thật vậy, ngắm bố Phong vẫn minh mẫn, nước da hồng hào, nụ cười rạng rỡ và vẫn đùa vui như xưa, ai cũng mừng thầm. Bố Phong dí dỏm: “Tôi năm nay mới 94 tuổi chứ mấy, Bác Giáp sống tới 103 tuổi thì tôi cũng ráng phấn đấu chứ”.
Nói rồi ông dang tay ôm đồng đội và người thân vui mừng như vừa thắng trận vậy. Ông cũng không quên hỏi: “Năm nay không họp mặt anh em Điện Biên được thì hẹn mọi người đến nhà tôi họp mặt vậy”.
Thấy bố Phong luôn thương nhớ đồng đội, Đại tá Trần Thịnh Tần bộc bạch: “Tại TPHCM hiện có khoảng 150 cựu chiến binh Điện Biên Phủ đang sinh sống, đa số đều U90 và U100 cả rồi. Các cụ đau ốm thường xuyên, mỗi năm có vài chục cụ “ra đi”, giờ chỉ còn khoảng gần 50 cụ sức khỏe còn tạm được.
Năm nay vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên phải hoãn họp mặt kỷ niệm 67 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 -7-5-2021). Ai cũng mong được gặp lại đồng đội xưa để ôn lại chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu mà chính họ là những người tham gia cầm súng góp phần làm nên chiến thắng vang dội”.
Nói đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mọi người lại nhớ câu chuyện về “Đại đội đầu trọc” do đồng chí Lê Nam Phong làm đại đội trưởng. Ngày ấy, bộ đội ta chiến đấu gian khổ trong suốt “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt máu trộn bùn non nhưng gan không núng, chí không mòn”.
Một hôm, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi thăm trận địa thấy các chiến sĩ của đại đội do Lê Nam Phong chỉ huy ai nấy đều trọc đầu, Bác Giáp ngạc nhiên hỏi thì Đại đội trưởng Lê Nam Phong dõng dạc đáp: “Thưa đồng chí Tổng Tư lệnh, chúng tôi cạo trọc đầu để thề quyết đánh thắng bằng được bọn thực dân Pháp xâm lược đấy ạ!”.
Bác Giáp mỉm cười: “Thế thì phải gọi là “Đại đội đầu trọc” đấy nhỉ!”. Từ đó câu chuyện về “Đại đội đầu trọc” lan xa như một huyền thoại, góp phần thôi thúc tinh thần chiến đấu của toàn thể cán bộ, chiến sĩ Điện Biên trên chiến trường đỏ lửa.
Sau ngày hòa bình, hỏi lại “sự tích” ấy, bố Phong cười vui “hóa giải”: “Vì lúc đó chiến trường bùn đất, lại thiếu nước nên anh em bảo nhau cạo trọc đầu để dễ chiến đấu, khi nào chiến thắng sẽ để tóc lại. Khi Bác Giáp tới thăm, quýnh quá trả lời vậy để Bác yên lòng, ai ngờ sau trở thành huyền thoại vui trên khắp chiến trường”.
Đã 67 năm trôi qua kể từ sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, người “Đại đội trưởng đầu trọc” dũng cảm năm xưa nay là vị Trung tướng với 94 tuổi đời, 73 tuổi Đảng vẫn giữ mãi tinh thần lạc quan cách mạng và ngọn lửa yêu nước không bao giờ tắt.