Bằng nhiều hình thức như cho mượn vốn không lấy lãi, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, các mô hình làm ăn có hiệu quả, tiếp thêm động lực giúp hội viên nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Thoát nghèo nhờ mô hình “10+1, 5+1”
Hội viên CCB Nguyễn Văn Dũng, ấp Lò Đường, xã Tân Bình do không có ruộng đất sản xuất nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Được đồng chí đồng đội hỗ trợ 25 triệu đồng từ mô hình “10+1” và tư vấn cho ông đầu tư nuôi dê cùng với hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi nên ông mạnh dạn đầu tư vốn liếng ban đầu nuôi 8 con dê, đến nay đã phát triển lên 25 con. Với giá dê khi xuất thịt dao động từ 100 – 130 ngàn đồng/1kg, bình quân mỗi con nặng 12 đến 15kg; giá bán từ 1,2 đến 2 triệu đồng/1 con, lãi từ 800 – 1 triệu đồng/con. Sau 5 năm được hỗ trợ vốn từ mô hình “10+1” gia đình anh Dũng đã xây dựng được căn nhà khang trang và xin thoát nghèo. Hiện nay bản thân ông cũng là thành viên nòng cốt trong phong trào “10+1” của địa phương.
CCB Nguyễn Văn Chưởng, ấp Đông Bắc, xã Tân Hòa nhà chỉ có 2 công ruộng thu nhập không đủ ăn. Được đồng đội hỗ trợ nguồn vốn 30 triệu đồng từ quỹ “10+1”, anh Chưởng đào ao nuôi cá. Vào mùa đánh bắt, các loại cá lóc nhỏ không tiêu thụ được anh đều thả hết xuống ao, các loại cá tạp khác anh cũng thả xuống ao làm thức ăn cho cá lóc; số vốn còn lại anh đầu tư nuôi 500 con vịt. Lúa bắt đầu làm đòng thì đàn vịt của anh cũng vừa chớm lớn, lúa thu hoạch xong thì đàn vịt cũng rã đàn. Chỉ với năm đầu tiên anh Chưởng đã thu hoạch được 1 tấn cá lóc bán được 30 triệu đồng, đàn vịt bán được 10 triệu đồng. Sau 5 năm mượn vốn đồng đội làm ăn, anh Chưởng đã xây được căn nhà cao ráo khang trang trị giá 230 triệu đồng.
Xây dựng mô hình thiết thực hiệu quả
Tân Thạnh là một huyện thuần nông có tỷ lệ hộ hội viên CCB nghèo, cận nghèo ở giai đoạn 2017-2022 còn cao (có 67 hộ nghèo, 95 hộ cận nghèo, chiếm 9,9% số hộ trong toàn hội). Hưởng ứng phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tết giỏi”, những năm qua các cấp Hội trong huyện đã chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, quyết tâm vượt khó, không cam chịu đói nghèo; tích cực lao động sản xuất, chủ động vươn lên trong cuộc sống, bằng các mô hình hay, cách làm có hiệu quả. Trong đó đã nghiên cứu sáng tạo và áp dụng mô hình “10+1”, “5+1” cho toàn hội viên học tập và thưc hiện. Giai đoạn đầu áp dụng mô hình “10+1”, “5+1” gặp không ít khó khăn, hội viên CCB diện nghèo, diện khó khăn đa phần đều tuổi cao, sức yếu, ít đất sản xuất nên không ít hội viên nghi ngờ về hiệu quả của mô hình có khi dẫn đến mất vốn hoặc thất thoát vốn. Nhưng với tinh thần đoàn kết nghĩa tình đồng chí đồng đội và sự tuyên truyền vận động của của các cấp hội nên mô hình cũng được triển khai thực hiện. Ban đầu chỉ lấy một chi hội làm điểm và hiệu quả mang lại cao hơn mong đợi. Chi hội làm điểm có 19 hội viên trong đó có 2 hội viên là hộ nghèo, sau 1 năm thực hiện 2 hội viên trong chi hội điểm đã thoát nghèo. Từ hiệu quả tích cực đó, Hội CCB huyện Tân Thạnh quyết định nhân rộng ra trong toàn huyện.
Lan tỏa phong trào CCB giúp nhau thoát nghèo
Qua 5 năm thực hiện mô hình “10+1”, “5+1” đã giúp hội viên CCB trong huyện giảm nghèo rõ rệt. Đầu nhiệm kỳ Hội CCB huyện Tân Thạnh có 67 hộ nghèo, hiện nay chỉ còn 11/67 hộ nghèo (giảm 56 hộ đạt tỷ lệ 83,58%), có 10/13 xã thị trấn không còn hội viên CCB hộ nghèo. Qua phong trào nổi lên nhiều tập thể tiêu biểu, có cách làm hay, hiệu quả thiết thực như: Hội CCB xã Tân Hòa, Kiến Bình với mô hình nuôi bò sinh sản, bò thịt; Hội CCB xã Tân Bình, Tân Lập, Hậu Thạnh Tây, Tân Ninh với mô hình nuôi dê thịt, dê sinh sản; Xã Tân Thành và Nhơn Ninh với hình trồng rau sạch mang lại hiệu quả kinh tết cao giúp cho nhiều hội viên CCB thoát nghèo bền vững. Có nhiều tập thể, cá nhân được cấp ủy, chính quyền, Hội CCB các cấp biểu dương, khen thưởng. Hàng năm tỷ lệ hộ nghèo trong CCB huyện đều giảm, tỷ lệ hộ trung bình, khá và giàu ngày một tăng, đời sống vật chất tinh thần của hội viên ngày được nâng cao.
Việc xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội và mô hình 10+1, 5+1 của Hội CCB huyện Tân Thạnh là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thắm tình đồng chí, đồng đội, tạo động lực để hội viên vươn lên trong cuộc sống, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách” của Hội CCB các cấp huyện Tân Thạnh.