Intermodal Europe 2024 tại Rotterdam AHOY, Hà Lan là triển lãm B2B lớn nhất trong ngành container và vận tải đa phương thức, quy tụ hơn 100 doanh nghiệp trong ngành logistics khắp nơi trên thế giới tham dự, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là Ấn Độ và Brazil.
Chủ đề chính của triển lãm năm nay tập trung vào xu hướng phát triển container thân thiện với môi trường - "Eco container".
Sản phẩm container Hòa Phát được sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Theo đó, đây là lần thứ 2 Hòa Phát tham dự triển lãm với sản phẩm container “made in Vietnam” được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng hoàn toàn yêu cầu kỹ thuật trong vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa.
Tại Triển lãm Intermodal Europe 2024, nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới về vận tải biển, container như Hãng tàu Hapag Lloyd và Công ty Leasing SeaCube, Triton, Textainer, CAI, CMA-CMG, Maersk…, các công ty thương mại đến từ Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia đã bày tỏ sự quan tâm tới sản phẩm container rỗng loại 20 feet, được sản xuất tại Việt Nam.
Hòa Phát đem sản phẩm container “made in Vietnam” tham gia triển lãm vận tải lớn nhất thế giới
Đây là sản phẩm được sản xuất tại nhà máy vỏ container Hòa Phát, sau 2 năm đầu tư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà máy sản xuất container này có công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20 - 40 feet. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 200.000 TEU/năm đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 8/2023.
Các sản phẩm vỏ container “made in Vietnam” được thiết kế, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu kỹ thuật trong việc vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa.
Toàn bộ các quá trình từ nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất, nghiệm thu sản phẩm được kiểm soát nghiêm ngặt bởi hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tự động hóa cao.
Nhiều doanh nghiệp vận tải thế giới quan tâm sản phẩm container của Việt Nam
Được biết, nguyên liệu chính cho sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Nhờ đó, sản phẩm này đáp ứng được các tiêu chuẩn ISO đặc thù như TC104, 668, 6346,1496-1, 6359…
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, hiện khoản tiền mà Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đổ vào dự án nhà máy vỏ container tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không hề nhỏ.
Tính riêng 9 tháng đầu năm nay, nhà sản xuất thép này đã rót thêm hơn 300 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức đầu tư tại nhà máy vỏ container Hòa Phát lên gần 2.200 tỷ đồng.
Thúy Hà