Người anh hùng Lưu Chí Hiếu và Đảng bộ mang tên Lưu Chí Hiếu.
Lưu Chí Hiếu sinh năm 1913 tại làng Hương Cát, xã Trực Thành, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Năm 1942, anh lưu lạc vào Sài Gòn, sau đó được giác ngộ và tham gia hoạt động tại Thành ủy Sài Gòn- Gia Định và bị địch bắt, lưu đày ra Côn Đảo 1955.
Theo bác Tư Cẩn, khi ra Côn Đảo, Lưu Chí Hiếu đã đứng ngay trong đội ngũ những chiến sĩ trung kiên, chống thủ đoạn cưỡng bức ly khai Đảng cộng sản, bị địch cầm cố tại Trại I. Chống li khai Đảng cộng sản là hình thức đấu tranh cao nhất, là không thừa nhận chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, là đấu tranh cho hòa bình thống nhất nước nhà, là bảo vệ đường lối giải phóng dân tộc của Đảng, bảo vệ lí tưởng cộng sản, bảo vệ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đấu tranh chống li khai là ngọn cờ, là linh hồn trong phong trào đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo trong thời kỳ này.
Lưu Chí Hiếu là người chống li khai cuối cùng hi sinh tại Chuồng Cọp. Cái chết oanh liệt của Lưu Chí Hiếu đã chặn đứng đợt khủng bố tàn bạo, dã man nhất của kẻ thù đối với người tù trong cuối năm 1961. Buộc kẻ thù phải khiếp sợ, kính phục: “Vũ lực không thể thắng được trái tim những người cộng sản”.
Bằng khí phách kiên cường, người chiến sĩ quyết tử Lưu Chí Hiếu đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho lí tưởng cộng sản, cho độc lập tự do của Tổ quốc. Lưu Chí Hiếu đã làm rạng danh cho những người tù chính trị Côn Đảo, cho giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, cho Tiểu đoàn Quyết tử Sài Gòn-Gia Định. Anh Phan Trọng Bình, một trong năm người vẹn toàn khí tiết, toàn thắng trở về thường nói với các bạn tù rằng: “Trong chúng ta, nếu có người không phút giây nào dao động thì người đó là Lưu Chí Hiếu và ông già Cao Văn Ngọc. Đó là 2 con người mà tâm hồn, tư tưởng, phẩm chất sáng trong như viên ngọc quý”. Hai con người này chỉ lựa chọn có một lần thôi và trọn đời hy sinh phấn đấu, tận hiến cho lý tưởng cách mạng. Khi ấy, đội ngũ chống ly khai chỉ còn lại năm anh: Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một. Toàn thể tù chính trị đã tôn vinh các anh là Năm Anh-Năm ngôi sao sáng. Riêng Lưu Chí Hiếu và ông già Cao Văn Ngọc được suy tôn là Những ngôi sao sáng nhất.
Noi gương anh hùng Lưu Chí Hiếu, tập thể tù chính trị câu lưu đã từng bước củng cố đội ngũ, thống nhất tư tưởng và hành động và tiến tới thành lập tổ chức Đảng trong nhà tù vào ngày 3-2-1972. Tất cả đều nhất trí đặt tên là Đảng bộ Lưu Chí Hiếu. Đồng chí Trần Văn Cao là bí thư, đồng chí Trịnh Văn Lâu là Phó bí thư (sau là Bí thư thay đồng chí Trần Văn Cao được trao trả theo Hiệp định Pari 1973). Đợt đầu, Đảng bộ kết nạp 11 người, sau đó xây dựng 10 chi bộ trong 10 phòng của Trại VI khu B, mỗi chi bộ từ 5 đến 10 đảng viên tổng số 62 đảng viên được kết nạp vào cuối năm 1972.
Theo bác Trịnh Văn Lâu kể lại, lúc này Đảng bộ xác định rõ nhiệm vụ là lãnh đạo toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hoạt động và tranh đấu của lực lượng tù chính trị câu lưu. Đảng bộ đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị, bảo vệ khí tiết của lực lượng tù câu lưu.
Đảng bộ tổ chức ra Đoàn Thanh niên lao động mang tên Nguyễn Văn Trỗi, ra tập san Xây Dựng, giáo dục chính trị, lí luận, nhân cách, và rèn luyện lực lượng tù chính trị trong tranh đấu. Các Nghị quyết của Đảng ủy được toàn thể tù nhân chấp hành nghiêm túc. Ngày thành lập Đảng và các ngày lễ kỉ niệm của cách mạng, của dân tộc đều được tổ chức trọng thể, công khai treo cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bảo đảm tính giáo dục cao, bất chấp sự khủng bố của kẻ thù. Mọi sinh hoạt trong trại giống như một vùng lõm giải phóng giữa lao tù Mỹ - Ngụy.
Việc thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của tù chính trị câu lưu. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu thực sự trở thành bộ tham mưu chiến đấu lãnh đạo toàn bộ các hoạt động và tranh đấu tại Trại VI khu B. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu còn là nòng cốt của Đảo ủy lâm thời Côn Đảo trong đêm nổi dậy (đêm 30 rạng ngày 1-5-1975). Nhiều đảng viên của Đảng bộ đã được cử vào Đảng ủy lâm thời, đóng góp xuất sắc trong thời điểm nổi dậy giải phóng hoàn toàn Côn Đảo sau này.
(còn tiếp)